Thanh tra tỉnh Long An kết luận UBND thị xã Kiến Tường cho chủ trương đấu giá các lô đất khi chưa hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật đối với 03 khu: Khu đô thị Sân bay giai đoạn 1, Khu dân cư 7 cặp đường vào Trường Chính trị và Cụm dân cư Khu phố 9 khi chưa thảm nhựa đường giao thông là chưa đúng theo quy định. Ngoài ra, việc xác định giá đất khởi điểm các lô nền chưa thực hiện đúng trình tự, thủ tục, phương pháp định giá đất, đồng thời xác định giá đất khi hạ tầng chưa hoàn chỉnh. Đồng thời quy trình xác định giá đất có dấu hiệu “dìm giá” gây thất thoát ngân sách Nhà nước.
Về trình tự, thủ tục đấu giá đất, Thanh tra kết luận tại biên bản đấu giá tài sản đối với đấu giá 313 lô nền Khu đô thị Sân bay giai đoạn 1 do Công ty TNHH Dịch vụ đấu giá và tư vấn Miền Nam (SASC) thực hiện ngày 21-22/12/2017 (thể hiện từ 13 giờ 00 phút đến 19 giờ 21 phút và từ 07 giờ 00 phút đến 17 giờ 39 phút) không có nghỉ trưa là chưa phù hợp với thực tế diễn ra buổi đấu giá. Điều đáng nói là đồng thời 05 người mua hồ sơ (mỗi lô có 02 người) và trúng đấu giá 313 lô với 01 mức giá, sau đó làm hợp đồng ủy quyền cho Công ty Cổ phần kinh doanh Bất động sản Cát Tường để thực hiện kinh doanh là có dấu hiệu thông đồng, móc nối với người tham gia đấu giá khác để dìm giá gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước.
Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03 – Bộ Công an) đang điều tra dấu hiệu vi phạm tại dự án đầu tư xây dựng khu đô thị Đông Sài Gòn. Dự án này trước đây có tên khu dân cư Long Tân – Phú Thạnh tại ba xã Long Tân, Phú Thạnh, Vĩnh Thanh thuộc huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai.
năm 2010, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận chỉ rõ nhiều sai phạm tại dự án này.
Theo kết luận này, dự án khu dân cư Long Tân – Phú Thạnh do Công ty cổ phần Đầu tư Nhơn Trạch làm chủ đầu tư.
Hồ sơ thể hiện năm 2004, chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai có quyết định chấp thuận chủ trương và giới thiệu địa điểm cho Công ty TNHH Tín Nghĩa và Công ty Cao su Đồng Nai lập thủ tục đầu tư khu dân cư Long Tân – Phú Thạnh. Lúc đầu diện tích dự án là 503 ha và phải đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai 2003 và nghị định liên quan. Sau đó dự án được chuyển sang Công ty cổ phần Đầu tư Nhơn Trạch làm chủ đầu tư.
Đến tháng 11-2007, UBND tỉnh Đồng Nai đã có quyết định giao đất cho Công ty cổ phần Đầu tư Nhơn Trạch mà không thông qua đấu giá, dù trước đó Sở TN&MT có văn bản đề nghị UBND tỉnh đấu giá khu đất này theo đúng quy định.
Bởi lẽ cùng thời điểm UBND tỉnh Đồng Nai quyết định giao đất cho chủ đầu tư (tháng 11-2007), UBND huyện Nhơn Trạch đang khảo sát giá đất để xây dựng đơn giá các loại đất cho năm 2008 trên địa bàn tỉnh. Lúc này, UBND huyện Nhơn Trạch đã có tờ trình đề nghị giá đất mặt tiền đường 25B từ 1,2 triệu đến 1,4 triệu đồng/m2. Sau đó ngày 30-11-2007, UBND huyện Nhơn Trạch có tờ trình xin điều chỉnh giá đất khu vực này là 1,1 triệu đồng/m2.
Như vậy, số tiền sử dụng đất theo đơn giá 900.000 đồng/m2 (được UBND tỉnh phê duyệt để làm căn cứ thu tiền sử dụng đất của Công ty Nhơn Trạch tại dự án khu dân cư Long Tân – Phú Thạnh), chênh lệch giảm so với tiền sử dụng đất được tính toán theo đơn giá 1,1 triệu đồng/m2 (theo đề nghị của UBND huyện Nhơn Trạch) là gần 160 tỉ đồng.
Năm 2019, tỉnh Đồng Nai đã đấu giá thành công 9 khu đất, thu về 6.350 tỷ đồng. Nhiều cuộc đấu giá đất đã được tổ chức công khai, nhiều tính cạnh tranh và chốt giá trúng đấu giá cao gấp 2 lần so với giá khởi điểm.
Điển hình như 3 cuộc đấu giá: Thứ nhất, đấu giá khu đất rộng hơn 60 ha (huyện Nhơn Trạch) với giá trúng đấu giá 901 tỷ đồng, cao hơn rất nhiều so với mức giá khởi điểm 584 tỷ đồng. Thứ hai, là cuộc đấu giá khu đất 49,8 ha (huyện Long Thành), giá khởi điểm 612 tỷ đồng. Sau cuộc đấu sôi nổi khu đất được “chốt” giá trúng đấu giá là 1.268 tỷ đồng, cao gấp đôi giá khởi điểm. Thứ ba, là cuộc đấu giá khu đất 92,2 ha (huyện Long Thành) với giá trúng đấu giá lên tới 3.060 tỷ đồng, cao gần gấp 2 lần giá khởi điểm.
Theo lãnh đạo sở Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, cơ quan này đang tiếp tục rà soát các khu đất được UBND tỉnh giao quản lý, khai thác để lập thủ tục điều chỉnh, bổ sung quy hoạch đối với các khu đất đủ điều kiện để bán đấu giá tạo nguồn thu cho ngân sách.
Dự kiến trong năm 2020, tỉnh Đồng Nai đưa ra đấu giá khoảng 20 khu “đất vàng” ở 2 thành phố Biên Hoà, Long Khánh và các huyện Long Thành, Thống Nhất, Trảng Bom, Định Quán. Tổng diện tích đất tỉnh Đồng Nai dự kiến sẽ đưa ra đấu giá là hơn 276 ha với giá khởi điểm khoảng 2.352 tỷ đồng.
Tại TP.HCM, về thực tiễn thực hiện công tác tổ chức đấu giá tài sản, trong đó có quyền sử dụng đất, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, chỉ tính từ năm 2011 – tháng 3/2017, “Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản TP HCM” đã tổ chức đấu giá thành công 215 cuộc, với giá khởi điểm là 3.211,8 tỷ đồng, giá trúng đấu giá là 4.467,9 tỷ đồng, tăng 1,39 lần so với giá khởi điểm.
Nếu so sánh những cuộc đấu giá ở UBND thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An và các địa phương lân cận, có thể thấy nguy cơ thất thoát ngân sách rất lớn, nếu bị thông đồng, lũng đoạn đấu giá.
Tuy nhiên, thay vì chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan điều tra để làm rõ thì Thanh tra tỉnh này lại xử lý theo hướng khác. Cụ thể, Thanh tra tỉnh tổ chức họp các ngành nội chính để xem xét 10 dấu hiệu vi phạm pháp luật.
“Qua đó, xác định chưa đủ cơ sở, điều kiện để xác định có dấu hiệu vi phạm pháp luật, chỉ nhận định chưa chứng minh được thông đồng, dìm giá, số tiền gây thiệt hại nên không chuyển hồ sơ đấu giá tài sản đất đối với Khu đô thị Sân bay giai đoạn 1 sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định”, Thông báo kết luận thanh tra nêu.
Theo luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TPHCM, Thanh tra tỉnh Long An dựa vào quyết định nội chính để không chuyển cơ quan điều tra là áp dụng sai căn cứ pháp luật. Luật Thanh tra không có căn cứ đó. Mặt khác, cũng không có quy định nào nói rằng, có dấu hiệu dấu hiệu vi phạm pháp luật, nhưng nội chính không đồng ý thì không chuyển cơ quan điều tra. Trong trường hợp thanh tra địa phương làm không đúng quy trình thì Thanh tra Chính phủ nên vào cuộc để làm rõ vụ việc.
Hồng Ân
( Tổng Hợp)
Theo Phụ Nữ Mới