NHNN đã chủ động điều chỉnh nới room cho các TCTD có sức khỏe tài chính tốt, hoạt động hiệu quả, có điều kiện mở rộng tín dụng lành mạnh vào các lĩnh vực phục vụ cho tăng trưởng kinh tế, thay vì áp một mức chung.
Chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ
Tăng trưởng tín dụng 8 tháng đầu năm bị tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 nhưng từ nửa cuối tháng 8 đến nay thị trường đã xuất hiện dấu hiệu phục hồi trở lại và hé mở những “điểm sáng” cung ứng tín dụng các tháng cuối năm 2020 của các TCTD.
Ông Nguyễn Tuấn Anh – Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam cho biết, nếu như 6 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 3,65% thì đến ngày 16/9/2020, con số này là 4,81%. Trong đó, dư nợ một số ngành ưu tiên như xuất khẩu tăng khoảng 5%, nông nghiệp, nông thôn tăng khoảng 4,5%, DNNVV tăng 3,5%… Một số TCTD đã xuất hiện dấu hiệu tăng trưởng tín dụng trở lại, nhiều nhu cầu vốn mới đã xuất hiện. Đây có thể được xem là tín hiệu tốt, báo hiệu về một sức bật mới từ nay đến cuối năm.
Nhìn lại chặng đường đã qua trong suốt nhiệm kỳ 2016 – 2020, có thể nói việc điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả của NHNN luôn có dấu ấn của việc vận hành cơ chế, chính sách tín dụng an toàn, chất lượng nhằm đáp ứng các mục tiêu đề ra, cung ứng đầy đủ vốn cho nền kinh tế trong ngắn và trung, dài hạn. Tuy nhiên, từ sau Tết Nguyên đán 2020 (cuối tháng 01/2020), đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực tới cả tổng cung và tổng cầu của nền kinh tế, dẫn tới tăng trưởng tín dụng có xu hướng tăng thấp so với cùng kỳ các năm trước, dù các TCTD đã cố gắng đưa ra nhiều chương trình cho vay lãi suất ưu đãi, quy mô lớn.
Trước những diễn biến phức tạp và tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, Chính phủ đã ban hành hàng loạt các giải pháp kích cầu, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống nhân dân… Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN và ngành Ngân hàng đã chủ động và sớm triển khai nhiều giải pháp về tín dụng nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch.
Đồng hành, chia sẻ, tạo điều kiện để khách hàng khôi phục sản xuất kinh doanh, coi cho vay mới phục hồi sau dịch là yếu tố then chốt thúc đẩy tăng trưởng
Theo đó NHNN chủ động ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các TCTD và NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố để rà soát, đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch đối với khách hàng, xây dựng chương trình, kịch bản hành động của ngân hàng để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Mặt khác, NHNN khẩn trương ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN, tạo cơ sở pháp lý để các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, giúp người dân và DN giảm áp lực trả nợ để tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh…
NHNN cũng đã quyết liệt chỉ đạo các TCTD tập trung mọi nguồn lực, đẩy mạnh cải cách quy trình thủ tục nội bộ, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn để nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng. Việc hai lần liên tiếp giảm mạnh các mức lãi suất điều hành; giảm trần lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên (hiện nay là 5%/năm) để giảm mặt bằng lãi suất, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận vốn vay với chi phí phù hợp trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch là những hành động rất thiết thực, hiệu quả của NHNN nhằm giúp các DN chống chọi và vượt qua khó khăn.
Bên cạnh đó, một cách linh hoạt, uyển chuyển, NHNN đã chủ động điều chỉnh nới room cho các TCTD có sức khỏe tài chính tốt, hoạt động hiệu quả, có điều kiện mở rộng tín dụng lành mạnh vào các lĩnh vực phục vụ cho tăng trưởng kinh tế, thay vì áp một mức chung cứng nhắc.
Sẵn sàng đáp ứng nhu cầu tín dụng các tháng cuối năm
Xác định rõ thành công của DN là thành công của ngân hàng; đồng hành cùng DN vượt qua mọi khó khăn, sóng gió, đó không chỉ là sứ mệnh, trách nhiệm mà còn là sự sống còn của ngân hàng. Vì vậy, dưới sự chỉ đạo sâu sát của NHNN, các TCTD cũng đã quyết liệt triển khai các giải pháp hữu hiệu, thiết thực, thể hiện tinh thần chia sẻ với khách hàng vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh.
Đến 14/9/2020, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 271.548 khách hàng với dư nợ 321.407 tỷ đồng, miễn, giảm, hạ lãi suất cho 484.939 khách hàng với dư nợ 1.177.581 tỷ đồng, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt 1.614.676 tỷ đồng cho 309.991 khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 – 2,5% so với trước dịch.
Mặc dù mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khá mạnh so với trước khi có dịch, song theo các chuyên gia, nhu cầu tín dụng giảm vẫn còn là một thách thức với ngành Ngân hàng trong các tháng cuối năm. Bởi tuy trong nước, đến thời điểm này, chúng ta đã kiểm soát khá tốt, nhưng trên thế giới dịch bệnh vẫn đang bùng phát, khó đoán định, làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất, kinh doanh của DN.
Trên tinh thần vừa phòng, chống dịch, vừa tập trung đẩy mạnh các hoạt động phục hồi kinh tế trong tình trạng bình thường mới theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết, NHNN và ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục tăng cường triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn trên tinh thần đồng hành, chia sẻ, tạo điều kiện để khách hàng khôi phục sản xuất kinh doanh, coi cho vay mới phục hồi sau dịch là yếu tố then chốt thúc đẩy tăng trưởng.
Cụ thể: NHNN sẽ điều hành CSTT, lãi suất, tín dụng nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, sẵn sàng xem xét điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng cho từng TCTD phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Cùng với đó, sẽ tiến hành rà soát, hoàn thiện các chính sách tín dụng, đặc biệt là Thông tư 01/2020/TT-NHNN để tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho người dân, DN.
Mặt khác, tiếp tục chỉ đạo các TCTD quyết liệt triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng, tập trung vốn đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là đầu tư các dự án hiệu quả, có khả năng phục hồi ngay sau khi kết thúc dịch, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau dịch theo tinh thần tại văn bản số 5596/NHNN-VP ngày 04/8/2020; Đơn giản hóa quy trình thủ tục nội bộ, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận các chính sách hỗ trợ và vay mới nhưng không hạ chuẩn, không nới lỏng điều kiện tín dụng, đảm bảo chất lượng an toàn tín dụng, duy trì hoạt động lành mạnh của hệ thống ngân hàng; Tiếp tục tập trung tín dụng ưu tiên vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, BOT, BT giao thông…; tăng cường quản lý rủi ro đối với tín dụng tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống.
Theo nhận định của một số chuyên gia kinh tế, với tình hình kiểm soát dịch bệnh như hiện nay, cùng với việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương và ngành Ngân hàng, dự kiến các tháng cuối năm 2020, diễn biến tăng trưởng sẽ tiếp tục xu hướng tăng. Ở phương án thận trọng, con số TTTD đạt khoảng 8% và ở phương án lạc quan hơn, con số đó sẽ có thể đạt khoảng 10%.
Nhờ có các giải pháp kịp thời và hiệu quả của ngành Ngân hàng, sau 2 tháng đầu năm tín dụng tăng chậm (đến cuối tháng 1 tăng 0,01%, cuối tháng 2 tăng 0,2%), từ tháng 3 tín dụng đã có xu hướng tăng trở lại. 6 tháng đầu năm đạt 3,65% và chỉ trong vòng hơn 2 tháng, tính đến ngày 16/9/2020 TTTD đã bật tăng lên 4,81%. Mặc dù con số này còn khá khiêm tốn so với kế hoạch TTTD năm 2020 là 14% (dựa trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế là 6,8% và lạm phát dưới 4% được Quốc hội và Chính phủ đặt ra từ đầu năm).
Tuy nhiên, nếu xét trên bình diện chung của nền kinh tế trong nước và thế giới, khi đại dịch vẫn còn là cú sốc lớn gây thiệt hại nặng nề, thì con số tăng trưởng vượt trội bước đầu nói trên, có thể xem là điểm sáng đáng mừng trong nỗ lực của ngành Ngân hàng đối với nền kinh tế.
Theo Nguyên Anh/Thời báo Ngân hàng