Những năm gần đây, căn hộ tại Hà Nội và TP HCM liên tục tục thiết lập mặt bằng giá mới. Cần có giải pháp góp phần kéo giảm giá nhà để đáp ứng nhu cầu nhà ở rất lớn của đông đảo người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị,…
Ngày 1/4, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 49/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Trong đó, một số nội dung được sửa đổi, bổ sung nhằm đổi mới phương thức, cơ chế chính sách tăng nguồn cung, góp phần giải quyết nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp.
Bộ Xây dựng cho biết đang phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng trình Chính phủ chính sách khuyến khích phát triển các dự án nhà ở thương mại giá thấp phù hợp với khả năng chi trả của đại bộ phận người dân đô thị. Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục báo cáo đề xuất với Chính phủ các giải pháp nhằm tăng nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp góp phần kéo giảm giá nhà ở để đáp ứng nhu cầu nhà ở của đông đảo người dân. Liên quan đến giá bán căn hộ, báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng cũng chỉ rõ, giá căn hộ chung cư tại các địa phương có xu hướng tăng đều theo tháng, đặc biệt là tại Hà Nội và TP HCM do khan hiếm nguồn cung, dự án mới được mở bán. Trong quý I/2021, giá căn hộ chung cư bình quân tăng khoảng 5 – 10% so với quý IV/2020.
Tại Hà Nội, đa số dự án mới được đầu tư xây dựng thuộc phân khúc trung cấp và có giá bán giao động từ 30 đến hơn 40 triệu đồng/m2, tập trung nhiều tại các quận Hà Đông, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Gia Lâm,…
Còn tại TP HCM, căn hộ chung cư thuộc phân khúc này có giá cao hơn tại thị trường Hà Nội, giao động trong khoảng 35 – 45 triệu/m2. Trong khi đó, nhiều dự án căn hộ thuộc phân khúc cao cấp (trên 50 triệu/m2) tại Hà Nội, TP HCM đang thiết lập mức giá rất cao.
Bộ Xây dựng cho biết, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 249 dự án NOXH khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng hơn 104.200 căn, với tổng diện tích hơn 5,2 triệu m2. Hiện cả nước đang tiếp tục triển khai 264 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 219.000 căn, với tổng diện tích khoảng 10,95 triệu m2. Tuy nhiên, với tổng diện tích hơn 5,2 triệu m2 nhà ở xã hội đã hoàn thành xây dựng thì mới chỉ đạt được khoảng 41,7% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 (12,5 triệu m2).
Bộ Xây dựng cho biết, năm 2019, Bộ được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhà ở năm 2014 về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước có khó khăn về nhà ở, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bổ sung vào Chương trình trình Quốc hội xem xét, thông qua trong năm 2019.
Do Ban Tổ chức Trung ương cũng đang chủ trì xây dựng “Đề án về chính sách nhà ở đối với cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị” (Đề án) nên để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong nghiên cứu chính sách, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với kiến nghị của Bộ Xây dựng về việc lùi thời hạn trình đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở sau khi Bộ Chính trị thông qua Đề án. Trong thời gian tới, trên cơ sở nội dung Đề án được thông qua, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, bổ sung chính sách nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị trong quá trình nghiên cứu, xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi) theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội.
Giá nhà tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM những năm gần đây ghi nhận tăng nhanh. Thậm chí, nhiều dự án tại vị trí vàng có mức giá lên đến hàng trăm triệu đồng/m2. Trong khi đó, nhà ở bình dân là phân khúc có nhu cầu lớn nhưng lại khó phát triển.
Nhật Hạ