Nhằm khắc phục tình trạng một số địa phương không gửi báo cáo, gửi báo cáo không đúng thời gian quy định, số liệu báo cáo không đầy đủ về nhà ở và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng vừa có công văn gửi Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị chỉ đạo thực hiện việc công bố thông tin liên quan về nhà ở và thị trường BĐS quý 2/2021. Báo cáo cần phản ánh đúng diễn biến tình hình giá đất tại khu vực có hiện tượng sốt giá đất.
Công bố các văn bản do Ủy ban Nhân dân tỉnh, cơ quan có thẩm quyền thuộc tỉnh ban hành đối với hoạt động kinh doanh BĐS. Bộ Xây dựng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố cần thông tin rõ số lượng các dự án phát triển nhà ở, dự án BĐS được cấp phép, đang triển khai, đã hoàn thành.
Yêu cầu báo cáo khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và thị trường BĐS, đề xuất giải pháp tháo gỡ (nếu có); chỉ đạo với các sở, ngành tổng hợp, báo cáo Bộ Xây dựng các nội dung liên quan đến thông tin nhà ở và thị trường bất động sản trước ngày 5/7/2021.
Trong quý 1/2021 có hiện tượng tăng giá đất cục bộ xảy ra tại nhiều địa phương. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 25/3, Bộ Xây dựng đã có văn bản yêu cầu các địa phương có giải pháp để kiểm soát quản lý thị trường BĐS, đảm bảo ổn định thị trường BĐS tại các địa phương. Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương báo cáo các giải pháp và kết quả thực hiện để ổn định thị trường bất động sản; trong đó báo cáo cần phản ánh đúng diễn biến tình hình giá đất tại khu vực có hiện tượng sốt giá đất trong thời gian qua. UBND các tỉnh, thành phố cần báo cáo rõ số lượng các dự án phát triển nhà ở, dự án BĐS được cấp phép, đang triển khai, đã hoàn thành; số lượng dự án, căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai. Đồng thời, đề cập lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền chuyển nhượng; giá nhà ở và một số loại hình BĐS khác (chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền); giá cho thuê văn phòng, mặt bằng thương mại, khách sạn, du lịch nghỉ dưỡng, BĐS công nghiệp; tồn kho BĐS…
Mặc dù đã có nhiều cảnh báo, nhưng hoạt động mua bán đất nền vẫn diễn ra sôi động thời gian qua, trên phạm vi nhiều tỉnh thành cả nước. Giới quan sát thị trường cho rằng việc mua đi bán lại này không phản ánh được nhu cầu thực của thị trường, giá đất mua bán không phản ánh đúng giá giao dịch thực trong dân. Các khu vực “ăn theo” hoặc chỉ tăng giá dựa trên thông tin chung thì không nên được nhìn nhận là nguyên nhân thật sự dẫn đến hiện tượng tăng giá đất.
Theo Tổng cục Quản lý đất đai, Tổng cục và một số đơn vị liên quan trực thuộc Bộ TN&MT đang thực hiện một số nhiệm vụ theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo Tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng Dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Tuy nhiên, tới thời điểm này, còn rất nhiều địa phương chậm nộp báo cáo để tổng kết, đánh giá. Việc tổng kết thi hành Luật Đất đai bao gồm các nội dung cơ bản như: đánh giá chồng chéo, mâu thuẫn và không thống nhất giữa Luật Đất đai năm 2013 với Luật chuyên ngành có liên quan và sự phù hợp; Kết quả tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về đất đai; đánh giá những kết quả đạt được của Luật Đất đai và thực tiễn thi hành trong việc nâng cao chất lượng công tác quản lý Nhà nước về đất đai; những hạn chế, bất cập trong các quy định của Luật Đất đai, các văn bản quy định chi tiết thi hành và thực tiễn tổ chức thực hiện quy định của Luật; xác định và phân tích rõ nguyên nhân khách quan và chủ quan của những hạn chế, bất cập.
Khi nền kinh tế của Việt Nam đang đạt tăng trưởng dương thì các biện pháp đưa ra sẽ cần được xem xét cẩn thận. Bởi khi được áp dụng trên diện rộng, chúng chắc chắn tạo ra hiệu ứng với độ trễ nhất định. Thị trường Việt Nam đang tồn tại vấn đề liên quan đến các cá nhân môi giới bất động sản không có bằng cấp và chứng chỉ hợp lệ. Nhóm môi giới này tự ý đẩy giá lên, làm ảnh hưởng đến giá đất thật sự của thị trường. Hơn nữa, Việt Nam vẫn chưa có cơ quan xác định để lưu trữ các thông tin thiết thực như các giao dịch trên thị trường.
Nhật Hạ