Mới đây, bốn doanh nghiệp rạp chiếu phim tại Việt Nam, bao gồm CGV, Lotte Cinema, Galaxy và BHD đã đồng thanh kêu cứu, khi phải đóng cửa quá lâu trong năm 2021 để đảm bảo công tác phòng, chống đại dịch COVID-19.
So với 3 “ông lớn” trong ngành hoạt động rạp chiếu phim nêu trên, quy mô của BHD, thuộc Công ty TNHH Ngôi sao Cineplex BHD Việt Nam nhỏ hơn khá nhiều, với 10 cụm rạp trên cả nước, nhưng đa phần ở TP.HCM. Do đó, doanh thu của BHD “lép vế” khá nhiều nhiều so với đối thủ. Năm 2016, doanh thu của BHD đạt 5,7 tỷ đồng, năm 2017 đạt 68,6 tỷ đồng, năm 2018 đạt 59,3 tỷ đồng, năm 2019 là 98 tỷ đồng. Cuối cùng là năm 2020 đạt 46,8 tỷ đồng. Cụm rạp BHD không đem lại “quả ngọt” cho Công ty TNHH Ngôi sao Cineplex BHD Việt Nam hoạt động kinh doanh công ty này chỉ toàn lỗ và lỗ.
Cụ thể, năm 2016, BHD báo lỗ 4,6 tỷ đồng; năm 2017 lỗ 100 triệu đồng; năm 2018 lỗ 5,3 tỷ đồng; năm 2019 lỗ 6,8 tỷ đồng và năm 2020 báo lỗ 30,8 tỷ đồng. Như vậy, sau 5 năm, BHD lỗ tổng cộng 47,6 tỷ đồng.
Cụm rạp Galaxy của Công ty CP Phim Thiên Ngân, cũng là một trong những “cây đa cây đề” trong ngành rạp chiếu phim. Về doanh thu, trong giai đoạn 2016 – 2019, doanh thu thuần của Galaxy ghi nhận mức tăng ấn tượng, từ 867 tỷ đồng lên 1.215 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận của Galaxy lại giảm, năm 2016, lợi nhuận của Galaxy đạt 141,2 tỷ đồng, thì năm 2019 giảm xuống còn 71,6 tỷ đồng.
Bước sang năm 2020, đại dịch COVID-19 đã khiến tình hình kinh doanh của Galaxy u ám. Trong đó, doanh thu năm 2020 đã giảm xuống còn 494,5 tỷ đồng, giảm 59,3% so với năm 2019. Lợi nhuận của Galaxy cũng đảo chiều, lỗ 98 tỷ đồng.
Trong thị phần rạp chiếu phim, “cái bóng” của CGV là rất lớn, đại diện cho 50% thị phần. Với hệ thống hơn 80 cụm rạp trên cả nước, CGV dường như là đối thủ rất khó bị ngáng đường. Nhờ là “anh cả” trong ngành, trong giai đoạn 2016 – 2019, doanh thu thuần của CGV tăng rất mạnh, từ 2.140 tỷ đồng lên 3.696 tỷ đồng, tăng 72,7%.
Dù doanh thu nghìn tỷ, thế nhưng, lợi nhuận của CGV đảo chiều liên tục. Nếu năm 2016, 2017, lợi nhuận của của CGV tăng trưởng rất ít, lần lượt là 93,4 tỷ đồng và 106,2 tỷ đồng. Sang năm 2018, lợi nhuận lại lao dốc, CGV báo lỗ 37,8 tỷ đồng. Dù vậy, năm 2019, CGV tiếp tục tăng trưởng trở lại, đạt 121,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, bức tranh tài chính của CGV trở nên xám xịt khi bước vào năm 2020. Mọi chỉ số tăng trưởng đều lao dốc. Cụ thể, doanh thu thuần của CGV năm 2020 đạt 1.416 tỷ đồng, giảm 61,7% so với năm 2019. Cùng năm, CGV báo lỗ “thảm”, âm 595 tỷ đồng. Như vậy, trong năm đầu tiên đối mặt với đại dịch COVID-19, doanh thu của của CGV đã “bốc hơi” 2.282 tỷ đồng, lợi nhuận cũng “bay” 716,8 tỷ đồng.
Lotte Cinema cũng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Thậm chí, bức tranh tài chính của Lotte Cinema có phần bi đát hơn bọn phần khi lợi nhuận toàn lỗ. Doanh thu thuần của Lotte Cinema trong giai đoạn 2016 – 2019 tăng từ 726,3 tỷ đồng lên 920 tỷ đồng, tăng 26,6%. Thế nhưng, doanh thu năm 2020 đã giảm xuống còn 451,3 tỷ đồng, giảm 50,9% so với năm 2019. Dù doanh thu tiệm cận nghìn tỷ, nhưng trong giai đoạn 2016 – 2020, Lotte Cinema chưa bao giờ có lãi, các năm thi nhau đua lỗ. Cụ thể, năm 2016, Lotte Cinema báo lỗ 65,6 tỷ đồng; năm 2017 báo lỗ 106,2 tỷ đồng; năm 2018 lỗ 267,4 tỷ đồng; năm 2019 lỗ 772,6 tỷ đồng và năm 2020 báo lỗ 668 tỷ đồng. Như vậy, sau 5 năm, Lotte Cinema báo lỗ 1.880 tỷ đồng.
Trong đơn thư cầu cứu của bộ tứ này nêu rõ, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của ngành, tâm lý khách hàng lo sợ, kế hoạch sản xuất và nguồn phim chịu tác động trực tiếp. Doanh thu của các rạp chiếu phim gần như bằng 0 trong khi vẫn phải chi trả các chi phí thuê mặt bằng, lương nhân viên. Do đó, dù doanh nghiệp lớn hay nhỏ cũng có thể đối mặt nguy cơ phá sản.
Đại dịch COVID-19 đã tác động rất mạnh vào hoạt động kinh doanh của các rạp chiếu phim. Hầu hết, các cụm rạp đều thi lỗ trong năm 2020. Đặc biệt, đơn vị nào càng lớn, thị phần càng cao thì lỗ càng nặng.
Cương Nguyễn
(Tổng Hợp)