Từ đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng và trực tiếp tới nhiều ngành, lĩnh vực trong đó có thị trường BĐS. Tuy nhiên, về cơ bản thị trường không bị ảnh hưởng quá nghiêm trọng, các tác động chỉ mang tính chất cục bộ ở một số yếu tố và một số doanh nghiệp.
Nhu cầu nhà ở của người dân thuộc phân khúc trung, cao cấp (giá từ 25 triệu đồng/m2 trở lên) chỉ chiếm khoảng từ 20% – 30% thị trường tùy từng địa phương, đô thị cụ thể và tập trung chủ yếu ở các đô thị lớn; nhu cầu phân khúc nhà ở bình dân, giá thấp (dưới 25 triệu đồng/m2) chiếm đến 70% – 80% thị trường nhưng nguồn cung hiện nay lại đang thiếu.
Giá BĐS trên thị trường không có xu hướng giảm mà vẫn tăng so với cuối năm 2019. Trong đó, tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư tăng 0,16%, giá nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 0,01% so với cùng kỳ năm 2019. Tại TP HCM, giá căn hộ chung cư tăng khoảng 0,25%, nhà ở riêng lẻ tăng khoảng 0,15% so với cùng kì năm 2019.
Trong khi đó, giới đầu cơ BĐS vẫn hoạt động công khai, lợi dụng các yếu tố xã hội như chuẩn bị qui hoạch đô thị, chuẩn bị xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị,… để đẩy giá lên cao thu lợi bất chính làm bất ổn thị trường.
Ngoài ra, hệ thống thông tin về thị trường BĐS hiện chưa đầy đủ và đồng bộ để đáp ứng nhu cầu công tác quản lí nhà nước từ trung ương tới địa phương. Việc kiểm soát thị trường BĐS của các cơ quan nhà nước chưa hiệu quả,…
Các dự án tung ra thị trường trong thời gian gần đây đều không công bố giảm giá. Lí giải tình trạng giá nhà ở tăng cao, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm VARs cho biết, do khan hiếm nguồn hàng trong bối cảnh lượng cầu rất cao dẫn đến giá tăng vọt và tỉ lệ hấp thụ ở mức cao.
Theo vị chuyên gia này, trong khoảng hai năm trở lại đây, cũng như Hà Nội, TP HCM gần như không có dự án mới được phê duyệt. Các dự án đô thị và nhà ở tại địa phương đã được phê duyệt chủ trương đầu tư từ giai đoạn trước cũng gặp nhiều khó khăn trong việc phê duyệt ở tất cả các khâu như qui hoạch, cấp phép xây dựng, đủ điều kiện tham gia thị trường,…
Tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư tăng 0,16%, nhà ở riêng lẻ tăng khoảng 0,01%. Còn tại TP HCM, giá căn hộ chung cư tăng khoảng 0,25%, nhà ở riêng lẻ tăng khoảng 0,15% so với cùng kì năm 2019.
Bên cạnh đó, báo cáo của của các đơn vị tư vấn và nghiên cứu thị trường BĐS cũng chỉ ra một thực trạng tương tự. Đơn cử, theo khảo sát của Savills, giá căn hộ sơ cấp trung bình tại Hà Nội trong quí III/2020 tăng 3% theo quí và 10% theo năm lên 1.500 USD/m2.
“Giá bán căn hộ sơ cấp vẫn tăng bất chấp dịch bệnh. Từ năm 2016 đến nay, trung bình mỗi năm giá sơ cấp tăng 5%. Thị trường căn hộ đang rất nhạy cảm về giá. Mội số dự án ở khu vực Mỹ Đình, tuy không phải khu vực trung tâm nhưng giá căn hộ cũng đã dao động ở mức 50 – 60 triệu đồng/m2”, bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn Savills Hà Nội cho biết.
Còn tại TP HCM, theo DKRA Vietnam, giá chào bán căn hộ sơ cấp tại một số khu vực ghi nhận mức tăng khá cao trong quí III, trung bình dao động 15 – 20% so với thời điểm đầu năm 2020.
Chính sách hỗ trợ nhà ở cho người thu nhập thấp tại đô thị và công nhân lao động được thực hiện theo Luật Nhà ở và các văn bản dưới luật đến nay, đã có 1.040 dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp (bao gồm 507 dự án nhà ở xã hội độc lập với tổng diện tích đất hơn 1.375ha và 533 dự án được xây dựng trên quỹ đất 20% của các dự án nhà ở thương mại, dự án phát triển đô thị, với diện tích đất hơn 1.983ha).
Trong đó, đã hoàn thành 248 dự án với quy mô xây dựng khoảng hơn 103.500 căn, tổng diện tích hơn 5,1 triệu m2; đang tiếp tục triển khai 264 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 216.500 căn, với tổng diện tích khoảng 10,8 triệu m2; còn lại 512 dự án chưa triển khai hoặc đang làm thủ tục đầu tư xây dựng.
Tuy vậy, với tổng diện tích hơn 5,1 triệu m2 nhà ở xã hội đã xây dựng mới chỉ đạt được khoảng 41,4% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 (12,5 triệu m2 nhà ở).
Theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, với trường hợp dự án sử dụng “khu đất do Nhà nước đang quản lý” được quy hoạch xây dựng nhà ở xã hội đang tồn tại các vướng mắc pháp lý về đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư.
Báo cáo mới nhất của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) cho biết, giá BĐS đang đối mặt với nhiều áp lực. Cụ thể, giá chung cư ở các đô thị lớn bị đẩy lên ngưỡng trần, thậm chí có đôi chút bong bóng, đặc biệt là ở phân khúc chung cư, dẫn đến tỉ lệ tiêu thụ chậm.
Theo nhận định của ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Văn Phòng Hội Môi Giới Bất Động Sản Việt Nam – KV Miền Nam “Nhu cầu thật về nhà ở rất lớn, nguồn cung thì hạn chế. Trong giai đoạn này phân khúc BĐS nhà ở như căn hộ có giá bán từ 2 – 3 tỉ đồng ở các quận gần trung tâm hoặc căn hộ có giá dưới 1,5 tỉ đồng ở các huyện ngoại thành hoặc các tỉnh lân cận Tp.HCM hay đất nền dự án, nhà phố được quy hoạch bài bản kết nối hạ tầng giao thông tốt sẽ vẫn hút người mua”.