Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường cho biết cơ quan này đã nhận được công văn về việc xin phê duyệt chủ trương đầu tư dự án thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo. Cục Hàng không Việt Nam vừa báo cáo Bộ Giao thông Vận tải về dự án thành lập hãng hàng không vận tải hàng hóa của Công ty cổ phần IPP Air Cargo
Theo Cục Hàng không Việt Nam, căn cứ Luật Đầu tư hiện hành, dự án thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo khai thác dịch vụ vận chuyển hàng hóa không nằm trong danh mục các dự án cần phải phê duyệt chủ trương đầu tư của các cấp có thẩm quyền.
Ngoài ra, theo Nghị định số 89/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2016NĐ-CP của Chính phủ về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng và Nghị định 30/2013/NĐ-CP về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung, IPP Air Cargo phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không. Cục Hàng không Việt Nam cũng cho biết, tại công văn số 4620/CV-BGTVT ngày 14/5/2020, Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc với kiến nghị của Bộ Giao thông Vận tải về việc “thành lập hãng hàng không mới sẽ được xem xét sau thời điểm thị trường hàng không phục hồi (dự kiến năm 2022)”.
Dự án thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo do Công ty cổ phần IPP Air Cargo làm chủ đầu tư. Đây là doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG). IPPG là tập đoàn bán lẻ của Việt Nam, chiếm gần 70% thị trường hàng hiệu quốc tế phân phối trong nước. Đồng thời, IPPG cũng là cổ đông lớn tại Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất, Công ty cổ phần Nhà ga hàng không quốc tế Cam Ranh. Công ty cổ phần IPP Air Cargo đăng ký kinh doanh ngày 10/3/2021 do ông Jonathan Hạnh Nguyễn làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Tổng giám đốc, người đại diện pháp luật của IPP Air Cargo là bà Lê Hồng Thủy Tiên.
Dự án thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo có tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng, tương đương 100 triệu USD; trong đó 30% là vốn chủ sở hữu và 70% còn lại là vốn huy động. Theo kế hoạch, trong năm đầu tiên đi vào hoạt động, IPP Air Cargo sẽ khai thác 5 máy bay chở hàng. Đến năm thứ hai sẽ tăng lên 7 chiếc và tăng lên 10 chiếc vào năm thứ 3. Ngoài ra, IPP Air Cargo lên kế hoạch vận chuyển khoảng 115.000 tấn hàng hóa, đạt doanh thu 71 triệu USD vào năm đầu tiên, dự kiến bắt đầu có lãi từ năm thứ 4 kể từ khi khai thác chuyến bay đầu tiên.
Ngày 21/4/2020, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dự báo, nhu cầu thị trường sẽ giảm 80% trong thời gian tới, đe dọa mất 25 triệu việc làm trong lĩnh vực hàng không, kêu gọi Chính phủ các nước có các biện pháp khẩn cấp để trợ giúp các hãng hàng không tồn tại, bảo vệ việc làm cho người lao động. Đặc biệt, thị trường hàng không Việt Nam đang trong giai đoạn rất khó khăn. Ước tính đến hết năm 2022, tổng thị trường vận chuyển đạt 78 triệu khách, bằng 74% so với dự báo đã báo cáo.
Trong đó, các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển ước đạt hơn 57 triệu khách, bằng 75% so với dự báo đã báo cáo. Do vậy, theo kịch bản lạc quan nhất, các chỉ số về thị trường vận tải hàng không Việt Nam của năm 2022 chỉ xấp xỉ bằng năm 2019. Số lượng tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam hiện nay là 214. Tuy nhiên, các hãng mới chỉ khai thác các đường bay nội địa và một số chuyến bay chở hàng quốc tế với tỷ lệ trọng tải cung ứng chưa tới 50% so với năng lực. Từ đó, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Chính phủ trước mắt, tập trung phục hồi thị trường vận tải hàng không trong nước và quốc tế, tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không Việt Nam đang hoạt động.
Việc thành lập hãng hàng không mới sẽ được xem xét sau thời điểm thị trường hàng không phục hồi (dự kiến năm 2022) nhằm đảm bảo quản lý Nhà nước về hàng không phát triển bền vững trong tình hình mới. Hồi tháng 5/2020, Bộ GTVT đã báo cáo Chính phủ về đề xuất tạm dừng cấp phép thành lập hãng hàng không mới cho đến khi thị trường phục hồi (dự kiến năm 2022) và Chính phủ cũng đã đồng ý với kiến nghị này.
Nhật Hạ