Theo Ngân hàng Nhà nước, hạn mức tăng trưởng tín dụng đã phát huy tác dụng rất tốt trong việc quản lý chất lượng tín dụng trong 10 năm qua nên không thể bỏ trần hạn mức tín dụng.
NHNN căn cứ vào quy mô, chất lượng tài sản của từng tổ chức tín dụng để giao hạn mức tăng trưởng tín dụng, và hạn mức này có thể được xem xét thay đổi theo tình hình thực tế hoạt động của từng tổ chức tín dụng.
Tại Việt Nam, vốn tín dụng ngân hàng cung cấp cho nền kinh tế là chủ yếu. Nếu như không quản lý tốt, hài hòa, sẽ khiến các ngân hàng tăng trưởng tín dụng ồ ạt, không kiểm soát được, thì nợ xấu có nguy cơ tăng. Theo NHNN, hạn mức tăng trưởng tín dụng vừa đảm bảo tăng trưởng vừa đảm bảo kiểm soát chất lượng, trước mắt là công cụ hiệu quả hữu hiệu. Dẫu vậy, NHNN cho biết, trong tương lai, khi thị trường cung ứng vốn không phụ thuộc nhiều vào tín dụng, NHNN có thể thay đổi phương thức này.
Để giao hạn mức tín dụng một cách chính xác và phù hợp thì NHNN đã phải thanh tra, kiểm tra, nắm vững tình hình sức khỏe và khả năng hoạt động của từng ngân hàng. Một khi NHNN đã nắm chắc được sức khỏe và tình hình hoạt động của từng ngân hàng thì, về nguyên tắc, họ sẽ/phải nhanh chóng phát hiện bất thường về tăng trưởng tín dụng của một ngân hàng nào đó và có phương án xử lý ngân hàng đó ngay khi hoạt động của nó, mà cụ thể là cho vay tín dụng, đã vượt qua các ngưỡng an toàn, được thể hiện qua các chỉ tiêu định lượng mà NHNN đã ban hành, như tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu trên tổng tài sản có (CAR), tỷ lệ nợ xấu, trần sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn…
Nếu muốn hạn chế vốn tín dụng vào những lĩnh vực được cho là có rủi ro cao, NHNN có thể xem xét thêm các hạn chế định lượng như giới hạn tỷ trọng tín dụng của (mỗi) ngân hàng cấp cho các lĩnh vực này không quá X% tổng tài sản hoặc tổng dư nợ của họ (và tỷ lệ X này có thể khác nhau với mỗi ngân hàng). Những hạn mức định lượng kiểu này cũng đã được quy định trong Thông tư 22/2019, với cách tính cụ thể dựa trên hệ số rủi ro và những mức trần cụ thể. vấn đề không phải là NHNN không có công cụ hiệu quả nào ngoài hạn mức tín dụng để kiểm soát chất lượng tín dụng. Thay vào đó, và như đã nói ở trên về sự không cần thiết của hạn mức tăng trưởng tín dụng, vấn đề là liệu NHNN có kịp thời và nhạy bén phát hiện được các vi phạm về ngưỡng hoạt động an toàn của từng ngân hàng, và có biện pháp xử lý nghiêm minh hay không. Nếu luôn đảm bảo làm được như vậy thì bất cứ khi nào ngân hàng thương mại cho vay vượt quá mức mà nó được phép cho vay thì NHNN sẽ lập tức tuýt còi cảnh báo, ngăn chặn và trừng phạt các vi phạm tương ứng, nhờ đó luôn đảm bảo được chất lượng tín dụng của từng ngân hàng và cả hệ thống.
Các ngân hàng nếu tuân thủ đúng quy định hoạt động an toàn (và nếu NHNN theo dõi, thanh tra, giám sát sát sao, kịp thời việc tuân thủ này) thì các ngân hàng sẽ không thể đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng một cách vô tội vạ. Tín dụng trong cả hệ thống vì thế cũng không thể tăng trưởng một cách vô tội vạ, thoát khỏi vòng kiểm soát của NHNN. Cần lưu ý rằng NHNN cũng quy định tỷ lệ tăng trưởng tín dụng tối đa cho cả hệ thống ngân hàng trong từng thời kỳ. Đây chính là cái “van tổng” để điều tiết tín dụng vào nền kinh tế theo định hướng và chủ đích của NHNN. Nếu NHNN không muốn thấy tình trạng tín dụng tăng trưởng mạnh trong nền kinh tế tại một thời điểm nào đó, vượt quá mức họ mong muốn, thì họ hoàn toàn có thể siết lại cái van tổng này. Nếu nói như NHNN rằng trong tương lai, có thể bỏ hạn mức khi thị trường vốn cung ứng đủ vốn mà không phụ thuộc nhiều vào tín dụng thì e rằng tương lai này sẽ khó mà xảy ra. Bởi NHNN chưa bao giờ tính toán và cho biết tỷ lệ vốn từ tín dụng phải giảm xuống là bao nhiêu trong tổng vốn đầu tư. Và quan trọng hơn, NHNN chưa bao giờ so sánh Việt Nam với thế giới để cho thấy tại sao có nhiều nước (mà) thị trường vốn không phát triển, nền kinh tế của họ vẫn phải phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng, nhưng họ không áp dụng hạn mức tín dụng như Việt Nam.
NHNN nói rằng hạn mức tăng trưởng tín dụng đã phát huy tác dụng rất tốt trong việc quản lý chất lượng tín dụng trong 10 năm qua. Điều này dường như không chính xác, bởi 10 năm qua chính là giai đoạn chao đảo, khủng hoảng của ngành ngân hàng với nợ xấu tăng vọt, để rồi phải cho ra đời những giải pháp, những tổ chức chuyên xử lý nợ xấu, như Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Việc các ngân hàng bị NHNN mua 0 đồng cũng xuất hiện trong giai đoạn này.
Nếu NHNN sẵn sàng đáp ứng thanh khoản của hệ thống và nền kinh tế thì việc một số ngân hàng nào đó tăng lãi suất sẽ không gây ra áp lực đáng kể làm tăng lãi suất cả hệ thống. Cũng cần lưu ý rằng NHNN đã từng áp dụng trần lãi suất. Chưa bàn đến việc công cụ này có lợi hay hại, hiệu quả hay không, sự từng tồn tại của công cụ này càng cho thấy nếu muốn chặn cuộc đua lãi suất thì sẽ có nhiều công cụ khác mà không cần phải áp đặt hạn mức tăng trưởng tín dụng.
Như vậy, nếu không muốn bị nói rằng hạn mức tăng trưởng tín dụng đã không giúp được gì, thậm chí là có hại trong việc quản lý chất lượng tín dụng, thì ít nhất cũng nên thừa nhận rằng hạn mức tăng trưởng tín dụng không liên quan gì đến, không nhất thiết sẽ giúp quản lý được chất lượng tín dụng. Nói cách khác, hạn mức tín dụng là… không cần thiết!
Tĩnh Kiên