Theo hầu hết các chuyên gia trong ngành, với bối cảnh thị trường chậm như hiện nay thì NĐT cũng không nên quá kì vọng lợi nhuận cao. Việc tham gia vào các phân khúc nếu có lợi nhuận ổn định là điều tốt.
Khi thị trường đi xuống, đa số các nhà phát triển BĐS đều sẽ giữ tâm lý thận trọng do tâm lý không chắc chắn về thị trường, còn các nhóm hay cá nhân đầu tư sẽ khá e dè do việc mua bán tài sản hay dự án đều phải cần một nguồn vốn lớn. Cũng có không ít bộ phận các đơn vị chủ đầu tư phải bán tháo bớt tài sản và các danh mục đầu tư của mình do thua lỗ trong kinh doanh. Ông Nguyễn Khánh Duy, Giám đốc bộ phận Kinh doanh Nhà ở, Savills Việt Nam cho hay, lúc thị trường biến động lại chính là cơ hội cho những NĐT trường vốn, đổ tiền gom BĐS để chờ đợi trong trung dài hạn.
Chia sẻ tại buổi toạ đàm trước đó, ông Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính cho hay, hiện nay khi đầu tư NĐT phải xác định đầu tư dài hạn. Cơ hội chỉ thực sự đến với những người biết chờ đợi. Với NĐT cá nhân thì luôn luôn có cơ hội. Các NĐT tham gia thị trường trong khoảng thời gian 3 -5 năm sẽ chọn lúc thị trường khó khăn, đi xuống để bỏ tiền đầu tư. Còn với những NĐT lướt sóng thì lại chọn đầu tư khi thị trường đang lên.
“Với các NĐT cá nhân, chỉ nên mua những vùng nào sẽ có đô thị hóa, sẽ có dân sinh sống và mua phải chấp nhận chờ đợi trong trung – dài hạn thì cơ hội mới lớn. Nếu có tiền vốn nhàn rỗi thì tiến về vùng lân cận để tìm kiếm các BĐS giá mềm trên dưới 1 tỉ đồng/sản phẩm là điều hợp lý ở thời điểm này”, ông Hiển nhấn mạnh.
Theo vị chuyên gia này, thị trường BĐS hiện nay đang đứng trong thế phân vân. Đầu tư vào BĐS đều có 2 xu thế là tâm lý và giá cả. BĐS hiện nay nếu là do Covid-19 thì không sợ vì dịch bệnh có thể qua, còn phát triển BĐS tầm nhìn từ 5-10 năm thì không đáng lo ngại do dịch. NĐT dài hạn họ vẫn xuống tiền và chờ đợi thị trường tốt lên.
Nguyên tắc đầu tư BĐS là phải có tầm nhìn trung hạn. Tất nhiên, những NĐT nhạy bén sẽ nhìn được khu vực nào có tiềm năng “lướt sóng” nhưng rủi ro cũng rất cao. Những nhà đầu tư kỹ tính hơn sẽ tìm những khu vực có tiềm năng và tăng trưởng bền vững, nếu có lướt sóng hụt thì vẫn có thể chờ đất tăng theo giá trị vị trí.
Năm 2020 đã chứng kiến rất nhiều thương vụ M&A khách sạn 3-4 sao, đặc biệt là tại khu vực Đà Nẵng, Huế, Nha Trang, Phú Quốc và các tỉnh lân cận. Ngoài ra, phân khúc văn phòng hạng A ở Hà Nội và HCM vẫn được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhiều nhất với tỷ suất vốn hóa ở mức 6% – một mức vô cùng hấp dẫn và không hề sụt giảm so với 2019.
Trong khi đó, các dự án đất nền xây dựng tổ hợp tại Hà Nội và HCM lại đang gặp phải nhiều vấn đề trong thời gian xin cấp phép. Tuy nhiên, do sự chững lại bởi đại dịch COVID-19, các nhà đầu tư sẽ không cảm thấy đây là một vấn đề quá lớn nữa, bởi họ sẽ có thêm thời gian theo dõi và đánh giá thị trường.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng nhận định, thị trường BĐS trong trung và dài hạn có nhiều cơ hội phát triển bởi nhu cầu về tất cả các phân khúc đều rất lớn: nhà ở, BĐS nghỉ dưỡng, công nghiệp… Đặc biệt, với nỗ lực khống chế dịch Covid-19 thì trong năm tới dịch sẽ được khống chế trên quy mô thế giới, BĐS sẽ được phục hồi và bước vào giai đoạn phát triển mới như cách đây 10 năm.
“Vì thế, đây là giai đoạn tốt để đầu tư nếu có tiền bởi giá chưa thực sự cao, giao dịch cũng chưa thực sự sôi động, có nhiều tiềm năng sẽ tốt hơn trong tương lai”, ông Hà khẳng định.
Tại tọa đàm, bà Hoàng Nguyệt Minh, Phó giám đốc Bộ phận Tư vấn Đầu Tư, Savills Hà Nội cho biết: “Thị trường bất động sản trong năm nay đã có nhiều thay đổi rõ rệt. Bên cạnh những thách thức đặt ra bởi đại dịch cũng như kinh tế tăng trưởng chậm lại, thị trường bất động sản vẫn chịu tác động mạnh bởi những bế tắc chính chưa được tháo gỡ cũng như sự cạnh tranh của các kênh đầu tư khác”.
Theo báo của Savills, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, khách sạn và bán lẻ đã phải chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19. Tình trạng này đã bắt đầu từ tháng 3 và “thậm chí vẫn còn được kéo dài đến thời điểm hiện tại”.
Theo ghi nhận của Savills, chỉ số ADR tại phân khúc khách sạn đã giảm xuống 40- 50% so với thời điểm trước đại dịch. Tỷ lệ lấp đầy tại các khách sạn cũng đang chật vật ở mức 30-40% ở các ngày trong tuần.
Trong khi đó, phân khúc bất động sản văn phòng, đất nền và chung cư lại chịu ít ảnh hưởng hơn. Đối với thị trường văn phòng, giá cho thuê không hề có sự thay đổi tại các phân khúc cao cấp hạng B và A so với cùng kỳ năm ngoái.
“Thị trường chung cư và đất nền, do bản chất về nguồn cung thực tế tại thị trường vẫn rất ít, do đó giá cũng như số lượng giao dịch đã và đang có những chuyển biến tốt trong thời gian vừa qua”, bà Hoàng Nguyệt Minh cho biết.
Có một thực tế đang diễn ra là, dù ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng mặt bằng giá BĐS vẫn “neo” ở mức cao. Ngay cả thời điểm dịch bùng phát mạnh cũng không có chủ đầu tư (CĐT) nào công bố giảm giá bán. Về phía người mua, nhà đầu tư (NĐT) thì vẫn mong muốn thị trường “hạ nhiệt” về giá để mua vào, thậm chí có nhiều nhóm NĐT chờ đợi để bắt đáy thị trường. Tuy nhiên, theo diễn biến hiện tại, dường như việc giảm giá bất động sản trên diện rộng là điều khó xảy ra, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh đang được kiểm soát theo chiều hướng tích cực.