Từ năm 2018 đến nay giá nhà ở TP.HCM tăng khoảng 30%. Lãnh đạo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, đây là sự tăng giá cực kỳ đột biến và nguy hiểm, làm ảnh hưởng đến thị trường bất động sản ở TP.HCM.
Nguồn cung căn hộ, đất nền ở TP HCM khan hiếm đã đẩy người mua, nhà đầu tư tìm về các vùng ven để tìm kiếm cơ hội khiến giá nhà ở những khu vực này tăng cao.
Sau nhiều năm đi làm, ổn định cuộc sống, tiền dành dụm dư khoảng 1 tỉ đồng, vợ chồng anh Ngọc Tâm (quận Bình Tân, TP HCM) quyết định đi tìm căn hộ gần TP HCM vừa để đầu tư vừa làm tài sản cho con cái sau này. Tuy nhiên, sau hơn 1 tuần tìm hiểu, liên hệ các kênh bán hàng anh Tâm mới vỡ lẽ giá căn hộ vùng ven cũng đang ngấp nghé với giá trung bình ở TP HCM.
“Môi giới mới giới thiệu tôi vài căn hộ tại Dĩ An hay xa hơn có Thuận An thuộc tỉnh Bình Dương. Họ nói căn hộ cao cấp, tiện ích đầy đủ, giá chủ đầu tư đưa ra là 39 triệu/m2, còn muốn đẳng cấp hơn, xịn hơn thì có vài căn giá 43 triệu/m2. Tôi nghe xong mà hết hồn” – anh Tâm ngạc nhiên.
Số liệu từ báo cáo quý 3 của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, tổng lượng sản phẩm nhà ở được bán trên toàn thị trường TP.HCM trong quý 3 vừa qua đạt 12.530 sản phẩm, trong đó chủ yếu là căn hộ chung cư. Đáng chú ý, số lượng giao dịch là 9.408 sản phẩm, tỉ lệ hấp thụ tương đương 75,1%.
Ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam đánh giá, đây là con số quá ấn tượng khi thị trường ở thời điểm thị trường chung chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
“Gần 2 năm nay, ở TP.HCM gần như không có dự án mới được phê duyệt, chỉ có dự án đã được xem xét, có chủ trương từ trước thì hoàn thành nhỏ giọt các hoạt động cấp phép xây dựng, đủ điều kiện bán hàng. Các dự án ở TP.HCM cứ nhỏ giọt phát triển, tuy nhiên do áp lực từ lực cầu, thu hồi vốn nên hầu như các dự án đều phải chạy trước, bán trước khi đủ điều kiện bằng các hình thức như đặt cọc giữ chỗ, ký quỹ ngân hàng… Chính vì thế, mặc dù con số giao dịch lớn nhưng phần lớn trong số đó gần như được giao dịch từ trước và đến khi đủ điều kiện bán hàng thì mới công bố chính thức ra thị trường”, ông Đính nói.
Theo lãnh đạo Hội Môi giới, hàng tồn còn lại rất ít, lượng chung cư ở TP.HCM hiếm, rất khó tìm, chỉ còn lại những dự án đắt tiền có giá từ 70-80 triệu đồng/m2 trở lên, mức giá này vẫn tiêu thụ được nhưng chậm, riêng nhà ở bình dân gần như không còn.
Mới nhận công việc quản lý tại một nhà máy giày da ở Đồng Nai, chị Hoa (ngụ huyện Nhà Bè, TP HCM) liền đăng lên facebook muốn tìm mua căn hộ tại khu vực giữa Biên Hòa (Đồng Nai), Bình Dương để tiện cho công việc. “Ngày nào tôi cũng được môi giới gọi giới thiệu dự án từ Bình Dương tới Đồng Nai. Lúc đầu nghe nói cũng hứng thú nhưng tôi thực sự ngạc nhiên khi căn nào cũng cao ngất, hơn 40 triệu/m2” – chị Hoa tỏ ra bất ngờ.
Theo anh Tâm, năm trước cũng từng có ý định mua căn hộ vùng ven đầu tư, lúc đó giá trung bình chỉ từ 20-27 triệu/m2 nhưng kẹt việc nên anh tạm hoãn. “Chỉ hơn 1 năm mà giá nhà vùng ven giờ đã gần bằng giá nhà ở TP HCM, không hiểu sao mà giá có thể tăng chóng mặt như vậy” – anh Tâm thắc mắc.
Trong khi đó, Anh Minh – thành viên một diễn đàn bất động sản có tiếng – băn khoăn: “Tôi cũng không thể hiểu được, mật độ dân không lớn, quỹ đất còn nhiều, giá đất cũng không cao mà chung cư vùng ven lại bán bằng giá căn hộ ở TP HCM”.
“Giá nhà ở TP.HCM chỉ có thể đánh giá được ở phân khúc trung cấp bởi lẽ giá nhà ở bình dân không còn, phân khúc cao cấp thì có sự chênh lệch giá quá lớn. Chúng tôi xác định phân khúc cao cấp có mức giá từ 45 triệu đồng/m2 nhưng hiện giá chung cư cao cấp ở TP.HCM thấp nhất cũng 60-70 triệu đồng/m2, có phân khúc chênh lệch quá lớn lên đến vài trăm triệu đồng/m2 nên chúng tôi không thể so sánh giá ở phân khúc cao cấp”, ông Đính cho hay.
Nói thêm về phân khúc trung cấp, ông Đính đưa số liệu về giá từ thời điểm quý 4/2018 đang ở ngưỡng 30 triệu đồng/m2, sang quý 4/2019 giá bắt đầu vượt lên ngưỡng 35 triệu đồng/m2, và sang quý 3/2020 thì phân khúc chung cư trung cấp cũng dần dần mất đi, giá đẩy dần lên phân khúc cao cấp.
“Nếu giá nhà cứ theo xu hướng này và nguồn cung khan hiếm thì chắc chắn thị trường nhà ở TP.HCM sẽ rơi vào tình trạng ‘bong bóng’ giá, ảo về giá. Từ năm 2018 đến nay giá nhà ở TP.HCM tăng khoảng 30%, còn nếu so sánh từ năm 2019 đến nay thì giá nhà đã tăng khoảng 15-20%. Đây là sự tăng giá cực kỳ đột biến và nguy hiểm, làm ảnh hưởng đến thị trường bất động sản ở TP.HCM”, ông Đính nói thêm.
Bên cạnh đó, tiềm lực nhà đầu tư, uy tín cũng như tiến độ vẫn là một dấu hỏi đối với các dự án vùng ven. Chưa kể, lợi dụng những lúc thị trường bất động sản lên “cơn sốt”, nhiều dự án “ma” ồ ạt xuất hiện cũng khiến người mua chùn bước. Trong khi hầu hết chủ đầu tư lớn đều có mặt tại TP HCM, tạo sự đa dạng cho sản phẩm cũng như cuộc đua gay gắt về chất lượng khiến người mua được hưởng lợi tương xứng so với mặt bằng giá.