Trong 3 năm gần đây, Khải Hoàn Land kinh doanh ảm đạm, vốn lớn nhưng lợi nhuận ít. Quy mô vốn của doanh nghiệp tăng mạnh trước thềm IPO.
Doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Khải Hoàn Land năm 2020 đạt 303 tỷ đồng, tăng 166 tỷ đồng, tương đương 121% so với năm 2019. Nhờ đó, lợi nhuận sau thuế năm 2020 tăng 86,5 tỷ đồng, tương đương 848% lên 96,7 tỷ đồng. Đây là đà tăng rất mạnh nhưng tỷ suất lợi nhuận/vốn góp chủ sở hữu vẫn là con số khiêm tốn, chỉ là 6%.
Giải trình cho đà tăng đột biến này, Khải Hoàn Land chỉ đưa ra lý do đó là “doanh thu từ hoạt động môi giới bất động sản tăng và các chi phí hoạt động giảm”.
Vốn lớn, doanh thu nhỏ
Khải Hoàn Land là công ty ngàn tỷ. Năm 2019, vốn công ty tăng tới… 52 lần lên 2.600 tỷ đồng. Tới năm 2020, vốn một lần nữa vọt lên 5.560 tỷ đồng. Sau thương vụ này, tỷ lệ sở hữu của ông Nguyễn Khải Hoàn giảm từ 90% xuống 80%.
Tuy nhiên, điều Khải Hoàn gây ấn tượng không phải ở tốc độ tăng trưởng vốn siêu tốc mà nằm ở doanh thu… 0 đồng. Dù có vốn ngàn tỷ nhưng nhiều năm qua, Khải Hoàn và một vài công ty con không hề phát sinh doanh thu. Kết quả là công ty thua lỗ triền miên.
Công ty Khải Hoàn – Vũng Tàu, Công ty TNHH Đại Vượng Phát và Công ty TNHH Ngọn gió Xanh (tiền thân là Công ty TNHH Phát triển Phú Đại Phát) – hai pháp nhân được sáng lập bởi Khải Hoàn Land với tỷ lệ sở hữu 99% cũng trong tình trạng doanh thu 0 đồng.
Trong giai đoạn 2017-2019, vốn góp chủ sở hữu của công ty duy trì ở mức 1.200 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 15,6 tỷ đồng, 16,4 tỷ đồng và 10,2 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế/vốn góp chủ sở hữu lần lượt đạt 1,3%, 1,37% và 0,85%.
Lợi nhuận ảm đạm đến từ doanh thu của Khải Hoàn Land rất thấp. Doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2017, 2018 và 2019 chỉ đạt 171 tỷ đồng, 229 tỷ đồng và 137 tỷ đồng. Doanh số thấp dù Khải Hoàn Land là môi giới cho nhiều dự án lớn như VinCity, biệt thự Casino Phú Quốc, GS Metrocity (Nam Sài Gòn – Nhà Bè), Condotel Hòn Tre – Nha Trang Vinperland,…
Khải Hoàn Land là thành viên của Công ty Cổ phần Khải Hoàn Holdings, tiền thân của Công ty TNHH Tập đoàn Khải Hoàn hiện nay. Công ty do ông Nguyễn Khải Hoàn nắm giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Khi so sánh với các công ty cùng ngành, Khải Hoàn Land không chỉ kém về quy mô doanh thu mà còn đang có tỷ suất sinh lời thấp. ROE chỉ 1%, trong khi các doanh nghiệp lớn xấp xỉ 15%.
Tăng vốn thần tốc
CTCP Tập đoàn Khải Hoàn (cổ đông nắm giữ 51% vốn Khải Hoàn Land) được thành lập vào tháng 7/2012. Đến tháng 4/2019, công ty này đổi tên thành Công ty TNHH Tập đoàn Khải Hoàn – Vũng Tàu (Khải Hoàn – Vũng Tàu).
Cập nhật đến tháng 7/2019, Khải Hoàn – Vũng Tàu có quy mô vốn điều lệ đăng ký là 3.800 tỷ đồng. Trong đó, ông Võ Công Sơn (SN 1977) sở hữu 32% vốn và CTCP Tập đoàn Khải Hoàn (Khải Hoàn Group) nắm giữ 62% vốn điều lệ. Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật do ông Sơn đảm nhiệm.
Giai đoạn 2016 – 2017, công ty bắt đầu quá trình tăng vốn thần tốc, từ chưa đầy 50 tỷ đồng lên mức 3.000 tỷ đồng, tức gấp 60 lần. Đến đầu năm 2019, Khải Hoàn Land giảm vốn xuống còn 1.200 tỷ đồng, trước khi tăng trở lại 1.600 tỷ đồng vào tháng 8/2020.
Về quy mô tài sản, tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Khải Hoàn Land đạt 1.473,5 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 1.262 tỷ đồng.
Tính đến hết quý 3/2020, 4 cổ đông sở hữu hơn 79% cổ phần Khải Hoàn Land. Trong đó, lớn nhất là các cá nhân, ông Nguyễn Khải Hoàn 26% và ông Phan Tuấn Nghĩa hơn 24,75%. Ngoài ra còn có bà Trần Thị Thu Hương (vợ ông Hoàn), sở hữu 16% và Công ty TNHH Tập đoàn Khải Hoàn – Vũng Tàu (đại diện là ông Võ Công Sơn) sở hữu 12,5%.
Khải Hoàn Group hiện đã đổi tên thành Công ty TNHH Hoàn Thuận Phong. Từ khi thành lập đến nay, tập đoàn này chưa ghi nhận phát sinh doanh thu, cùng đó là khoản lỗ thuần từ 3-5 triệu đồng/năm.
Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Khải Hoàn Group đạt 2.600 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 2.599,98 tỷ đồng. Có thể thấy, Khải Hoàn Group gần như không sở hữu tài sản nào khác ngoài nguồn vốn thực góp của các cổ đông.
Tính đến cuối 2019, Khải Hoàn Land đã tăng mạnh vay nợ ngắn hạn và dài hạn thêm 342 tỷ đồng, cao gấp 20 lần so với đầu năm lên mức 360 tỷ đồng. Toàn bộ nợ vay là trái phiếu, lãi suất giao động từ 11% đến 12%/năm. Ở bên bảng cân đối kế toán năm 2020, khoản phải thu dài hạn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong sự nảy nở của khối tài sản, kế đó là tiền nhàn rỗi. Cụ thể phải thu dài hạn tăng thêm gần 800 tỷ đồng so với đầu kỳ, lên mức 1.316 tỷ đồng; tiền nhàn rỗi tăng 142 tỷ đồng lên gần 162 tỷ đồng. Tổng cộng hai khoản mục tăng thêm 942 tỷ đồng, tương ứng với khoản mục vốn góp của chủ sở hữu và dư nợ vay.
Nhật Hạ
( Tổng Hợp)