Mặc dù giá nhiều cổ phiếu ngân hàng đang được nhận định là đắt so với mức khuyến nghị của các công ty chứng khoán đưa ra nhưng cũng không thể phủ nhận dư địa tăng trưởng chung của nhóm này vẫn là tích cực và vẫn còn nhiều cổ phiếu dư địa tăng trưởng về mặt cơ bản.
Giá cổ phiếu tất nhiên còn phù thuộc vào kỳ vọng của nhà đầu tư và dòng tiền vào nhóm ngân hàng vẫn dữ dội nhưng việc lựa chọn kỹ càng, thẩm định đúng giá trị cổ phiếu sẽ giúp nhà đầu tư tránh được rủi ro bởi một khi sóng ngân hàng qua đi sẽ dễ rơi vào trường hợp ngậm đắng nuốt cay ở những cổ phiếu tăng bất chấp kiểu này.
Tại Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), kết thúc quý 1/2021, VIB đạt 1.807 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 68% so với quý 1/2020, thực hiện được 24% kế hoạch năm. Đầu tháng 5 vừa qua, VIB nhận được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho tăng vốn điều lệ tối đa thêm 4.437,5 tỷ đồng từ mức 11.093 tỷ đồng. Sau khi tăng thêm, vốn điều lệ của VIB khoảng 15.530 tỷ đồng. Nhiều thông tin tích cực tạo đà cho cổ phiếu VIB tăng phi mã gấp đôi từ đầu năm đến nay. Thị giá VIB đang ở mức 64.200 đồng so với 31.000 đồng từ cuối tháng 1. Ban lãnh đạo ngân hàng và người nhà tận dụng thời cơ đồng loạt bán ra cổ phiếu, thoái toàn bộ vốn thu về hàng trăm tỷ đồng.
Ở thời điểm hiện tại, VIB rơi vào vùng trũng thông tin, tuy nhiên, VIB vẫn được nhiều “room” đầu cơ chứng khoán hô mua vào ngắn hạn, giá vẫn tăng “điên đảo” dù không còn thông tin hỗ trợ nào ngoài kỳ vọng vào kết quả kinh doanh quý 2. Nhưng theo giới chuyên môn, kết quả kinh doanh trong quý 2 rất khó lặp lại đà tăng tương tự như quý 1 bởi nền so sánh của quý 2 đã cao hơn. Trong khi đó mức giá hiện tại của VIB cũng đang khá cao so với định giá của các công ty chứng khoán. Chứng khoán VnDirect từng định giá của VIB 45.000 đồng đầu tháng 4. Đến tháng 5, VnDirect không đưa ra thêm lời khuyến nghị nào từ cổ phiếu này. Trong khi đó, Chứng khoán Bản Việt khuyến nghị bán ra đầu tháng 5 với mức định giá 35.700 đồng. Gần nhất 19/5, HSC định giá 57.200 đồng còn thị giá VIB đang ở mức 64.200 đồng.
CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC, Mã: BSI) vừa công bố báo cáo đánh giá về nhóm ngân hàng. Tại báo cáo lần này, BSC đưa ra định giá mới cho hàng loạt cổ phiếu ngân hàng. Theo định giá từ chuyên gia của Chứng khoán BSC, cổ phiếu VCB của Vietcombank có giá mục tiêu cao nhất với 135.000 đồng/cp. Ngoài ra, nhiều mã khác có mức định giá mục tiêu trên 60.000 đồng/cp như BID (67.000 đồng/cp), CTG (69.500 đồng/cp), TCB (71.500 đồng/cp), VPB (90.100 đồng/cp). Hai cổ phiếu MBB và ACB được định giá trên 50.000 đồng/cp. Các cổ phiếu ngân hàng khác được BSC đưa giá mục tiêu trên 30.000 đồng/cp như STB, SHB, LPB, OCB. So với mức giá tại phiên 25/5, mức giá mục tiêu của đa số cổ phiếu trên đều có dư địa tăng giá (upside) trên 30%. Hai mã BID và MBB có dư địa tăng giá trên 40%.
VPB từ đầu năm đến nay đã tăng 2,3 lần; VIB tăng 2 lần; TCB tăng 54%; CTG 50%. Nhóm này vẫn được nhìn nhận còn khá nhiều dư địa tăng trưởng với những câu chuyện tăng vốn, bán cổ phần như VPB với dòng tiền từ việc bán FE Credit. Một số cổ phiếu khác cũng bay cao như diều gặp gió từ đầu tháng 1 đến nay như LPB tăng 2,6 lần; ABB tăng 2,1 lần; EIB tăng gần gấp đôi.
Ngân hàng Bắc Á Bank, mức tăng giá của BAB cũng khiến giới đầu tư hoang mang trong bối cảnh hoạt động của ngân hàng này quá nhỏ bé so với các ngân hàng niêm yết khác ngoài ra không có bất kỳ thông tin nào hỗ trợ…
Riêng với trường hợp của SHB, trợ thủ đắc lực nâng đỡ giá cổ phiếu là lợi nhuận quý 1/2021 đạt 1.330 tỷ đồng tăng gấp đôi so với quý 1/2020 và câu chuyện tăng vốn. SHB nhờ đó lần lượt vượt hết đỉnh này sang đỉnh khác, tăng 2,4 lần từ cuối tháng 1. Tuy nhiên, SHB đối diện với rủi ro từ các đợt tăng vốn quá nhanh nhưng hiệu quả kinh doanh không tương xứng. Từ đầu năm 2015 đến nay vốn điều lệ của SHB đã tăng gần gấp 2 lần từ 9.582 tỷ đồng lên 17.605 tỷ đồng nhưng chất lượng lợi nhuận tăng không tương xứng với hệ số NIM 2,83 % thấp hơn so với hầu hết các ngân hàng khác ở mức trung bình ngành 3-4%. Nợ xấu của SHB vẫn là mối quan tâm của nhà đầu tư. Các khoản cho vay doanh nghiệp chiếm đa số dư nợ khoảng 78,7% trong quý 1/2021 dẫn đến lo ngại tác động của đại dịch với những doanh nghiệp thường có độ trễ nhất định, đặc biệt làn sóng Covid lần 4 đang bùng nổ đang đe doạ tình hình kinh doanh nhiều doanh nghiệp.
Kết quả kinh doanh quý I phần nào phản ánh kỳ vọng về ngành ngân hàng trong năm 2021. Sự phục hồi của nền kinh tế diễn ra nhanh chóng trong khi tình hình dịch bệnh vẫn đang được kiểm soát chặt chẽ.
Nhật Hạ