Vốn dĩ đã là một nghề cạnh tranh cao và đầy rẫy thử thách, từ kiến thức chuyên môn tới độ nhạy của nghề, nhưng dịch bệnh khiến nhiều môi giới phải “bỏ cuộc chơi”, kể cả những “siêu môi giới”. Nguồn hàng mới tốt hơn, chất lượng hơn, pháp lý vững vàng hơn chính là “vắc-xin” đối với các môi giới địa ốc sau dịch.
Nhiều môi giới bất động sản, sàn giao dịch đã mạnh tay đầu tư mua sắm công nghệ hiện đại để phục vụ công tác bán hàng cũng như người mua nhà mùa dịch, nhưng với loại tài sản giá trị lớn như bất động sản, khách hàng luôn muốn “mắt thấy, tai nghe, tay sờ”, nên để chốt deal thông qua các nền tảng trực tuyến là rất khó. Chưa kể, các hình thức livestream, tư vấn bán hàng trực tuyến cũng đòi hỏi nhiều kỹ năng, đào tạo bài bản.
Nghề môi giới bất động sản cũng cần một “liều vắc-xin” để kích lại hoạt động sau những tháng ngày bị ảnh hưởng bởi Covid-19, đó là những nguồn hàng mới tốt hơn, chất lượng hơn, pháp lý vững vàng hơn. Đồng thời, việc lựa chọn đúng “vắc-xin” cho riêng mình của mỗi lãnh đạo sàn giao dịch sẽ là cơ hội để các sàn môi giới sớm trở lại và nhanh chóng bứt phá khi dịch bệnh qua đi.
Tâm sự với không ít nhân viên cũng như lãnh đạo các sàn môi giới địa ốc vào thời điểm này, điều mà phóng viên nhận được chủ yếu là những lời than thở về khó khăn chất chồng kể từ khi dịch Covid-19 tái bùng phát lần thứ 4. Vốn dĩ đã là một nghề cạnh tranh cao và đầy rẫy thử thách, từ kiến thức chuyên môn tới độ nhạy của nghề, nhưng dịch bệnh khiến nhiều môi giới phải “bỏ cuộc chơi”, kể cả những “siêu môi giới”.
Bán được một căn hộ, một lô đất nền, tiền hoa hồng nhận được có thể giúp môi giới đủ ăn trong một vài tháng, nhưng mùa dịch này, có khi mấy tháng chẳng bán được căn nào, nhiều môi giới thậm chí 5-6 tháng liền không có thu nhập bởi không có sản phẩm để bán, nếu có thì cũng không bán được, số khác thì bị nợ phí hoa hồng bởi bản thân chủ đầu tư cũng gặp khó.
Theo số liệu công bố gần đây của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), hơn 80% số sàn giao dịch bất động sản phải đóng cửa trong 2 năm qua và ước tính trên toàn thị trường, số lượng nhân viên môi giới phải tạm ngừng việc do dịch lên tới cả trăm nghìn người, gồm cả môi giới bán chuyên lẫn không chuyên.
Cái khó của nghề môi giới vào thời điểm hiện tại, theo chia sẻ của nhiều diễn giả là lãnh đạo trực tiếp các sàn môi giới bất động sản tại một diễn đàn do VARS tổ chức cuối tuần qua, không chỉ là câu chuyện giãn cách xã hội, mà còn đến từ việc làm thể nào để khôi phục lại được lực lượng môi giới đã mất đi sau khi dịch được kiểm soát.
Sự phát triển của một đơn vị môi giới đến từ những nhân viên môi giới nòng cốt và chuyên nghiệp, những người đóng vai trò kéo gần khoảng cách giữa khách hàng với chủ đầu tư. Với nhân viên môi giới, thu nhập là yếu tố quyết định ở lại sàn, nhưng với lãnh đạo công ty, sự tồn tại của sàn giao dịch là điều tiên quyết.
Cương Nguyễn