Kế hoạch tham vọng và những đề xuất ồn ào cũng đã đánh dấu sự xuất hiện đậm nét của chúa đảo Tuần Châu ở trung tâm kinh tế của cả nước. Thêm vào đó là sự dồn dập thành lập các công ty con có liên quan đến Vạn Thịnh Phát tại Tp.HCM này, hơn thế nữa chú đảo Tuần Châu còn muốn các dự án hiện diện trên cả nước. Công ty chủ lực của Chúa đảo Tuần Châu thì làm ăn thua lỗ, Vạn Thịnh Phát liên tục bị thanh tra liệu sự bắt tay này có thành công.
Trong nửa đầu năm 2017, Tuần Châu dồn dập thành lập một loạt doanh nghiệp tại TP.HCM với tổng vốn hơn 16.000 tỷ đồng, như Công ty TNHH Sài Gòn Marina City (vốn 900 tỷ đồng), Công ty TNHH Sài Gòn New City (3.000 tỷ đồng); CTCP Đầu tư và Phát triển Tuần Châu (5.500 tỷ đồng); CTCP Tập đoàn Tuần Châu Holdings; Công ty Đầu tư Kinh doanh và Quản lý chợ Kim Biên (1.200 tỷ đồng); CTCP Đầu tư Tuần Châu Global Capital (5.450 tỷ đồng)…
Phần nhiều trong số này được thành lập trên cơ sở hợp tác với các cá nhân, pháp nhân có nhiều liên hệ tới tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Đơn cử, tại CTCP Đầu tư Tuần Châu Global, ông Đào Hồng Tuyển có 49%, các cá nhân nắm cổ phần còn lại là các ông Đặng Trịnh Thanh Phương, Châu San Phàm – những mắt xích quan trọng trong hệ sinh thái của nữ đại gia Sài Thành Trương Mỹ Lan.
Tập đoàn Tuần Châu cũng gây sốc khi có đề xuất với chính quyền TP. HCM về việc đầu tư xây dựng tổ hợp các “siêu” dự án, trong đó có dự án đại lộ ven sông Sài Gòn theo hình thức hợp đồng BT, với chiều dài 63km, tổng vốn hơn 63.000 tỷ đồng. Quỹ đất thực hiện dự án và thanh toán cho nhà đầu tư dự kiến lên tới 12.398ha. Quỹ đất đối ứng sẽ được dùng làm các dự án Sài Gòn New City (Củ Chi), Sài Gòn Marina City (Cần Giờ) và dự án di dời chợ hóa chất Kim Biên. Trong đó, dự án Sài Gòn Marina City có tổng diện tích 1.430ha; còn dự án Gòn New City và hồ điều hòa nước tại Củ Chi sẽ có diện tích gấp khoảng 15 lần dự án Phú Mỹ Hưng và Thủ Thiêm cộng lại.
Vạn Thịnh Phát cũng tích cực tìm kiếm cơ hội đầu tư ra phía Bắc, mà cụ thể là địa bàn Quảng Ninh của đối tác Tuần Châu. Đầu năm 2018, CTCP Đầu tư và phát triển Sunny World – thành viên của Vạn Thịnh Phát đã cùng hai đối tác là Tập đoàn Vision Transportation Group (VTG) và CTCP Đầu tư xây dựng Hải Đăng đề xuất 3 dự án tại Quảng Ninh, là đường sắt cao tốc kết nối Móng Cái – Vân Đồn; dự án khu đô thị công nghiệp, cảng nước sâu Hòn Nét – Con Ong; dự án khu đô thị phức hợp phía bắc đảo Cái Bầu tại Khu kinh tế Vân Đồn, với tổng vốn đầu tư từ 10-15 tỷ USD. Cùng với đó, Bến Thành Holdings – pháp nhân được cho có nhiều liên hệ với Vạn Thịnh Phát cũng đang đề xuất 2 dự án có tổng vốn lên tới 65.300 tỷ đồng tại Quảng Ninh, là khu phức hợp đảo Cái Chiên (2.250ha) và Khu công nghiệp logistics, cảng biển Hải Hà (4.988ha).
Ông Lâm Khắc Vinh (Truong Vincent Kinh) – CEO của Sunny World đầu năm 2020 đã thay ông Đào Hồng Tuyển làm Chủ tịch HĐQT CTCP T&H Hạ Long, trong khi con trai ông Tuyển, ông Đào Anh Tuấn vẫn đảm trách vai trò Tổng giám đốc. T&H Hạ Long là chủ đầu tư dự án Tuần Châu tại Đảo Tuần Châu, và là một thành viên quan trọng trong hệ thống doanh nghiệp của ông Đào Hồng Tuyển. Năm 2019, T&H Hạ Long đạt doanh thu 423,4 tỷ đồng, lãi sau thuế 51,2 tỷ đồng, tổng tài sản tới cuối năm là 2.740 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 545,7 tỷ đồng.
“Chúa đảo” lỗ ở công ty chủ lực
Tuần Châu Group tiền thân là Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh (Âu Lạc Quảng Ninh). Hiện tại, Tuần Châu Group mở rộng ra nhiều mảng với nhiều công ty khác nhau nhưng Âu Lạc Quảng Ninh vẫn là cái tên quen thuộc nhất, chủ lực nhất vì nó gắn liền với “huyền thoại lấn biển” Tuần Châu.
Trong giai đoạn 2016-2019, doanh thu của Âu Lạc Quảng Ninh (công ty mẹ) liên tục trồi sụt với biên độ dao động không hề nhỏ. Nếu như năm 2016, doanh thu đứng ở mức 543,5 tỷ đồng đến 2017, con số này đã vọt tăng lên 863,8 tỷ đồng. Dẫu vậy chỉ một năm sau đó, chỉ tiêu này giáng mạnh xuống mức 226,1 tỷ đồng, tương đương giảm gần 4 lần. Đến cuối chu kỳ, doanh thu mới hồi phục về hơn 739 tỷ đồng. Một điểm đáng lưu tâm, đó là lợi nhuận sau thuế của Âu Lạc Quảng Ninh không phụ thuộc quá nhiều vào biến động của doanh số và đang trong xu hướng suy thoái khá nhanh. Ở giai đoạn này, doanh nghiệp chỉ có lãi duy nhất vào năm 2016 với kết quả khiêm tốn 1,6 tỷ đồng.
Năm 2017, Âu Lạc Quảng Ninh lỗ ròng 11 tỷ đồng, lỗ sâu nhất vào năm kế tiếp với con số 77,2 tỷ đồng và kết thúc năm 2019 với mức lỗ 57,6 tỷ đồng. Dù công ty thua lỗ nhưng cổ đông tài sản vẫn có xu hướng đi lên. Trong giai đoạn 2016-2019, tổng tài sản tăng từ 2.945 tỷ đồng lên 3.453 tỷ đồng. Nhưng dòng vốn của Âu Lạc Quảng Ninh không đẹp. Cuối 2019, trong khi vốn chủ sở hữu còn 1.020 tỷ đồng, nợ phải trả đứng ở mức 2.433 tỷ đồng.
Không chỉ công ty “chủ lực” thua lỗ, nhiều đơn vị khác trong hệ sinh thái Tuần Châu như Công ty Cổ phần Tuần Châu Hà Nội, Công ty TNHH Jen Tuần Châu, Công ty Cổ phần T&H Hạ Long… cũng bết bát. Trong đó, ảm đạm hơn cả là tình hình làm ăn của Tuần Châu Hà Nội, dưới sự điều hành của Tổng Giám đốc Đào Anh Tuấn. Tính riêng giai đoạn 2016-2019, doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án “Khu du lịch quốc tế Tuần Châu Hà Nội” này chưa từng có lãi. Ở đầu chu kỳ, Tuần Châu Hà Nội lỗ ròng gần 25 tỷ đồng, năm 2017 giảm lỗ còn gần 6 tỷ đồng. Tuy nhiên chỉ một năm sau đó, khoản lỗ này tăng mạnh lên 73,1 tỷ đồng và cuối chu kỳ rớt sâu xuống gần 149 tỷ đồng. Doanh thu xuyên suốt thời điểm này của Tuần Châu Hà Nội cũng khá thất thường, đạt gần 8 tỷ đồng (năm 2017), tăng lên 49,3 tỷ đồng (năm 2018) và giảm còn 21 tỷ đồng (năm 2019).
Do lỗ lũy kế ngày càng chất đống, doanh nghiệp của “chúa đảo” Tuần Châu đã lâm vào cảnh mất vốn chủ sở hữu, cuối năm 2019 chỉ còn 26,1 tỷ đồng trong khi vốn góp là 300 tỷ đồng. Dù vậy, nợ phải trả vẫn chưa có dấu hiệu tiết giảm, cuối 2019 đứng ở mức 1.238 tỷ đồng (năm 2016 ghi nhận 937 tỷ đồng). Tương tự, Công ty Jen Tuần Châu cũng thể hiện sự sa sút không hề nhỏ trong kết quả kinh doanh. Từ năm 2016 đến 2019, doanh nghiệp liên tục lỗ ròng, lần lượt ở mức 8,1 tỷ đồng; 5,4 tỷ đồng; 7,6 tỷ đồng và 4 tỷ đồng với doanh thu dùy trì ở con số 0 đồng. Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cuối 2019 chỉ còn 112,7 tỷ đồng, thấp hơn vốn góp 66,5 tỷ đồng. Jen Tuần Châu cũng sử dụng đòn bẩy tài chính khá cao, với hệ số D/E (nợ phải trả/vốn chủ sở hữu) là 3,2 lần.
Vạn Thịnh Phát bị thanh tra “Đất vàng”
Vốn điều lệ của tập đoàn này hiện nay là 6.000 tỷ đồng. Trong lĩnh vực bất động sản, Vạn Thịnh Phát sở hữu nhiều khách sạn 5 sao, trung tâm hội nghị, thương mại, văn phòng cho thuê loại A, cao ốc căn hộ dịch vụ, khu dân cư với chất lượng cao… Năm 2007, Vạn Thịnh Phát mở rộng kinh doanh thông qua việc tham gia thành lập 2 tập đoàn có quy mô lớn là Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát (VTP Investment Group) vốn điều lệ 12.800 tỷ đồng và Tập đoàn Đầu tư An Đông (An Dong Group) vốn điều lệ 9.000 tỷ đồng. Tập đoàn đã cùng các công ty liên kết như CTCP Đầu tư Times Square VN, Tập đoàn Saigon Peninsula và các đối tác trong và ngoài nước khác.
Mới đây, Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Kết luận Thanh tra về công tác quản lý Nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai… Theo kết luận, việc chuyển đổi một số nhà, đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại TP.HCM có nhiều vi phạm pháp luật về đất đai; trong đó có việc gần 2000m2 “đất vàng” tại quận 1 rơi vào tay tư nhân là Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Thanh tra Chính phủ cũng nêu tên Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tại dự án khu tứ giác Nguyễn Huệ – Ngô Đức Kế – Hồ Tùng Mậu – Huỳnh Thúc Kháng (phường Bến Nghé, quận 1,TP.HCM).
Thanh tra Chính phủ kết luận vị trí nhà đất tại địa chỉ 187A, 187H, 193, 203 Trần Hưng Đạo do Tập đoàn Vạn Thịnh Phát làm chủ đầu tư là tài sản công, việc giải quyết phải được hiện theo phương án sắp xếp, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước đã được duyệt nên đề nghị Bộ Tài chính kiểm tra, có biện pháp để xử lý theo pháp luật. Theo kết luận, việc chuyển đổi một số nhà đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại TP.HCM có nhiều vi phạm pháp luật về đất đai, quy hoạch, đầu tư xây dựng. Điển hình là cao ốc VTP do Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) làm chủ đầu tư với tổng diện tích đất 1.954m2, tọa lạc tại địa chỉ 187A, 187H, 193, 203 Trần Hưng Đạo (quận 1, TP.HCM). Khu đất này có nguồn gốc là đất của nhà nước. Khu đất này trước đây là khách sạn Vạn Xuân, được Kiến trúc sư trưởng TP.HCM cấp phép xây dựng cho Liên hiệp Dịch vụ Sản xuất Thương mại, thuộc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn.
Cương Nguyễn