Nhiều công ty chứng khoán tiến hành tăng vốn nhưng cũng phải rất cẩn trọng trong giai đoạn này bởi khi cho vay margin mà thị trường xuống thì đầu tiên là công ty chứng khoán chịu ảnh hưởng, thứ hai là ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà đầu tư.
Tính đến cuối quý I/2021, lượng tiền này vào khoảng 85.000 tỷ đồng. Mức tăng trong quý I/2021 chỉ khoảng 4,2%. Vậy đâu là dòng tiền chính thúc đẩy thị trường tăng trưởng bùng nổ trong thời gian qua?
Theo thống kê đến hết quý I/2021, dư nợ margin của các công ty chứng khoán cấp cho nhà đầu tư tại thị trường Việt Nam ở mức 101.000 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng hơn 25% so với quý liền kề. Ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết quy định pháp lý về margin hiện nay rất rõ. Thời gian dài vừa qua, bản thân các công ty chứng khoán cũng nhận thức rằng đây vừa là dịch vụ tốt nhưng đi kèm với nó là rủi ro. Dù vậy, các công ty chứng khoán quản lý khá tốt margin, chủ yếu bằng công nghệ. “Margin như con dao 2 lưỡi. Các công ty chứng khoán hiện nay đã cho vay margin tương đối nhiều. Vừa qua, nhiều công ty chứng khoán tiến hành tăng vốn nhưng cũng phải rất cẩn trọng trong giai đoạn này bởi khi cho vay margin mà thị trường xuống thì đầu tiên là công ty chứng khoán chịu ảnh hưởng, thứ hai là ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà đầu tư”, ông Sơn cảnh báo.
“Một lần nữa tôi khuyến nghị rằng bối cảnh hiện nay còn có những biến động dịch bệnh, có những vấn đề chưa lường trước được, vì vậy chúng ta phải cẩn trọng để làm sao giữ cho thị trường hoạt động bền vững”, ông Sơn nói.
Từ đầu năm đến nay, thị trường chứng khoán liên tục thiết lập các kỷ lục mới về chỉ số và sự “bùng nổ” về thanh khoản trong các phiên giao dịch. Nếu như trước đây thanh khoản thị trường đạt 7.000 tỷ đồng-8.000 tỷ đồng/phiên đã là mức cao, thì nay giá trị này đã tăng lên trên 3-4 lần với mức thanh khoản lên tới 23.000 tỷ đồng-30.000 tỷ đồng/phiên. Điều gì đang tạo lên các phiên giao dịch tỷ USD trên thị trường chứng khoán Việt Nam và dòng tiền “khủng” này có tính ổn định và bền vững trong thị trường?
Từ cuối năm 2020 cho đến nửa đầu năm 2021, sàn HoSE liên tục rơi vào tình trạng nghẽn lệnh ở phiên chiều do dòng tiền trên TTCK Việt Nam luôn được duy trì ở mức cao. Thanh khoản tăng đột biến khiến nguồn vốn margin (cho vay giao dịch ký quỹ) của nhiều CTCK tăng mạnh và chạm tới mức giới hạn (Bộ Tài chính quy định, trần cho vay margin không được vượt quá 2 lần vốn chủ sở hữu của CTCK). Tại thời điểm 31/12/2020, các khoản cho vay margin và ứng trước tiền bán tại 30 CTCK được thống kê đã đạt hơn 88.040 tỷ đồng, tăng 65% so với đầu năm 2020.
Các năm trước đây, nói đến căng cứng margin, full margin tại các công ty chứng khoán luôn được xem là nhạy cảm, là tín hiệu thị trường có thể tạo đỉnh ngắn hạn, bởi khi tình trạng này xảy ra sẽ gây ra hiệu ứng bán tháo những lúc có dấu hiệu điều chỉnh mạnh trong phiên. Thực tế, giới đầu tư đã chứng kiến nhiều phiên giảm mạnh để giảm margin, rồi tình trạng call margin diễn ra diện rộng khiến thị trường chao đảo, nhiều phiên giảm mạnh ở giai đoạn trước Tết cũng một phần vì lý do nhà đầu tư bán mạnh để giảm margin.
Các nhà đầu tư lâu năm, nhà đầu tư lớn trên thị trường đã sớm có dự báo về diễn biến này, với luận điểm chính là nhiều cổ phiếu ngân hàng đã tăng quá xa so với định giá, chủ yếu lên nhờ dòng tiền thị trường, nên nhịp chỉnh là cần thiết để thị trường đi lên bền vững hơn. Đây là lúc VN-Index hạ nhiệt được, và việc hạ margin được là tốt cho thị trường.
Thị trường có thể phản ánh những dấu hiệu chững lại của yếu tố vĩ mô, như chỉ số sản xuất công nghiệp và tiêu dùng trong nước đang chậm lại. Điều này dẫn tới kỳ vọng GDP quý II sẽ tăng trưởng thấp hơn dự báo, khiến GDP cả năm có thể bị ảnh hưởng.
Tĩnh Kiên