Trong quý I, Địa ốc Sài Gòn – SGR doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp đạt 6,2 tỷ đồng, giảm 45,6% so với cùng kỳ 2020 do giảm doanh thu các dự án, dịch vụ của các công ty con.
Tổng tài sản tính đến 31/3/201, SGR đạt 1.938,2 tỷ đồng, giảm nhẹ so với hồi đầu năm. Trong đó, nợ phải trả còn 1.203 tỷ đồng gồm nợ ngắn hạn 981,2 tỷ đồng và nợ dài hạn 221,9 tỷ đồng. Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 4/5, cổ phiếu SGR giảm 2,1% xuống giá 28.400 đồng/CP, khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình 10 phiên đạt 72.980 đơn vị/phiên.
Quý này không ghi nhận chi phí bán hàng, còn chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 2% lên 10,1 tỷ đồng do tăng chi phí lương. Do đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh âm 9,7 tỷ đồng. Kết thúc quý, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp âm 10,6 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 23,2 tỷ đồng. Doanh thu hoạt động tài chính giảm mạnh từ 44,9 tỷ đồng năm 2020 xuống còn 174,9 triệu đồng do giảm lãi tiền gửi, giảm tiền lãi cho vay và giảm doanh thu chuyển nhượng vốn. Chi phí tài chính giảm 72% từ 9,3 tỷ đồng xuống 2,6 tỷ đồng do giảm chi phí lãi vay và chi phí môi giới chuyển nhượng.
Hàng tồn kho ghi nhận 746 tỷ đồng, giảm 11,4 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, chủ yếu là chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang đến từ dự án Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức (284 tỷ đồng) và dự án 6.626,2 m2 tại Phan Huy Chú, phường 2, TP Vũng Tàu (109 tỷ đồng). Đối với dự án Hiệp Bình Chánh, SGR thông báo đang hoàn tất các điều kiện thỏa thuận giữa các bên để bàn giao cho đối tác – là công ty TNHH Đầu tư Sài Gòn Riverside.
Vốn chủ sở hữu ghi nhận ở mức 735 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu kỳ. Cuối quý, SGR còn lại 55 tỷ đồng tiền mặt trong tài khoản, tương ứng tỷ lệ 2,8% trên tổng tài sản. SGR cho biết tính đến hết quý I năm 2021, nguồn vốn chưa đáp ứng được quy mô cũng như số lượng các dự án đang làm chủ đầu tư. Đội ngũ quản lý cấp cao và chuyên viên giỏi còn thiếu so với nhu cầu hiện nay.
Kết quả kinh doanh và mục tiêu đặt ra là vậy, nhưng cán cân tài chính của Địa ốc Sài Gòn – SGR chưa thực sự vững chắc khi tỷ lệ nợ vẫn cao so với vốn chủ sở hữu. Doanh nghiệp bất động sản khi bán được nhà hình thành trong tương lai, thì tiền bán nhà đã về “túi” doanh nghiệp, chỉ chưa ghi nhận doanh thu do chưa bàn giao nhà, nên trên sổ sách vẫn ghi nhận là nợ phải trả.
Tuy nhiên, các khoản “nợ” dạng này không phải không có rủi ro, bởi lẽ nếu dự án không đảm bảo tiến độ cam kết trong hợp đồng, thị trường bất động sản bị đóng băng hoặc giảm giá, thì khách hàng có thể yêu cầu công ty hoàn tiền.
Kiên Cương