Một con số cho thấy sức hút rất lớn của các KCN, KKT. Song, để các KCN đón được dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển thì lại là một câu chuyện khác.
Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng cho biết, 10 tháng qua, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực chế biến, chế tạo đạt 10,7 tỷ USD, chiếm 45,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực này trong hơn 30 năm trở lại đây vẫn đứng đầu trong thu hút đầu tư nước ngoài.
Những các tên được nhắc đến gần đây đang tích cực xây thêm nhà máy tại Việt Nam, như Foxconn, Luxshare, Samsung… cũng đều trong lĩnh vực này. Tuần trước, khi “Thái tử” Samsung Lee Jae Yong sang thăm Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị Samsung đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn ở Việt Nam.
Khi nhu cầu xây dựng nhà máy tăng lên, thì đó là cơ hội cho bất động sản công nghiệp phát triển. Đó chính là lý do vì sao, bất động sản công nghiệp đang trở thành điểm sáng của thị trường bất động sản Việt Nam và đang trở thành “thỏi nam châm” thu hút đầu tư.
“Với nguồn cầu tiếp tục vượt quá nguồn cung, có thể thấy rõ sự cần thiết của việc tăng số lượng nguồn cung tại các khu vực công nghiệp trọng điểm”, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho biết như vậy.
Thông tin vừa được công bố, Mitsubishi Materials (Nhật Bản) sẽ chi 90 triệu USD để có thể nắm giữ 10% cổ phần và trở thành cổ đông lớn thứ hai của Masan High-Tech Materials, một công ty thành viên của Tập đoàn Masan, hiện quản lý và vận hành nhà máy sản xuất và chế biến quặng đa kim ở Núi Pháo (Thái Nguyên).
Theo kế hoạch, hai bên sẽ thành lập một liên minh chiến lược hướng đến mục tiêu phát triển nền tảng vật liệu vonfram công nghệ cao.
Đồng thời, cũng sẽ thảo luận về việc phát triển một đơn vị kinh doanh độc lập để phát huy và tăng cường sức mạnh hiệp lực cho nền tảng vonfram chế biến cận sâu của mỗi bên.
“Quyết định hợp tác và đầu tư vào Masan High -Tech Materials sẽ tạo nên những ảnh hưởng đáng kể đến tiềm năng phát triển của Công ty trong tương lai”, ông Makoto Shibata, Giám đốc Mitsubishi Materials nói.
Như vậy, sẽ có thêm một khoản đầu tư nữa của các doanh nghiệp Nhật Bản đổ vào Việt Nam, dù không phải dưới hình thức đầu tư trực tiếp.
Việc phát triển các KCN cũng vậy. Giờ đây, có thể cũng sẽ có những KCN được “thiết kế” riêng, phù hợp cho từng đối tượng nhà đầu tư, từng lĩnh vực đầu tư. Trên thực tế, sau 30 năm phát triển, các KCN, khu kinh tế (KKT) đã ngày càng trở thành mô hình thuận lợi để thu hút đầu tư, bao gồm cả đầu tư trong nước và nước ngoài.
Cụ thể, tính đến quý II năm nay, các KCN, KKT trong cả nước đã thu hút được 9.835 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 197,8 tỷ USD. Bên cạnh đó, còn có 9.650 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đầu tư khoảng 2,31 triệu tỷ đồng. Vốn đầu tư thực hiện đạt khoảng 46,3%.
Một con số cho thấy sức hút rất lớn của các KCN, KKT. Song, để các KCN đón được dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển thì lại là một câu chuyện khác.
Trong xu hướng đó, nhu cầu bất động sản công nghiệp tăng cao, tăng gần 40% trong khi quỹ đất khu công nghiệp ở TP.HCM hầu như không thay đổi, theo Colliers International. Vì thế, tính đến tháng 9.2020, giá thuê đất khu công nghiệp tại TP.HCM đã đạt bình quân 150 USD/m2/kỳ hạn, mức cao nhất cả nước. Tỉ lệ lấp đầy luôn duy trì ở mức 90%. Theo nghiên cứu của JLL, trong 6 tháng đầu năm 2020, tỉ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp miền Bắc là 75% và giá cho thuê bình quân là từ 85-90 USD/m2/chu kỳ thuê.
Long An hiện ghi nhận số lượng dự án FDI ấn tượng, với 1.009 dự án đăng ký và 6,15 tỉ USD (tính đến tháng 9.2020). Trước làn sóng này, dự kiến Long An sẽ thành lập thêm 5 cụm công nghiệp tại Cần Giuộc với tổng quy mô hơn 260 ha. Còn ở phía Bắc TP.HCM, Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên (Bình Dương) đang mở rộng giai đoạn 2.
“Việt Nam đang có cơ hội ngàn năm có một để đón nhận dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển, nhưng nếu không chuẩn bị thật tốt, các tập đoàn sẽ chỉ đến khảo sát, đến tìm hiểu mà thôi, chứ không ra quyết định đầu tư”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói. Sự chuẩn bị này, theo Bộ trưởng, là các địa phương phải chủ động trong phát triển hạ tầng, sẵn sàng đất đai, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…
Hơn thế nữa, trong xu hướng thu hút đầu tư hiện nay, không chỉ là cần “đất sạch” đơn thuần, với đầy đủ hạ tầng, hay với một mức giá cạnh tranh, ổn định, mà cần thiết phải mở rộng các mô hình KCN chuyên sâu, KCN sinh thái để phù hợp với nhu cầu của nhà đầu tư, và phù hợp với định hướng thu hút đầu tư nước ngoài giai đoạn tới.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thời gian tới, phải tập trung phát triển mô hình KCN sinh thái, đồng thời xây dựng các KCN hỗ trợ, KCN chuyên dành cho một ngành hoặc nhóm ngành nhất định, như các ngành công nghiệp nền tảng, chiến lược, các ngành công nghiệp đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hay hoạt động R&D, các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo… Tương tự sẽ dự kiến phát triển một số cụm liên kết ngành nhằm hình thành mạng sản xuất, chuỗi cung ứng và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu tại một số địa phương.
Ngoài ra, ông John Campbell, Quản lý Bộ phận Tư vấn Công nghiệp, Savills TP.HCM, cho rằng mặc dù có nhiều cải thiện nhưng chi phí hậu cần ở Việt Nam vẫn cao nhất khu vực châu Á. Do vậy, Chính phủ cần tiếp tục đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng, giao thông.
Sang năm 2021, SSI Research tin rằng, xu hướng chuyển dịch cơ sở sản xuất sang Việt Nam sẽ làm tăng nhu cầu đất khu công nghiệp. Ngoài ra, theo quy hoạch mới của Chính phủ giai đoạn 2021-2025, nhà đầu tư có thể tăng thêm diện tích khu công nghiệp, nhất là các khu công nghiệp có diện tích trên 1.000 ha.
Đặc biệt, những cải thiện về cơ sở hạ tầng như đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, Dầu Giây – Phan Thiết, cao tốc Bắc Nam, Cảng Cái Mép Thị Vải, Cảng Gemalink giúp kết nối thuận tiện hơn cho các khu công nghiệp. Xét yếu tố cạnh tranh, giá đất khu công nghiệp ở Việt Nam vẫn thấp hơn 30-40% so với Thái Lan, Indonesia. Do đó, giá đất khu công nghiệp năm 2021 ước tính sẽ tăng 7-8% ở miền Nam và 5-6% ở miền Bắc.
Cơn sốt bất động sản công nghiệp đã thu hút sự quan tâm của nhiều gương mặt mới. Các doanh nghiệp có lý do để chú ý mảng bất động sản công nghiệp. Theo báo cáo mới nhất của Colliers International, doanh nghiệp nội địa và đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài đang có xu hướng thuê nhà xưởng tiền chế để chủ động nguồn vốn, tiết kiệm chi phí, thời gian và có thể đi vào hoạt động ngay.