Bất động sản vốn vẫn được xếp vào nhóm lĩnh vực cho vay tiềm ẩn nhiều rủi ro với các ngân hàng, luôn nằm trong nhóm được Ngân hàng Nhà nước yêu cầu kiểm soát chặt chẽ việc cho vay.
Một số nhà băng đang giảm dần tỷ lệ cho vay vào lĩnh vực nhiều rủi ro này. Như tại SHB, mặc dù quy mô dư nợ lĩnh vực kinh doanh bất động sản vẫn tăng 6% so với đầu năm nhưng vẫn thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng chung (15%) của ngân hàng. Do đó, tỷ lệ cho vay kinh doanh bất động sản đã giảm từ 8,41% xuống 7,74%. Hay tại MSB, từng là một trong những ngân hàng có tỷ lệ cho vay kinh doanh bất động sản cao nhất toàn ngành tại thời điểm đầu năm 2020 (23,65%), thì đến cuối năm, con số này đã giảm xuống 11,36%. Quy mô dư nợ giảm hơn 6.000 tỷ đồng xuống 9.020 tỷ đồng.
Theo đánh giá của NHNN, tăng trưởng tín dụng bất động sản vẫn được kiểm soát thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng chung trong những năm gần đây. Cụ thể, năm 2019 tín dụng chung tăng 13,5% và tín dụng bất động sản tăng 8,8%. Năm 2020, tín dụng chung tăng 12,13% và tín dụng bất động sản tăng xấp xỉ 10%. Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm 2021, hai chỉ tiêu tăng trưởng đã có sự đảo chiều. Tính đến ngày 15/3/2021, dư nợ cho vay lĩnh vực bất động sản đã tăng 2,13%, cao hơn mức 2,04% tăng trưởng tín dụng chung. Mức tăng là không đồng nhất giữa các ngân hàng.
Theo thống kê từ 11 ngân hàng, dư nợ kinh doanh bất động sản tăng 24,6% so với năm trước, trong đó, 7 ngân hàng ghi nhận tăng trưởng. Tuy nhiên, chỉ có 5 ngân hàng có tỷ trọng cho vay mảng này tăng. Tỷ trọng dư nợ cho vay với lĩnh vực kinh doanh bất động sản từ 2 – 7%. Tuy nhiên vẫn có một số ngân hàng đang có tỷ trọng dư nợ trong lĩnh vực này ở mức hai chữ số như Techcombank, Eximbank, VPBank hay MSB.
Tệp khách hàng của Techcombank bao gồm những “ông lớn” trong ngành bất động sản như Vingroup, Sungroup… Một trong những ngân hàng có quy mô cho vay bất động sản lớn là VPBank với 73.258 tỷ đồng. Trong năm qua, dư nợ cho vay của VPBank tăng gần 33.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 12,8%) thì có tới hơn 21.000 tỷ đồng tăng thêm là dư nợ cho vay bất động sản.
Qua đó nâng tỷ trọng cho vay bất động sản trong tổng dư nợ cho vay từ mức 20,11% hồi đầu năm lên mức 25,2%. Trong đó, quy mô cho vay hoạt động kinh doanh bất động sản là hơn 36.924 tỷ đồng (tăng 54%), cho vay các nhân để mua nhà ở, nhận quyền sử dụng đất để xây nhà ở là gần 36.335 tỷ đồng (tăng 33%). Tuy nhiên, xét về mức tăng trưởng, TPBank lại vượt cả con số khủng của Techcombank khi dư nợ kinh doanh bất động sản của ngân hàng tăng hơn 92% trong năm 2020, mặc dù quy mô khiêm tốn với 8.112 tỷ đồng. Tỷ lệ cho vay trong lĩnh vực này trên tổng dư nợ của TPBank tăng từ 4,41% lên 6,76%.
Tính đến 31/12/2020, quy mô cho vay lĩnh vực kinh doanh bất động sản của Techcombank tăng tới 82% so với thời điểm đầu năm, lên mức 91.361 tỷ đồng. Với tốc độ cho vay “chóng mặt”, tỷ lệ dư nợ lĩnh vực kinh doanh bất động sản trên tổng dư nợ cho vay của Techcombank tăng vọt từ 21,85% lên 32,92%, cao nhất trong các ngân hàng được thống kê.
Câu chuyện dịch chuyển dòng vốn, tiền tệ sang thị trường bất động sản hay thị trường khác là một trong những nội dung được quan tâm sâu sát trong điều hành của NHNN và thường xuyên kịp thời cảnh báo các tổ chức tín dụng khi có những dấu hiệu bất ổn định.
Cương Nguyễn