Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, khối lượng xây lắp và thiết bị của dự án đã cơ bản hoàn thành (đã nghiệm thu 5/5 hạng mục công trình và 9/11 chuyên ngành thiết bị, trong đó ghi nhận một số tồn tại để khắc phục hoàn thiện).
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương yêu cầu tổng thầu, tư vấn huy động đủ chuyên gia theo đúng kế hoạch để hoàn thiện các thủ tục liên quan.
Hiện Chính phủ đã có chính sách cho phép các chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, trong quá trình thực hiện phải tuân thủ đúng quy định về bảo đảm an toàn phòng chống dịch bệnh.
“Các cơ quan không được lấy lý do vì ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 để trì hoãn, chậm đưa dự án vào hoạt động. Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã hứa tổ chức thực hiện tổng thể thông xe an toàn trước tháng 1/2021”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Như vậy, đến nay các nhân sự chuyên gia Trung Quốc quan trọng gần như đã có mặt đầy đủ tại Việt Nam. Những ngày tới, các tư vấn Pháp và nhân sự Trung Quốc còn lại sẽ tiếp tục sang Việt Nam.
Các nhân sự của tổng thầu đang làm việc tại dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đang tập trung thực hiện công tác khắc phục những chi tiết còn tồn tại được nêu ra trong hồ sơ nghiệm thu các hạng mục thành phần. Trong đó có hoàn thiện hệ thống phòng cháy chữa cháy theo yêu cầu của cơ quan cấp chứng nhận về phòng cháy, chữa cháy, làm hồ sơ hoàn công.
Theo kế hoạch, tháng 12 tới dự án sẽ vận hành toàn hệ thống. Thời gian thử nghiệm sẽ kéo dài trong 20 ngày. Quá trình vận hành thử hệ thống, trường hợp hạng mục kỹ thuật chưa đạt yêu cầu thiết kế, tổng thầu tiếp tục khắc phục và được tư vấn Pháp đánh giá.
Trong cuộc giao ban thường niên tháng 10 vừa qua của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tại Nguyễn Văn Thể đã thông tin về việc dự án sẽ “về đích” khoảng đầu năm 2021, trước Đại hội XIII của Đảng.
“Qua các dự án hiện nay, chúng tôi đã rút ra rất nhiều kinh nghiệm hết sức là sâu sắc liên quan tới đề quy hoạch làm sao đáp ứng được yêu cầu phát triển. Đặc biệt, quá trình phát triển đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư, lựa chọn đối tác, đấu thầu, phải rút ra kinh nghiệm để lựa chọn công nghệ, nhà thầu tối và phải chỉ đạo quyết liệt đối với các dự án”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nêu.
Tổng tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông có chiều dài chỉ hơn 13 km nhưng đã được thi công đến gần 10 năm vẫn chưa hoàn thiện. Chi phí đầu tư ban đầu là 8.770 tỷ đồng tuy nhiên tính đến thời điểm hiện nay đã đội vốn lên đến 18.002 tỷ đồng. Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã chậm tiến độ thi công nhiều lần gây bức xúc dư luận xã hội nên Tổng thầu và các cơ quan chức năng liên quan cần nhanh chóng đẩy nhanh tiến độ để tránh gây ra sự thất vọng cho người dân.
Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông được phê duyệt lần đầu năm 2008, khởi công từ tháng 10/2011. Tuyến đường có chiều dài 13,05 km gồm 12 nhà ga trên cao và 1 khu Depot.
Ban đầu dự kiến dự án hoàn thành và đưa vào khai thác thương mại vào 2/9/2014, sau đó liên tiếp cả chục lần lùi tiến độ hoàn thành: tháng 6/2015; tháng 6/2016, rồi tháng 12/2016; tháng 2/2017; tháng 10/2017; tháng 9/2018; Tết Kỷ Hợi 2019; 30/ 4/2019. Tuy nhiên, “đích” mới nhất của tuyến này là hoàn thành vào cuối năm 2020 đầu năm 2021.
Về vốn, tuyến Cát Linh – Hà Đông lúc đầu được phê duyệt tổng mức đầu tư là hơn 8.769 tỷ đồng (552 triệu USD) bằng nguồn vốn vay ODA Trung Quốc và đối ứng của Việt Nam, sau đó bị đội lên 18.001 tỷ đồng (891,9 triệu USD), tương đương mức “đội vốn” là 205,27%. Đến nay dự án chưa đưa vào sử dụng được một ngày nào nhưng đã phải bố trí vốn để trả nợ gốc theo hiệp định vay vốn.
Dự kiến, trong tháng 12 tới, tuyến đường sắt này sẽ vận hành thử toàn hệ thống trong 20 ngày để làm cơ sở đánh giá, thực hiện các công việc còn lại, phấn đấu cuối tháng 12/2020 sẽ hoàn thành công tác vận hành thử, diễn tập các tình huống an toàn để tư vấn chứng nhận an toàn hệ thống kiểm chứng; thực hiện đánh giá theo quy định; tháng 1/2021 bắt đầu nghiệm thu tổng thể, bàn giao dự án cho UBND TP Hà Nội đưa vào khai thác thương mại.