Trong báo cáo phục vụ quá trình thẩm tra tình hình kinh tế – xã hội gửi Quốc hội mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết việc sử dụng chính sách tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế hiện đã gần tới hạn. Theo đó, lãi suất điều hành của NHNN ở mức rất thấp so với nhiều năm trở lại đây, nhiều thời điểm lãi suất liên ngân hàng sát 0%.
Nguy cơ nợ xấu cũng gia tăng đối với hệ thống ngân hàng. Tính đến cuối tháng 6, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 1,73%. Nếu tính cả nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu là 3,66% và thêm cả các khoản nợ không bị chuyển nợ xấu do được cơ cấu lại theo Thông tư 01 thì tỷ lệ này là 7,21%
Báo cáo cho biết hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) vẫn đang tiếp tục cơ cấu lại và xử lý nợ xấu. Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho rằng độ trễ sẽ còn tác động cả sang năm 2022 nên ngành ngân hàng sẽ vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc gia liên tục cảnh báo rủi ro suy giảm chất lượng bảng cân đối của các tổ chức tín dụng (TCTD) trong nước do tác động của dịch COVID-19 và có thể dẫn đến nguy cơ giảm hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam.
Các ngân hàng trung ương trên thế giới cũng gia tăng xu hướng thu lại các giải pháp nới lỏng tiền tệ để giảm bớt rủi ro lạm phát. Do đó, để hỗ trợ nền kinh tế, cần đẩy mạnh hơn việc thực hiện các giải pháp tài khóa, thực hiện các cơ chế đặc thù như đã nêu tại Nghị quyết Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV. Cũng tại báo cáo, NHNN cho biết rủi ro áp lực lạm phát tăng cao trong các tháng cuối năm 2021 và cả năm 2022 là hiện hữu.
Nguyên nhân bao gồm: xu hướng tăng của giá nhiên liệu thế giới; khả năng phục hồi của giá thực phẩm, đặc biệt là thịt gia súc và gia cầm tươi sống trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục ở mức cao; chuỗi cung ứng trong nước và thế giới bị đứt gẫy, khả năng phục hồi chậm so với tốc độ tăng của tổng cầu khiến giá cả hàng hóa tăng nhanh. Ngoài ra, tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam vẫn ở mức cao và có xu hướng tăng, quy mô tín dụng đã rất lớn với mức dư nợ hiện trên 9,8 triệu tỷ đồng.
Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam thuộc nhóm có tỷ lệ tín dụng/GDP cao trên thế giới. Tỷ lệ ghi nhận tại cuối năm 2020 là 146%, bình quân giai đoạn 2016 – 2019 là 129,5%. Báo cáo cũng cho biết việc cân đối vốn cho nền kinh tế, đặc biệt vốn trung dài hạn vẫn chủ yếu từ hệ thống ngân hàng. Điều này dẫn đến tiềm ẩn rủi ro kỳ hạn, rủi ro thanh khoản đối với hệ thống ngân hàng, kéo theo sức ép và rủi ro lên hệ thống TCTD. Do đó, NHNN cho rằng cần tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển thị trường vốn, từng bước thay thế kênh tín dụng trung dài hạn của hệ thống ngân hàng theo chủ trương và lộ trình của Chính phủ.
Theo báo cáo Đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 124 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2021, nhiệm vụ, giải pháp năm 2022 của ngành ngân hàng gửi Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước cho biết nợ xấu của các TCTD có xu hướng tăng trong những tháng đầu năm do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Đến cuối tháng 6, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 1,73%, tăng so với mức cuối năm 2020 là 1,69%. Nếu tính cả nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu là 3,66% và thêm cả các khoản nợ không bị chuyển nợ xấu do được cơ cấu lại theo Thông tư 01 thì tỷ lệ này là 7,21% (cuối năm 2020 là 5,08%).
Trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng số nợ xấu nội bảng được xử lý là 78.860 tỷ đồng. Trong đó, 33.130 tỷ đồng được xử lý bằng dự phòng rủi ro, chiếm 42%; 18.660 tỷ đồng (23,7%) xử lý thông qua bán nợ và hơn 26% còn lại do khách hàng trả nợ. Báo cáo của NHNN cũng cho biết Nghị quyết 42 ra đời từ 15/8/2017 đã có tác động tích cực đến hoạt động xử lý nợ của các ngân hàng. Luỹ kế từ thời điểm đó đến hết tháng 6/2021, xử lý nợ xấu nội bảng xác định theo Nghị quyết 42 chủ yếu thông qua hình thức khách hàng trả nợ là 138.340 tỷ đồng (chiếm 38,5%), cao hơn nhiều tỷ trọng trung bình năm từ 2012-2017 là khoảng 22,8%.
Toàn hệ thống đã xử lý được 359.410 tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42. Trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng chiếm hơn 52% tổng nợ xấu đã xử lý (không bao gồm xử lý bằng sử dụng dự phòng và bán nợ cho VAMC); 26% là xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán; gần 21,9% là bán cho VAMC.
Tĩnh Kiên
(Tổng Hợp)