Thương mại điện tử ở Việt Nam còn một đoạn đường dài để phát triển trong tương lai và điều đó sẽ tiếp tục thúc đẩy ngành công nghiệp hậu cần, đặc biệt là kho bãi, nhà kho xây sẵn trở thành mảng đầu tư có giá trị trong thị trường bất động sản công nghiệp.
Bà Trang Bùi, Giám đốc cấp cao Thị trường Việt Nam của JLL cho biết, sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng đã làm tăng cả nhu cầu ngắn hạn và dài hạn đối với bất động sản công nghiệp. Nhà kho xây sẵn cho phép các công ty giao đơn hàng nhanh hơn bằng cách đặt kho hàng gần hơn với người tiêu dùng. Sự phát triển theo cấp số nhân của thương mại điện tử đã thúc đẩy nhu cầu bất động sản công nghiệp, đặc biệt là các mô hình kho bãi tăng trưởng cao nhất 10 năm.
Chuyên gia này đánh giá, đầu tư vào các trung tâm phân phối gần hơn với các bến xe và cảng là những cách giúp đảm bảo giảm thiểu gián đoạn xảy ra nếu có thêm những biến động toàn cầu lớn xảy ra trong tương lai. Việc gia tăng các lựa chọn giao thông, ví dụ như đường sắt và phương tiện tự động, để giảm bớt sự phụ thuộc vào xe tải, cũng có thể giúp tối ưu hóa chuỗi cung ứng.
Nhu cầu thuê nhà kho linh hoạt sẽ giúp các nhà phân phối, đơn vị kinh doanh thương mại điện tử cần sử dụng nhiều không gian trong mùa cao điểm, để rồi những mùa thấp điểm họ có thể kiếm lợi nhuận bằng việc cho thuê. Ví dụ, công ty bán cây thông Giáng sinh chỉ nhập hàng vào mùa đông, nên nhà kho sẽ trống nhiều vào những tháng nóng. Trong khi đó, đơn vị sản xuất phụ kiện hồ bơi sẽ cần dùng khoảng diện tích trống đó cho nhu cầu mua hàng trong mùa hè.
Bàn về các xu hướng đầu tư bất động sản công nghiệp trong làn sóng mới, ông Lê Trọng Hiếu, Giám đốc Bộ phận Tư vấn kinh doanh văn phòng và bất động sản công nghiệp CBRE Việt Nam chỉ ra 3 xu hướng sẽ xuất hiện từ năm 2020 trở đi. Xu hướng đầu tiên là mở rộng sản xuất của các khách thuê hiện hữu thông qua việc tìm kiếm nguồn cung đất mở rộng tại các khu vực mới nổi.
Xu hướng thứ hai là chủ đầu tư và nhà phát triển nước ngoài trong lĩnh vực kho vận mới sẽ gia nhập thị trường Việt Nam. Nhu cầu phần lớn được dẫn dắt bởi thương mại điện tử.
Việt Nam đón làn sóng bất động sản công nghiệp đầu tiên năm 1996, làn sóng thứ hai năm 2008 và 2020 là chu kỳ mới mạnh mẽ nhất 25 năm.
Tại diễn đàn Bất động sản công nghiệp – Đón sóng đầu tư mới gần đây, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, có 3 làn sóng đầu tư bất động sản công nghiệp trải dài 25 năm qua và mỗi đợt sóng tiếp theo càng mạnh mẽ hơn.
Theo ông, làn sóng đầu tiên diễn ra năm 1996. Đến năm 2008, Việt Nam một lần nữa đón làn sóng thứ hai đầu tư vào các khu công nghiệp khá mạnh mẽ. Thế nhưng, năm 2020 lại là giai đoạn đặc biệt nhất khi đây là làn sóng mới, đồ thị tăng trưởng liên tục đi lên.
Ông Hoàng phân tích, trên thực tế, làn sóng đầu tư bất động sản công nghiệp mới (làn sóng thứ ba) đã manh nha từ khoảng 6 năm trở lại đây và bùng mạnh vào năm 2020. Điều này cho thấy không đợi đến xung đột Mỹ – Trung mà từ trước đó, các doanh nghiệp đã có sự cân nhắc chuyển dịch. Đến khi có sự tác động của Covid-19 càng thúc đẩy nhu cầu dịch chuyển sản xuất mạnh mẽ ở chu kỳ mới này.