Khi dịch bệnh được kiểm soát, nhu cầu mua nhà của người dân sẽ tăng lên, giúp doanh nghiệp đẩy được hàng tồn ra thị trường.
Tồn kho thành phẩm là sản phẩm đã hoàn thiện như căn hộ, nhà ở đưa ra thị trường nhưng không được giao dịch, làm mất tính thanh khoản của doanh nghiệp, trở thành cục nợ có thể dẫn đến nguy cơ phá sản nếu không thể biến lượng hàng tồn thành tiền.
Năng lực tài chính của chủ đầu tư yếu kém cũng là một trong những lý do khiến nhiều dự án dở dang, chậm tiến độ. Một số chủ đầu tư buộc phải chuyển nhượng dự án cho bên thứ ba hoặc “thay máu” cổ đông để tiếp tục rót vốn cho dự án.
Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết thêm, cái đáng lo nhất là đối với hàng tồn kho đưa ra thị trường rồi mà thị trường không chấp nhận, vì có liên quan đến tính thanh khoản của doanh nghiệp và quan hệ tín dụng với ngân hàng thương mại trong vấn đề nợ xấu và an toàn tín dụng.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2020 của Tập đoàn Đất Xanh (DXG – HoSE) ghi nhận cả năm 2020 doanh thu đạt 2.890 tỷ đồng, giảm một nửa so với năm 2019, lỗ 126 tỷ đồng, trong khi năm ngoái ghi nhận lãi 1.886 tỷ đồng. Đây là năm đầu tiên doanh nghiệp bất động sản này báo lỗ kể từ khi lên sàn cuối năm 2009.
Nhưng con số trên chưa phản ánh hết bức tranh tài chính của Đất Xanh Group. Tính đến ngày 31/12/2020, hàng tồn kho của Đất Xanh tăng 51%, ghi nhận 10.251 tỷ đồng, chiếm đến 55% tổng giá trị tài sản. Các dự án thành phẩm tồn kho của Đất Xanh như Dự án An Viên, Dự án Luxgarden, Dự án Khu dân cư nút giao thông Phó Đức Chính và Ngô Quyền đang “đứng hình”.
Nhiều dự án so với thời điểm cuối năm 2019 gần như không thi công như Dự án Tuyên Sơn, Dự án Hiệp Bình Phước – Thủ Đức, Dự án C1, Dự án Gemriverside, Dự án Phố Mơ…
Hàng tồn kho tăng là nguyên nhân chính dẫn đến việc dòng tiền kinh doanh tiếp tục âm 361 tỷ đồng. Nợ phải trả của Đất Xanh tiếp tục tăng mạnh so với thời điểm cuối năm 2019, ghi nhận 14.379 tỷ đồng.
Tổng giá trị hàng tồn kho của TTC Land tính đến cuối tháng 6/2020 ở mức 4.283 tỷ đồng, tăng 124 tỷ đồng so với cuối năm 2019. Lượng tồn kho của Công ty chủ yếu tại Dự án Jamona City (1.965 tỷ đồng), Charmington Dragonic (573 tỷ đồng), Charmington Tamashi Đà Nẵng (466 tỷ đồng)…
Tại Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt, hàng tồn kho cũng tăng 16%, ghi nhận 9.308 tỷ đồng, chiếm gần 60% tổng giá trị tài sản. Tồn kho tăng cũng khiến dòng tiền hoạt động kinh doanh ghi nhận âm 11,6 tỷ đồng.
Tính đến hết năm 2020, tồn kho của Nam Long tăng mạnh 40%, lên 6.028 tỷ đồng, chiếm gần một nửa tổng tài sản, chủ yếu nằm tại các dự án đang triển khai dở dang.
Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã khiến hầu hết doanh nghiệp co cụm lại, cùng với đó, kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp bất động sản đi xuống, lợi nhuận giảm rõ rệt, trong khi lượng hàng tồn kho vẫn không có dấu hiệu được giải cứu.