Việc nâng lô giao dịch tối thiểu từ 100 cổ phiếu lên 1.000 cổ phiếu không phải một lệnh cấm. Nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn được phép giao dịch trên sàn HoSE, tuy nhiên cơ hội tiếp cận nhiều mã cổ phiếu trên sàn HoSE, đặc biệt là đối với các mã có thị giá cao, các mã thuộc nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và những cổ phiếu trụ, sẽ hẹp hơn rất nhiều và thậm chí hết cơ hội.
Tình trạng nghẽn lệnh, sập sàn của HOSE thực tế đã diễn ra từ nhiều năm qua. Điều này cho thấy công tác quản trị, quản lý tại HOSE yếu kém. Tại sao phần mềm giao dịch mới đã được khởi động gần 10 năm nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành?
Từ phiên giao dịch đầu tháng đến nay, cả 4 phiên sàn HoSE đều bị nghẽn lệnh vào phiên chiều khiến nhà đầu tư bị vuột đi nhiều cơ hội mua cổ phiếu giá hấp dẫn, khi VN-Index điều chỉnh giảm mạnh có lúc trên 20 điểm nhưng các lệnh đặt giao dịch hầu hết không được sàn HoSE tiếp nhận và xử lí.
Không chỉ nguy cơ khiến nhiều Nhà đầu tư mất cơ hội tham gia TTCK mà việc nâng lô giao dịch tối thiểu tại HOSE sẽ khiến số tiền bị kẹt nằm “chết” trong tài khoản tăng cao.
Cho đến lúc này, lập luận của lãnh đạo Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh là “nâng lô sẽ nâng tầm thanh khoản và bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ” là rất khó thuyết phục. Có ý kiến cho rằng: nếu cứ đơn giản mà nói rằng, hệ thống HOSE dù tốt nhưng quá cũ, không còn phù hợp với tầm nhìn của lãnh đạo HOSE, thậm chí cấp cao hơn, còn Covid khiến việc mua và chạy hệ thống mới bị hoãn giãn, nên HOSE phải áp dụng các biện pháp “đặc thù”, thì sẽ dễ được thông cảm hơn.
Việc giải quyết tình trạng nghẽn giao dịch trên sàn HoSE rất cần sự chung tay từ nhiều phía, gồm các cơ quan quản lí, sàn HoSE, các doanh nghiệp niêm yết cho đến nhà đầu tư. Tuy nhiên, khi còn nhiều thông tin chưa được minh bạch, sáng tỏ thì khó có thể kêu gọi sự thông cảm từ doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Theo ước tính của VAFI, số lượng nhà đầu tư cá nhân với tài khoản trị giá nhỏ hơn hoặc bằng 300 triệu đồng chiếm khoảng 35 – 40% trên thị trường hiện nay, tương đương khoảng 1 triệu nhà đầu tư. Nếu lần này HOSE tăng lô giao dịch lên 1.000 CP sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ những nhà đầu tư này và đây là số lượng cực kỳ lớn. Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch VAFI, nhận định từ cuối năm 2020 đến nay số lượng nhà đầu tư mới tham gia khá nhiều và đóng vai trò quan trọng giúp thị trường thăng hoa.
Nếu nói rằng tăng lô giao dịch gấp 10 lần để không gặp sự cố đường truyền là không xác đáng. Vì trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước là đảm bảo cho hệ thống giao dịch ổn định, tạo ra một TTCK an toàn, bảo vệ cho nhà đầu tư. Nhưng việc tăng lô giao dịch tối thiểu lên cao là gián tiếp đuổi khách hàng ra khỏi thị trường này.
Hầu hết nhà đầu tư khi mới bắt đầu tham gia chỉ sử dụng số vốn nhỏ phù hợp. Hơn nữa, đầu tư CK là dùng tiền nhàn rỗi, mà với thu nhập hiện tại của người VN mới đi làm, tiền tiết kiệm để dành hằng tháng chỉ cỡ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng. Việc nâng lô lên 1.000 CP sẽ chặn đứng suy nghĩ đầu tư với số vốn nhỏ của nhiều người.
TS Đinh Thế Hiển phân tích sau 20 năm phát triển TTCK, nhiệm vụ của HOSE là phát triển thị trường, lôi kéo NĐT nhỏ tham gia nhưng hiện nay vẫn còn ở mức thấp. Tình trạng nghẽn lệnh diễn ra thường xuyên và HOSE không nhìn nhận đây là sai lầm và thiếu sót của mình, thiệt hại lớn cho thị trường, mà lại đã và dự kiến đưa ra những giải pháp tình thế ảnh hưởng đến NĐT là khó chấp nhận. Nhiều NĐT cá nhân hiện đang lo lắng tình trạng chặn đường truyền, ưu tiên cho một nhóm người. Dù rằng lo lắng này không đúng nhưng họ có quyền nghĩ như thế.
Nhật Hạ
( Tổng Hợp)