Dự án đường Vành đai 2 có 4 đoạn được quy hoạch từ năm 2007. Đến nay, chỉ có đoạn 3 (từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa, TP Thủ Đức, TP HCM) dài 2,75 km được thi công, đạt 44% khối lượng. Khối lượng đạt được của đoạn 3 nêu trên là từ 2 năm trước. Từ đó đến nay, đơn vị thi công đã tạm dừng vì chờ TP thanh toán hợp đồng BT vì “tắc” vốn…
Dự án đường Vành đai 3 đi qua 4 tỉnh, TP: TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An vừa được Bộ GTVT đưa ra hàng loạt giải pháp đẩy nhanh. Đến nay, các địa phương liên quan đều than khó và đồng loạt kiến nghị về vốn.
Trong văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, UBND TP HCM nhấn mạnh dự án đầu tư khép kín đường Vành đai 3 là dự án lớn, thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia, liên quan nhiều địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và ưu tiên hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025.
Để đẩy nhanh tiến độ, TP HCM kiến nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo các địa phương về việc huy động vốn ngân sách (trung ương và địa phương) tham gia dự án. Đồng thời, thống nhất cơ quan chủ trì báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án và cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án. Với thực trạng này, UBND TP HCM nhận định chưa đủ cơ sở để báo cáo Thủ tướng quyết định giao UBND TP là cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án theo quy định pháp luật về đầu tư theo phương thức hợp tác công tư và hướng dẫn của Bộ GTVT trước đó. Về phía Đồng Nai, khi cho ý kiến về dự án đường Vành đai 3, UBND tỉnh này cho biết nguồn vốn ngân sách của tỉnh đang tập trung cho công tác phòng chống dịch Covid-19 nên không còn để triển khai dự án. Do đó, Đồng Nai đề nghị tính toán lại tổng chi phí đầu tư có bổ sung chi phí giải phóng mặt bằng (bao gồm đường Vành đai 3 và đường song hành), chi phí đầu tư xây dựng đường song hành vào dự án triển khai theo hình thức đối tác công tư PPP. Trong đó, tính toán phần vốn góp vào tối đa của tỉnh Đồng Nai là huy động từ nguồn ngoài ngân sách.
Trước khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, chúng tôi có mặt tại một số điểm đang thi công ở công trường (thuộc phường Tam Phú, TP Thủ Đức) và ghi nhận những nhánh cầu đổ bê-tông dang dở phơi mưa phơi nắng, rất lãng phí, xung quanh cỏ dại mọc um tùm. Hỏi người dân quanh khu vực, ai cũng mong dự án sớm hoàn thành để bộ mặt đô thị được thông thoáng. “Giờ không chỉ lãng phí mà đây còn là nơi “nuôi muỗi” – ông Nguyễn Văn Tại ở phường Tam Phú cho biết. Đoạn 3 đã vậy, 3 đoạn còn lại – gồm đoạn 1 từ cầu Phú Hữu đến Xa lộ Hà Nội, đoạn 2 từ Xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng và đoạn 4 từ Quốc lộ 1 đến đường Nguyễn Văn Linh – còn “tắc” hơn. Lý do được các cơ quan liên quan lý giải là đến thời điểm hiện tại, các đoạn này vẫn chưa được giao nhiệm vụ cụ thể và chưa được bố trí vốn.
Sở GTVT TP HCM cũng đã gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư công bằng nguồn vốn ngân sách TP đối với đoạn 1 và 2 của dự án đường Vành đai 2. Còn đoạn 4, Sở GTVT kiến nghị UBND TP HCM giao nhiệm vụ, bố trí kế hoạch vốn trình HĐND TP thông qua để có cơ sở triển khai lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư công, thực hiện trong giai đoạn 2021-2025.
Cương Nguyễn
(Tổng Hợp)