Nếu như trước năm 2019, bất động sản du lịch được ví như “con gà đẻ trứng vàng” thì bước sang năm 2020, đây là kênh đầu tư chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ tác động của Covid-19. Lượng hàng chào bán trên thị trường ảm đạm, tỷ lệ hấp thụ tụt dốc không phanh, tình trạng rao bán condotel, các khách sạn, resort ồ ạt…
Báo cáo mới đây nhất của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs) ghi nhận, thị trường bất động sản du lịch – nghỉ dưỡng trong quý vừa qua gần như tê liệt vì giãn cách xã hội, nhiều cơ sở du lịch không có doanh thu. Tuy nhiên, các dự án phát triển bất động sản du lịch – nghỉ dưỡng vẫn cho thấy những dấu hiệu khả quan. Lượng sản phẩm đang chào bán trên thị trường trong quý đạt 7.206 sản phẩm, giao dịch đạt 2.280 sản phẩm. Tương đương tỷ lệ hấp thụ 31,6 %.
Một số tỉnh thành ghi nhận có sản phẩm chào bán gồm: Quảng Ninh, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Phú Quốc… Trong đó, Quảng Ninh là khu vực có tỷ lệ hấp thụ tốt nhất.
Dịch Covid-19 đã khiến tỷ lệ lấp đầy tại các khách sạn ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh giảm xuống mức thấp nhất trong 10 năm qua. Tuy nhiên, xu hướng chuyển đổi thành cơ sở cách ly đang trở thành “phao cứu sinh” cho nhóm doanh nghiệp này. Trước khi đại dịch diễn ra, tỉ lệ phòng lấp đầy trung bình ở các khách sạn 3 đến 5 sao tại Hà Nội thường xuyên đạt mức 74%, cao nhất trong 10 năm vừa qua với giá phòng trung bình đạt 113 USD/phòng/đêm. Còn tại TP. Hồ Chí Minh, với những tác động của đợt dịch thứ 4, những quy định nghiêm ngặt về giãn cách xã hội, tỷ lệ lấp đầy trong quý II/2021 chỉ đạt 18% với giá phòng trung bình là 69 USD/phòng/đêm.
Theo khảo sát của Savill, hiện nay có khoảng 10% số lượng các khách sạn trên thị trường được chuyển đổi thành các cơ sở cách ly và con số này có thể tăng lên trong thời gian sắp tới, để đáp ứng nhu cầu cấp bách về việc cách ly và hỗ trợ chống dịch. Tại Hà Nội, hiện đang có khoảng 20 khách sạn chuyển đổi theo mô hình này, tương đương khoảng 1.600 phòng. Còn ở Đà Nẵng là khoảng 34 khách sạn với khoảng 3.000 phòng. Con số này ở TP. Hồ Chí Minh là 25 khách sạn với hơn 3.000 phòng, trong đó số lượng khách sạn ở quận 1 chiếm 42%, tương đương 13 khách sạn, quận Tân Bình là 32%, số còn lại ở các quận 7, quận 3 và quận 5. Cũng chính từ xu hướng này, thị trường TP. Hồ Chí Minh đã chứng kiến điểm sáng ở một số khách sạn tại khu vực quận Tân Bình, khu vực gần sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, với tỉ lệ lấp đầy lên đến 78%.
Kênh đầu tư chịu ảnh hưởng nặng nề
Hành lang pháp lý cho condotel cứ mãi là câu hỏi không được trả lời. Tâm lý dùng dằng xuất hiện trong bài toán kinh doanh của nhà đầu tư. Bởi vậy, dù thị trường tốt, nhưng năm 2019, tâm lý của nhà đầu tư trong lĩnh vực bất động sản du lịch có sự trùng lại. Và khi tâm lý dùng dằng chưa được giải quyết thì đến năm 2020, Covid-19 khiến nhu cầu du lịch phanh lại khiến nhà đầu tư lo ngại rằng bất động sản du lịch là một kênh đầu tư bị tác động bởi nhiều biến cố. Đến năm 2021, một lần nữa, Covid-19 bùng phát lại khiến những bất động sản du lịch thêm khó chồng khó.
Nhiều chuyên gia cho rằng, thông tin về hộ chiếu vaccine trên thế giới và thẻ xanh Covid-19 ở Việt Nam chính thức có hiệu lực, việc đi lại sẽ trở nên thông thoáng chính là cơ hội cho bất động sản du lịch bật tăng trở lại. Nếu thị trường du lịch nghỉ dưỡng hồi sinh chắc chắn thị trường bất động sản nghỉ dưỡng cũng sẽ khởi sắc. Tuy nhiên, ngành du lịch cần thêm thời gian khi dịch bệnh được kiểm soát, dịch vụ, tiện ích du lịch được hoàn thiện nếu không sẽ rất khó thu hút khách. Bởi, đa số du khách khó chấp nhận những dịch vụ chưa hoàn thiện ở nơi họ đến và chi tiền. Khi đó, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đơn lẻ mới có hy vọng khởi sắc.
Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng lần lượt chứng kiến hai cuộc tháo chạy quy mô của môi giới bất động sản. Cuộc tháo chạy thứ nhất bắt đầu diễn ra rải rác vào năm 2018 và trong năm 2019. Khi đó, nhiều môi giới chuyên bán nghỉ dưỡng tại các thị trường truyền thống đã lặng lẽ rời bỏ, tìm cơ hội tại các phân khúc, thị trường khác. Nhiều sàn giao dịch từ Hà Nội, TP.HCM đổ về bán nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc bắt đầu rút dần quân, cắt giảm nhân sự. Nguyên nhân là condotel rơi vào thoái trào, bão hòa nguồn cung và kế đó là đổ vỡ cam kết lợi nhuận ở Cocobay Đà Nẵng khiến người mua mất niềm tin, quay lưng với sản phẩm. Lực cầu của thị trường giảm mạnh.
Thị trường khách sạn tại Việt Nam cũng giống như tất cả các thị trường trên toàn cầu, đều chịu những tổn thất nặng nề trong thời gian qua. Theo số liệu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, sau năm 2020, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng “ảm đạm”, cả năm mới tiêu thụ chỉ được khoảng 120 sản phẩm. Trong những tháng đầu năm 2021, sức cầu chung của thị trường tiếp tục thấp. Trừ một số dự án bản chất là nhà ở nhưng được hoạt động theo hình thức du lịch – nghỉ dưỡng có tỉ lệ hấp thụ khoảng 30-40%, các dự án còn lại, có giao dịch nhưng không đáng kể. Ngoài tác động của dịch bệnh còn có những vướng mắc về pháp lý chưa thực sự được tháo gỡ khiến thị trường bất động sản du lịch thiếu sức hút đầu tư.
Đối với condotel, sau những tín hiệu hồi phục tích cực vào giai đoạn đầu năm, phân khúc này đã tiếp tục rơi vào trạng thái “ngủ đông” khi hai tháng liên tiếp không ghi nhận nguồn cung mới được đưa ra thị trường.
Cương Nguyễn
(Tổng Hợp)