Thị trường BĐS chịu tác động kép của COVID đợt 2 và tháng ngâu tuy nhiên loại hình chung cư ghi nhận sự tăng trưởng 3% mức độ quan tâm, trong khi các loại hình BĐS khác không tăng trưởng hoặc giảm.
Trong báo cáo mới nhất về thị trường quý 3/2020 của kênh batdongsan.com.vn ghi nhận GDP của Việt Nam tăng trưởng 2,6%. Mặc dù đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, nhưng Việt Nam vẫn đang nằm trong nhóm các nước tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới. Theo dự báo của ADB và World Bank, nền kinh tế được dự báo sẽ phục hồi lại mức tăng trưởng từ 6,3% – 6,8% vào năm 2021.
Đối với thị trường bất động sản nhà riêng, nhà mặt phố vẫn ghi nhận xu hướng tương đối tích cực. Tại Hà Nội, các chỉ số ghi nhận ổn định hoặc tăng. Đặc biệt, chỉ số lượng tin đăng ghi nhận mức tăng mạnh 19% đối với nhà mặt phố bán và 25% đối với nhà riêng bán. Tại TP. HCM, chỉ số này cũng được ghi nhận tăng nhưng ở mức nhẹ hơn khi nhà mặt phố bán tăng 9% và nhà riêng tăng 5%.
Trái lại, thị trường bất động sản nhà riêng, nhà mặt phố cho thuê chịu nhiều tác động của dịch bệnh hơn khi các chỉ số ghi nhận xu hướng giảm đối với nhà mặt phố và chỉ tăng nhẹ đối với nhà riêng. Cụ thể, đối với nhà mặt phố cho thuê, mức độ quan tâm ghi nhận giảm 11% ở cả thị trường Hà Nội và TP. HCM. Đối với nhà riêng, chỉ số này tăng nhẹ 4% tại thị trường Hà Nội và 2% tại thị trường TP. HCM.
Các bất động sản nhà riêng, nhà mặt phố có diện tích nhỏ, giá tiền thấp được tìm kiếm nhiều nhất. Cụ thể, tại Hà Nội, người tìm kiếm quan tâm nhiều nhất tới các căn nhà riêng có diện tích nhỏ khoảng 30m2 – 40m2, và giá trong khoảng từ 2 tỷ – 3 tỷ. Đối với nhà mặt phố, khoảng diện tích được quan tâm nhiều nhất là 50m2 – 60m2, giá trị nhà mặt phố rơi vào khoảng 5 tỷ – 8 tỷ.
Ghi nhận tại thị trường TP. HCM lại cho thấy các căn nhà riêng, nhà mặt phố được hỏi mua nhiều nhất có khoảng diện tích lớn hơn (60m2 đối với nhà riêng; 70m2 – 80m2 đối với nhà mặt phố).
Giá chung cư bán tại TP.HCM và Hà Nội ổn định. Cụ thể, giá rao bán chung cư phân khúc trung cấp và bình dân đi ngang trong khi phân khúc cao cấp giảm nhẹ 2% so với quý trước. Ngược lại, giá rao bán chung cư tại TP.HCM trong quý này tăng trưởng 1-2% ở tất cả các phân khúc.
Trong khi giá bán sơ cấp (giá mở bán của chủ đầu tư) có dấu hiệu tăng trên toàn thị trường thì giá bán thứ cấp (mua đi bán lại) lại có xu hướng giảm. Tuy nhiên, tình trạng này chỉ xảy ra cục bộ ở một số dự án và khu vực nhất định. Đây là cơ hội tốt cho người mua nhà để ở.
Theo báo cáo thị trường nhà chung cư TP.HCM của DKRA Việt Nam, sau đợt dịch COVID-19 lần 2, giá nhà ở ghi nhận đà tăng-giảm ngược chiều nhau trên thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp.
Trong quý III-2020, giá bán sơ cấp nhà chung cư tại một số khu vực ghi nhận mức tăng khá cao, trung bình 10%-15% so với đầu năm 2020, sức tiêu thụ đạt gần 80% rổ hàng. Trong khi đó, mặt bằng giá nhà chung cư thị trường thứ cấp giảm nhẹ, mức giảm dao động 2%-3% so với quý trước và giao dịch diễn ra trầm lắng.
Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận nghiên cứu và phát triển thị trường DKRA Việt Nam, cho biết sự tăng giá căn hộ trên thị trường sơ cấp do các chi phí đầu vào của dự án tăng cao và pháp lý dự án kéo dài dẫn đến chi phí tài chính bị đội lên đáng kể.
Đối với hiện tượng giảm giá ở thị trường thứ cấp, theo ông Hoàng là do các nhà đầu tư mua đi bán lại gặp khó khăn về dòng tiền trong bối cảnh tâm lý thị trường xuống thấp, nhà đầu tư có nhu cầu thu hồi dòng vốn để tái cấu trúc danh mục đầu tư. Đà giảm giá chỉ dao động ở biên độ nhỏ và không đại diện cho toàn thị trường vì các giao dịch này diễn ra cục bộ, quy mô chưa lớn.
Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận nhà ở CBRE Việt Nam, cũng cho biết trong khi các mức giá ở nhiều dự án căn hộ mới chào bán lần đầu (sơ cấp F1) tại TP.HCM đều có xu hướng tăng, thị trường thứ cấp (F2, F3 trở đi) lại xuất hiện tình trạng giảm giá.
Giá nhà sơ cấp tăng ở các dự án mới chào bán do chủ đầu tư vẫn giữ kỳ vọng giá cao. Đây là thị trường đa phần người mua muốn tận dụng cơ hội tậu căn hộ trả tiền nhiều đợt, được ưu đãi lãi suất hay hưởng các chương trình khuyến mãi đi kèm. Áp lực về tài chính trong giai đoạn đầu không quá cao.
“Trong khi đó, giá nhà thứ cấp giảm do các nhà đầu tư F2 bắt đầu ngộp tài chính nên buộc lòng phải xả hàng với mức giá mềm để thoát hàng” – ông Kiệt phân tích.
DKRA Vietnam ghi nhận trong quý III, thị trường đất nền TP.HCM không có dự án mở bán, nguồn cung trên thị trường chủ yếu đến từ các dự án mở bán trước đó. Ở các tỉnh giáp ranh TP.HCM có 35 dự án đất nền mở bán, cung cấp ra thị trường 5.173 nền, tỉ lệ tiêu thụ đạt 55%. Bên cạnh đó, mặt bằng giá thứ cấp có sự sụt giảm ở nhiều khu vực, mức giảm dao động khoảng 3%-5% so với quý trước.
Bất động sản ở mức độ khá rẻ sẽ gặp ở các quốc gia tương đối ổn định về mặt dân số, còn với tốc độ đô thị hoá ở Việt Nam, để mua được nhà chỉ còn cách tăng thu nhập của người dân.