Cùng nhận chuyển quyền sử dụng đất từ một chủ đất, thế nhưng hai hộ khác được bồi thường đất và bố trí tái định cư còn bà Sự chỉ được bồi thường tài sản trên đất.
Việc bồi thường không thống nhất giữa các hộ dân đặt ra vấn đề phải chăng Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án xây dựng Đại học Quốc gia TP.HCM cố tình “bỏ quên” bồi thường đất.
Cụ thể sự việc, bà Lê Thị Kim Sự (SN 1965, ngụ xã Đông Hoà, TP.Dĩ An, tỉnh Bình Dương) cho biết, gia đình bà sở hữu 512m2 nhà đất tại xã Đông Hoà thuộc quy hoạch dự án xây dựng Đại học Quốc gia TP.HCM. Trong đó, có 140m2 đất thổ cư và 372m2 đất nông nghiệp.
Về nguồn gốc đất, 512m2 này thuộc thửa đất 912m2 được chính quyền địa phương cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho bà N.T.V vào năm 1998. Năm 2001, bà Sự nhận chuyển quyền sử dụng 512m2 đất từ bà N.T.V và được UBND xã Đông Hoà chứng thực.
Đến tháng 5/2009, tổ chuyên viên dự án xây dựng Đại học Quốc gia TP.HCM tiến hành kiểm kê hiện trạng đất và tái sản trên đất của hộ bà Sự để phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
Trên cơ sở đó, tháng 9/2009, UBND TP.Dĩ An ra quyết định xác nhận giá trị bồi thường tài sản đối với hộ bà Sự là 202 triệu đồng, gồm giá trị công trình kiến trúc, cây cối hoa màu và 1 triệu đồng hỗ trợ.
Không đồng ý với mức giá này, bà Sự yêu cầu kiểm kê lại tài sản và đền bù diện tích đất do bà đang sở hữu. Sau 2 lần áp giá bổ sung vào năm 2010 và 2011, tổng số tiền bồi thường tài sản trên đất của bà Sự là 654 triệu đồng.
Theo bà Sự, bà chấp nhận mức giá bồi thường tài sản trên đất như nói trên và đã nhận tiền. Trong các biên bản làm việc, bà nhiều lần đề nghị hội đồng phải bồi thường về đất và hưởng suất đất tái định cư theo đúng quy định, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Điều khiến bà Sự bức xúc hơn đó là cũng từ thửa đất bà N.T.V chuyển nhượng lại thì hai hộ dân khác được bồi thường đất và được cấp suất đất tái định cư, trong khi đó bà Sự chỉ được bồi thường tài sản trên đất, không được bồi thường về đất và cũng không có đất tái định cư.
Sự việc kéo dài và đến tháng 5/2020, bà Sự có đơn đề nghị Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án xây dựng Đại học Quốc gia TP.HCM giải quyết các vấn đề như: Bồi thường về đất, cấp 1 suất đất tái định cư và được mua thêm suất tái định cư vì gia đình có 12 nhân khẩu theo quy định.
Vì hội đồng trả lời không có cơ sở xem xét các đề nghị nên bà Sự tiếp tục khiếu nại. Ngày 28/12/2020, Chủ tịch UBND TP. Dĩ An ra quyết định bác đơn khiếu nại của bà Sự.
UBND TP. Dĩ An cho rằng, căn cứ theo Quyết định số 1969/QĐ-CT ngày 2/6/2003 của UBND tỉnh Bình Dương, do bà Sự “không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” nên không đủ điều kiện được bồi thường về đất.
Trong khi đó, UBND TP. Dĩ An vẫn xác nhận bà Sự nhận chuyển nhượng sử dụng đất từ bà N.T.V có chứng thực của UBND xã Đông Hoà vào năm 2001 và N.T.V đã được cấp GCNQSDĐ vào năm 1998.
Vì cho rằng hộ bà Sự không thuộc đối tượng được bồi thường về đất nên UBND TP. Dĩ An trả lời “không có cơ sở xem xét về chính sách tái định cư của dự án xây dựng Đại học Quốc gia TP.HCM”.
Ngoài bà Sự, còn có bà N.T.N và bà Đ.T.A nhận chuyển quyền sử dụng một phần từ thửa đất chung của bà N.T.V từ năm 2001, đều được UBND xã Đông Hoà chứng thực.
Trong đó, bà N.T.N đã nhận bàn giao đất tái định cư vào tháng 6/2019, còn bà Đ.T.A cho biết “không riêng mình tôi mà nhiều người khác cũng được cấp đất tái định cư”.
Dự án xây dựng Đại học Quốc gia TP.HCM nằm trên địa bàn tỉnh Bình Dương và TP.HCM, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung từ năm 1997 với quy mô ban đầu 792ha.
Mục tiêu dự án là trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học đa ngành, liên ngành với hệ thống hoàn chỉnh các trường, các viện nghiên cứu, đơn vị thực nghiệm… có vị trí đặc biệt quan trọng trong hệ thống giáo dục Việt Nam.
Trải qua hơn 20 năm triển khai, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng tại dự án xây dựng Đại học Quốc gia TP.HCM vẫn còn nhiều vướng mắc. Đáng nói, có sự phân biệt trong việc bồi thường đất giữa các hộ dân.