Thị trường bất động sản tiếp tục rơi vào thế “khó chồng thêm khó”. Khắp các phân khúc đều trong tình thế gần như “đóng băng” vì không có giao dịch diễn ra.
Tình trạng các giỏ hàng cũng không có nhiều biến chuyển so với trước dịch. Trong khi đó, hàng loạt dự án mở bán từ năm 2020 số lượng hàng tồn vẫn chiếm rất lớn. Trên thực tế, mức giá bán ở thị trường căn hộ vẫn gia tăng nhưng lượng giao dịch chỉ diễn ra nhỏ giọt. Một số dự án được nhà đầu tư liên tục rao sang nhượng lại trên thị trường thứ cấp nhưng vẫn không diễn biến khả quan.
Nếu so với giai đoạn 2017-2018 thì rõ ràng, từ nửa cuối năm 2019 thị trường bất động sản không còn sôi động như trước, mặc dù vẫn giữ được sức nóng so với nhiều kênh đầu tư khác. Nguyên nhân lớn đến từ việc siết chặt các thủ tục pháp lý khiến nguồn cung bị hạn chế. Giai đoạn 2020 – 2021, bất động sản tiếp tục bị kìm hãm bởi dịch bệnh và cơn sốt đất ảo đầu năm 2021. Thị trường bất động sản thời điểm này, mặc dù lượng giao dịch giảm đáng kể và có dấu hiệu chững lại, việc các nhà đầu cơ cắt lỗ hay bán tháo bất động sản đã xảy nhưng chưa nhiều. Những nhà đầu tư chưa bung tiền thì họ tiếp tục giữ tiền, còn những nhà đầu tư đã mua trước đó thì họ sẽ găm hàng chờ cơ hội tốt mới bán ra. Việc sử dụng đòn bẩy tài chính cũng như chiến lược quản trị rủi ro cần được xem xét hết sức thận trọng. Đặc biệt, nhà đầu tư hết sức tránh ảnh hưởng bởi hiệu ứng đám đông, dẫn đến quyết định đầu tư theo cảm tính. Nếu có thể, đầu tư hướng đến các mục tiêu lợi nhuận về dài hạn sẽ là phù hợp trong giai đoạn đang có nhiều khó khăn chung của cả nền kinh tế như hiện nay.
Hiện tại, nếu bỏ tiền vào bất động sản thì cũng phải tiếp tục chờ, một khi mức giá đứng im thì không thể sinh lời. Thậm chí, kể cả sau dịch qua đi thì cũng cần đến một khoảng thời gian dài hơi để thị trường ổn định rồi mới có thể quay về dòng chảy đầu tư như trước khi dịch bệnh xuất hiện. Theo các chuyên gia, mặc dù các giao dịch đang chững lại song một tín hiệu khả quan là chưa xuất hiện tình trạng bán tháo, bán cắt lỗ giảm giá. Ngược lại, ở một số thị trường vẫn có dấu hiệu tăng giá. Điều này cho thấy, BĐS vẫn có lực hồi phục tốt sau dịch. Tuy nhiên, chu kỳ phục hồi ngắn hay dài sẽ phải phụ thuộc vào thời điểm kết thúc của dịch bệnh.
Rõ ràng, dịch Covid-19 khiến nhà đầu tư “chùng” lại, nhưng cũng là cơ hội để họ đánh giá toàn diện hơn về thị trường cũng như chiến lược đầu tư của bản thân. Đây có thể xem là bước “lấy đà” cho một giai đoạn tăng trưởng mới. Trong giai đoạn dịch bệnh với những diễn biến phức tạp, nhà đầu tư còn phải tham khảo thêm các thông tin vĩ mô về thị trường BĐS, về nền kinh tế, diễn biến dịch bệnh để đưa ra những quyết định thận trọng trước khi giao dịch. Đăc biệt, phương án tài chính phải hết sức cân nhắc trong giai đoạn này. Bởi thị trường sẽ còn phụ thuộc trực tiếp diễn biến dịch bệnh. Nhà đầu tư phải tính toán đến phương án dự phòng, phương án thoái lui khi thị trường biến động rủi ro để đảm bảo an toàn tài chính cá nhân. Nếu dùng đòn bẩy tài chính, không nên vay vượt quá 50%: Việc phụ thuộc quá lớn vào vốn vay ngân hàng trong giai đoạn nhạy cảm này sẽ có thể khiến nhà đầu tư thâm hụt vốn gốc khi không thoát hàng kịp thời điểm hoặc tỷ suất sinh lời không như kỳ vọng mà nhà đầu tư tính toán trước đó.
Tiếp tục chờ đợi, nghe ngóng là tâm lý chung của các nhà đầu tư BĐS ở thời điểm này. Trải qua nhiều đợt dịch, cùng sự biến động lên xuống của thị trường BĐS đã ảnh hưởng ít nhiều đến động thái của các NĐT. Tuy nhiên, có điều dễ nhận thấy, thị trường lúc này là “khoảng lặng” do Covid-19 chứ hoàn toàn không phải do nhà đầu tư quay lưng với BĐS.
Cương Nguyễn