Để giải quyết một số vướng mắc về cấp sổ hồng HoREA đề nghị UBND TP.HCM xem xét đối với trường hợp chủ đầu tư dự án có sai phạm về đầu tư, xây dựng, kinh doanh, về thế chấp tài sản, nhưng căn hộ mà khách hàng mua vẫn phù hợp với quy hoạch, thiết kế, thì tách riêng phần sai phạm của chủ đầu tư để xử lý theo quy định của pháp luật.
HoREA cho biết, đến cuối năm 2020, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP.HCM đã cấp 11.114 Giấy chứng nhận (sổ hồng). Riêng 2 tháng đầu năm 2021, đã cấp 3.265 “sổ hồng” cho khách hàng của các dự án nhà ở thương mại.
Tính riêng năm 2020, Sở Xây dựng đã chuyển 61 dự án sang Sở Kế hoạch và Đầu tư để thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư dự án, nhưng không có dự án nào được xem xét, làm thủ tục trình UBND TP.HCM để ban hành quyết định chủ trương đầu tư dự án.
“Mặc dù Sở TN&MT đã có nhiều cố gắng trong công tác cấp sổ hồng, nhưng vẫn còn khoảng 20.000 căn hộ nhà chung cư chưa được cấp sổ hồng, cần phải được tiếp tục khẩn trương xem xét giải quyết, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của chủ đầu tư và người mua nhà, trong đó có cá nhân nước ngoài, không để tiềm ẩn điểm nóng về tranh chấp, khiếu kiện đông người”, HoREA nêu rõ.
Qua đó, ưu tiên giải quyết cấp sổ hồng trước cho khách hàng đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo hợp đồng mua nhà, vì khách hàng là bên ngay tình, vô can, để đảm bảo quyền lợi của người mua nhà.
HoREA cũng đề nghị UBND TP.HCM trao đổi, thảo luận với Sở TN&MT về việc cấp sổ hồng cho toàn bộ diện tích tầng hầm, bao gồm cả phần diện tích tầng hầm nằm ngoài ranh diện tích xây dựng khối đế tòa nhà chung cư. Trước hết, là xử lý các trường hợp dự án nhà chung cư đã được UBND thành phố ban hành quyết định về duyệt phương án xác định giá đất cụ thể và chủ đầu tư đã thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất.
Đồng thời, xem xét chỉ đạo Sở TN&MT phối hợp với các Sở, ngành khẩn trương xem xét, kết luận các trường hợp dự án có điều chỉnh quy hoạch xây dựng, có (hay không có) phát sinh nghĩa vụ tài chính (bổ sung) và sớm giải quyết các vướng mắc cụ thể của từng dự án, để kịp thời trả lời cho các chủ đầu tư và khách hàng mua nhà.
Nguyên nhân do vướng mắc về dự án đầu tư, dự án bất động sản, nhà ở có quỹ đất hỗn hợp (bao gồm đất ở, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, xen kẽ các thửa đất do Nhà nước quản lý trong dự án).
Bên cạnh đó, có dự án dù không vướng đất công, nhà đầu tư bổ sung hồ sơ nhiều lần theo yêu cầu, nhưng đến nay Sở vẫn chưa trình UBND thành phố để ban hành quyết định chủ trương đầu tư dự án, làm cho doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Do đó doanh nghiệp kiến nghị cần có sự phối hợp chặt chẽ, liên thông giữa các sở ngành để thống nhất yêu cầu về thủ tục hồ sơ.
Về việc thực hiện thủ tục “chấp thuận chủ trương đầu tư” của tổ chức kinh tế tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, nhiều doanh nghiệp đề nghị chỉ cần có “văn bản chấp thuận” của UBND cấp tỉnh cho tổ chức kinh tế được nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất, để thực hiện dự án đầu tư trong trường hợp tổ chức kinh tế đang thực hiện và chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, chuẩn bị quỹ đất cho dự án.
Đối với trường hợp chủ đầu tư dự án có thể phải thực hiện nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất bổ sung (nếu có), thì đây là quan hệ giữa chủ đầu tư dự án với cơ quan nhà nước, không liên quan đến trách nhiệm, nghĩa vụ của khách hàng mua nhà, thì đề nghị tách ra xử lý riêng.