Các chuyên gia rằng cần tăng phân cấp, phân quyền tạo động lực nếu đề xuất lập thành phố Thủ Đức thuộc TP HCM được thông qua.
Ngày 9/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP HCM và thành phố Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) cùng các phường trực thuộc, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố.
Ông Bùi Văn Xuyền Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho biết, hai đề án thành lập thành phố Thủ Đức, Phú Quốc đã được Ủy ban Pháp luật thẩm tra sau kỳ họp Quốc hội thứ 10 và được đa số thành viên Ủy ban ủng hộ.
“Sau khi được nâng cấp, cơ quan có thẩm quyền sẽ nghiên cứu, đề xuất các cơ chế đặc thù để tạo điều kiện cho hai thành phố phát triển”, ông Xuyền cho biết.
Trước đó, phát biểu tại kỳ họp Quốc hội thứ 10, tháng 11, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, việc lập thành phố trực thuộc thành phố hay thành phố thuộc tỉnh nằm trong thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ. Theo phương án sắp xếp các đơn vị hành chính tại TP HCM được Bộ Nội vụ thống nhất, ba quận phía Đông thành phố là 2, 9 và Thủ Đức sẽ sáp nhập thành đơn vị hành chính mới là thành phố Thủ Đức.
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Nội vụ, cho rằng Thủ Đức là mô hình “thành phố trong thành phố” đầu tiên ở Việt Nam. Căn cứ pháp lý để xây dựng mô hình này là Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 quy định chính quyền địa phương ở đô thị bao gồm “thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương”. Ông Dĩnh tin tưởng thành phố Thủ Đức sẽ tạo động lực phát triển cho cả vùng đông nam bộ.
Tuy nhiên, ông lưu ý: “Thành phố nằm trong thành phố khác với các quận trực thuộc nên cần có sự tự chủ nhiều hơn trong việc quyết định các chủ trương, chính sách phát triển. Đây là mô hình mới, dù đã có cơ sở pháp lý, các địa phương nên thận trọng khi đề xuất nhân rộng. Trước mắt, cần tập trung cơ chế, chính sách để phát triển Thủ Đức. Sau một thời gian thực hiện, TP HCM rút kinh nghiệm để chia sẻ với các đô thị khác như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng…”.
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng mô hình thành phố Thủ Đức thuộc TP HCM là mô hình mới ở Việt Nam nhưng khác với mô hình thành phố lớn nằm cạnh thành phố nhỏ thường thấy trên thế giới. Ví dụ, Thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) cũng xây dựng khu Phố Đông nhưng người đứng đầu khu Phố Đông được trao quyền hạn tương đương với Phó thị trưởng thành phố Thượng Hải. Trong khi đó, thành phố Thủ Đức thuộc TP HCM nên các quyết sách để phát triển nơi này vẫn phụ thuộc vào TP HCM.
“Mô hình này phù hợp với cơ chế pháp lý của Việt Nam, nhưng không có nhiều ý nghĩa trong việc thúc đẩy cả hai thành phố phát triển đột phá. Tính tự chủ của thành phố Thủ Đức không nhiều, các quyết sách về ngân sách, thu hút đầu tư đều phải thông qua TP HCM”, ông Nam Sơn đánh giá.
Ông Sơn đề xuất, trước mắt TP HCM nên xây dựng mô hình “thành phố trong thành phố” như ở Thượng Hải. Chủ tịch UBND TP Thủ Đức được trao quyền hạn tương đương với Phó chủ tịch UBND TP HCM, là người chịu trách nhiệm chính về các chính sách phát triển, thu hút đầu tư, ngân sách của “thành phố nhỏ”.
PV