Đó là kế hoạch được UBND Tp. HCM đưa ra tại báo cáo tình hình kinh tế – văn hóa – xã hội 9 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp 3 tháng cuối năm 2021. Nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp kinh doanh BĐS, doanh nghiệp xây dựng và vật liệu xây dựng.
Thành phố sẽ tháo gỡ các khó khăn của doanh nghiệp với tinh thần hỗ trợ tối đa, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoàn tất các thủ tục về đầu tư, xây dựng; thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp tái hoạt động đầu tư xây dựng đồng thời đảm bảo an toàn phòng, chống dịch theo tiêu chí của UBND Tp.HCM.
Trong ba tháng cuối năm 2021, UBND Tp.HCM sẽ rà soát, tổng hợp, phân nhóm những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp kinh doanh BĐS, doanh nghiệp xây dựng và vật liệu xây dựng để tháo gỡ. Các tổ công tác đầu tư, tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư có sử dụng đất không sử dụng vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn sẽ được thành lập, họp hằng tuần để kịp thời xem xét, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.
Ngoài ra, Tp.HCM sẽ triển khai Nghị định số 69/2021/NĐ-CP của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích việc xây dựng nhà ở xã hội, giải quyết nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp, giãn dân tại các khu vực có điều kiện sống không đảm bảo.
Các địa phương thực hiện Chỉ thị số 16, từ cuối tháng 6/2021 đến nay, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nên các hoạt động thi công xây dựng đang gặp nhiều khó khăn. Theo Bộ Xây dựng, đa số các địa phương đều ban hành các văn bản dừng thi công. Đặc biệt, việc thực hiện giãn cách xã hội, ngừng thi công kéo dài tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM đã tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội và công tác giải ngân vốn đầu tư công.
Điều này ảnh hưởng đến việc cân đối ngân sách, điều chỉnh vốn đầu tư; kế hoạch đầu tư cho từng dự án để bảo đảm thực hiện chiến lược đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật trọng yếu phục vụ phát triển kinh tế, như đường bộ cao tốc, sân bay Long Thành… đang đặt ra nhiều thách thức. Sau một thời gian ngừng thi công, một số địa phương cho phép tiếp tục thi công một số công trình trọng điểm, cấp bách nhưng không có quy định riêng về điều kiện hoặc nguyên tắc xác định các công trình được phép tiếp tục thi công.
Cũng theo Bộ Xây dựng, một số công trình xây dựng do các Bộ quản lý xây dựng chuyên ngành đầu tư xây dựng tại các địa phương phục vụ mục đích chống lũ trong mùa mưa bão đang gặp khó khăn, đình trệ. Bên cạnh đó, việc gián đoạn cung ứng vật tư, vật liệu xây dựng, cấu kiện xây dựng. Tại một số tỉnh, thành phố có số ca nhiễm lớn, việc cung ứng vật liệu xây dựng, thiết bị không phải là các dịch vụ thiết yếu không thể vận chuyển đến công trường. Bộ Xây dựng cho biết, việc thiếu nhân lực phục vụ thi công xây dựng công trình, đặc biệt là các chuyên gia nước ngoài do yêu cầu về cách ly, hạn chế di chuyển. Bên cạnh đó, đặc thù của ngành Xây dựng là nơi làm việc không cố định, công nhân xây dựng được huy động từ nhiều địa phương khác nhau.
Bộ Xây dựng nhấn mạnh, thời gian thi công xây dựng công trình kéo dài, ảnh hướng đến tiến độ và hiệu quả của dự án. Đối với các hợp đồng xây dựng theo đơn giá cố định, hợp đồng trọn gói, việc không được điều chỉnh do biến động giá tăng/giảm hoặc không được thanh toán các chi phí phát sinh sẽ dẫn đến việc càng làm càng thua lỗ. “Việc đứt gãy chuỗi cung ứng vật tư, thiết bị, máy thi công, nhân công xây dựng làm chi phí đầu vào tăng cao, năng suất lao động trên công trường giảm nghiêm trọng dẫn đến chi phí thi công thực tế vượt xa hạn mức dự tính tại thời điểm đấu thầu, ký kết hợp đồng”, Bộ Xây dựng nhận định.
Đối với việc xây dựng bệnh viện dã chiến theo lệnh khẩn cấp sử dụng vốn đầu tư công, Bộ Xây dựng cho biết còn vướng mắc liên quan đến việc lập, thẩm định, phê duyệt đề xuất dự án khẩn cấp chưa quy định rõ trình tự, thủ tục thực hiện; thủ tục lựa chọn nhà thầu theo Luật Xây dựng và Nghị định 15, chủ đầu tư được tự quyết định toàn bộ công việc trong hoạt động đầu tư xây dựng, bao gồm giao tổ chức cá nhân thực hiện.
Tĩnh Kiên
(Tổng Hợp)