Việc giá cả thị trường tăng trong hai tháng dịp Tết nguyên đán cũng là bình thường. Nhưng trong một năm đặc biệt bị ảnh hưởng bởi covid, nó không đơn giản nhìn lướt qua như vậy. Mặc dù còn quá sớm để kết luận nhưng chúng ta cần chuẩn bị cho xu hướng lạm phát sẽ tăng.
Lạm phát tăng trở lại không hàm ý nó cao một cách đáng lo ngại, mà là nó cảnh báo rằng mặt bằng lãi suất được kỳ vọng sẽ tăng lên, nghĩa là chính sách nới lỏng tiền tệ và tiền rẻ hơn nữa là ít khả năng xảy ra.
Bộ Tài chính cho biết, trong giai đoạn vừa qua, mặt bằng giá cả thị trường có xu hướng tăng giảm đan xen, khó dự báo do chịu ảnh hưởng chủ yếu từ các yếu tố cung cầu thay đổi liên tục và phức tạp trước diễn biến của dịch bệnh Covid-19.
Bên cạnh đó, do tác động tình hình bão, lũ, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan nên mặt bằng giá cũng có những biến động tăng cục bộ trong ngắn hạn tại một số địa phương.
Nếu nhìn vào lợi suất trái phiếu chính phủ 10 năm, nó đã giảm từ mức khoảng 3,5% vào cuối tháng 3 năm 2020 cho đến mức thấp 2,1% vào giữa tháng 1 năm 2021. Nhưng trong hơn một tháng qua, lợi suất trái phiếu này không giảm nữa mà đang nhích tăng dần trở lại lên 2,3%. Nói cách khác, kỳ vọng vào việc chính sách tiền tệ nới lỏng và tiền rẻ thêm cũng đang khó dần.
Tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phục hồi và phát triển bền vững của nền kinh tế. Tăng trưởng kinh tế sẽ là nhân tố hỗ trợ đắc lực cho việc giữ ổn định nền kinh tế, giúp tránh được tâm lý hoài nghi của các DN và các tầng lớp dân cư, tránh tình trạng “lạm phát do tâm lý”.
Năm 2020 là năm mà việc bơm tiền xảy ra trên khắp thế giới và Việt Nam không ngoại lệ. Việc chính sách tiền nới lỏng và tiền rẻ tiếp tục được duy trì là điều hiển nhiên để phục vụ phát triển kinh tế, nhưng việc nó có tiếp tục nới lỏng thêm, rẻ thêm hay không là câu chuyện khác, phụ thuộc vào khả năng tăng của lạm phát.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 02/2021 tăng 1,52% so với tháng trước – mức tăng cao nhất của chỉ số giá tháng Hai trong 8 năm gần đây và tăng 1,58% so với tháng 12/2020.
Tuy nhiên so với cùng kỳ năm trước, CPI tháng Hai chỉ tăng 0,70% – thấp nhất kể từ năm 2016 đến nay. Bình quân 2 tháng đầu năm 2021, CPI giảm 0,14% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản tháng 02/2021 tăng 0,48% so với tháng trước và tăng 0,79% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 2 tháng đầu năm nay tăng 0,64% so với bình quân cùng kỳ năm 2020.
Với việc kinh tế đang phục hồi và tăng trưởng tốt, đồng thời Ngân hàng nhà nước cũng thể hiện quan điểm điều hành chặt chẽ ổn định trong hơn 10 năm qua, tôi tin rằng họ sẽ tiếp tục quan sát diễn biến lạm phát để có phản ứng chính sách phù hợp.
Nếu biết rằng mục tiêu của chính sách nới lỏng tiền tệ là nhằm giúp phát triển kinh tế thông qua hạ mặt bằng lãi suất cho vay, chúng ta nên để ý rằng mục tiêu này thực hiện được rất chậm do mặt bằng huy động thì giảm nhanh nhưng cho vay thì giảm chậm. Điều đó chứng tỏ sự “nghẽn” trong nền kinh tế không nằm ở việc thiếu tiền, mà là mức rủi ro kinh doanh chung do ảnh hưởng của đại dịch.
Việc lạm phát tăng không ngạc nhiên bởi nó phản ánh sự hồi phục của nền kinh tế. Nhưng nếu nó tăng nhiều hơn trong tương quan tăng trưởng kinh tế thì lại là câu chuyện khác.