Các ngân hàng đều có báo cáo tài chính sạch, nợ xấu không chỉ được bán cho công ty khai thác và quản lý tài sản (VAMC) mà còn được chính các nhà băng tự mua về xử lý và làm sạch bảng cân đối. Mặc dù mức độ tác động là khác nhau, nhưng nguy cơ xảy ra nợ xấu đang hiện hữu và có thể trở thành gánh nặng với ngành Ngân hàng.
Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, qua theo dõi, giám sát tình hình hoạt động năm 2020, Ngân hàng Nhà nước nhận thấy một số tổ chức tín dụng có những dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro như nợ xấu nội bảng có xu hướng tăng, tỷ lệ nợ xấu của một số công ty tài chính tiêu dùng ở mức cao và tăng lớn so với năm trước, lãi phải thu từ hoạt động tín dụng tăng lớn so với cuối năm 2019. Nhưng trong giai đoạn dịch bệnh như hiện nay, dường như “bóng ma” nợ xấu có chiều hướng quay trở lại. Theo đó, các hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng trực diện.
Nợ xấu tăng, các ngân hàng đã tăng mạnh tỷ lệ dự phòng như một biện pháp phòng ngừa. Có số nợ xấu cao nhất hệ thống, BIDV đã đẩy mạnh dự phòng bao phủ nợ xấu khi nâng quy mô quỹ trích lập dự phòng mức 23% lên 23.422 tỷ đồng cuối quý I/2021, cải thiện tỷ lệ bao phủ nợ xấu từ 89% lên gần 108%. Tính chung, các ngân hàng quốc doanh có tỷ lệ bao phủ nợ xấu (280%) cao hơn khối ngân hàng ngoài quốc doanh (50 – 70% nhóm quy mô nhỏ và 100 – 150% nhóm quy mô lớn).
Từ đầu năm nay, nhiều ngân hàng khác cũng tăng mạnh nợ xấu: MB tăng 28,8%, HDBank tăng 20,3%, NamABank tăng 19,2%, PGBank tăng 10,6%… Tính chung cả hệ thống ngân hàng, đến ngày 31/3, tổng dư nợ xấu theo con số tuyệt đối của 26 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính là hơn 93.200 tỷ đồng, tăng 5,3% so với cuối năm 2020. Một số ngân hàng có số nợ xấu cao là: BIDV, VPBank, Vietinbank, SHB… Còn xét theo con số tương đối, tỷ lệ nợ xấu hệ thống cũng tăng thêm 0,02% lên 1,41%. Dẫn đầu tỷ lệ nợ xấu thuộc về VPBank với 3,46% (gồm cả nợ xấu của FE Credit). Việc Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản nợ của khách hàng bị tác động bởi dịch Covid-19 làm cho bức tranh nợ xấu chưa phản ánh đúng thực tế. Do đó, khi các ngân hàng được dần trích lập dự phòng trong ba năm theo quy định củaNgân hàng Nhà nước, bức tranh nợ xấu sẽ thay đổi.
Đứt gãy dòng tiền do đứt gãy chuỗi cung ứng, tỷ trọng vay mượn ngân hàng để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trước đây khá cao, nay lại không hoạt động được dẫn tới tình trạng doanh nghiệp lay lắt sinh tồn khó có khả năng trả nợ như kế hoạch. Đặc biệt, với cơn bão Covid-19 lần thứ tư mới đây cho thấy, khó khăn mới đang đẩy nhiều doanh nghiệp vào tình thế có nguy cơ bị siết nợ, mất tài sản, thậm chí hoàn toàn tay trắng. Lũy kế từ ngày 15/8/2017 đến 30/4/2021, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được gần 350 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42, đạt trung bình khoảng 8 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn khoảng 2 lần so với kết quả xử lý nợ xấu nội bảng trung bình tháng, từ năm 2012 – 2017 (giai đoạn trước khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực). Ông Đoàn Văn Thắng, Tổng Giám đốc VAMC cho biết, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng tới mọi hoạt động đời sống kinh tế xã hội, nên VAMC cũng không tránh khỏi những tác động, nhất là liên quan đến xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, đơn vị vẫn cố gắng tiếp tục tập trung xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng.
Năm 2020, VAMC đã triển khai mua 281 khoản nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt với 15.218 tỷ đồng dư nợ gốc nội bảng, đạt gần 100% kế hoạch được Ngân hàng Nhà nước giao. Lũy kế từ khi thành lập đến hết ngày 31/12/2020, cơ quan này đã thực hiện mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt đạt 374.622 tỷ đồng dư nợ gốc nội bảng. Cùng với triển khai ngay các biện pháp xử lý thu hồi nợ, VAMC cũng phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ khách hàng mua hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan nhằm đẩy nhanh tiến độ thu hồi nợ. Đồng thời, VAMC cũng thực hiện việc trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ và đúng quy định.
Tĩnh Kiên