Kỳ vọng này đặt ra khi Việt Nam tiếp tục kiểm soát tốt Covid-19, đi cùng với triển vọng hồi phục tốt hơn và nhanh hơn của doanh nghiệp.
Đã hơn ba tháng trôi qua kể từ khi công bố dự thảo, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 01 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Kiểm soát tốt Covid-19, doanh nghiệp phục hồi hoạt động nhanh hơn, nhu cầu và quy nợ phải cơ cấu được giảm thiểu (Ảnh minh họa).
Đã chuẩn bị từ làn sóng thứ nhất
Đại dịch này diễn biến phức tạp và khó lường, đặc biệt sau khi quay lại tại Đà Nẵng rồi lan ra các địa phương cuối tháng 7 vừa qua, đã tiếp tục tác động tiêu cực đến tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.
Trước đó, trên cơ sở tổng hợp, nghiên cứu đề xuất của các tổ chức tín dụng (TCTD) cùng đề xuất của các doanh nghiệp sau loạt cuộc đối thoại, cuối tháng 5/2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định xây dựng và công bố dự thảo thông tư sửa đổi Thông tư 01 nói trên.
Một trong những thay đổi đáng chú ý nhất tại dự thảo là NHNN cho phép TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ đủ tiêu chuẩn đối với nợ được giải ngân từ ngày 23/1/2020 đến trước ngày 25/4/2020. Trước đó, Thông tư 01 chỉ quy định với các khoản nợ trước ngày 23/01/2020.
Đồng thời, dự thảo thông tư cho phép các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không tính số lần cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định tại Thông tư 01 khi thực hiện phân loại nợ đối với nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ quy định tại Thông tư 01 nhưng khách hàng không trả được nợ theo thời hạn cơ cấu lại.
Đến khi làn sóng Covid-19 thứ hai xảy ra, yêu cầu sửa đổi Thông tư 01 càng trở nên cấp thiết khi theo phản ảnh của nhiều TCTD và doanh nghiệp, phần lớn các khoản giải ngân sau ngày 23/1/2020, đặc biệt là các khoản cho vay ngắn hạn, khách hàng vẫn không có khả năng trả nợ theo kỳ hạn, thời hạn tại hợp đồng, thỏa thuận cho vay.
Theo đó, các khoản nợ trên được phân loại theo quy định dẫn đến tỷ lệ nợ xấu của hệ thống TCTD có thể tăng cao, đột biến trong một vài năm tới, chi phí dự phòng tăng, ảnh hưởng đến chênh lệch thu chi của các TCTD; doanh nghiệp cũng vì thế gặp trở ngại trong khả năng tiếp cận nguồn tín dụng mới để tìm, thúc đẩy hướng phục hồi…
Đại diện NHNN tại các cuộc họp cũng liên tục nhấn mạnh sẽ sửa đổi, bổ sung Thông tư 01 theo hướng kéo dài thời gian hỗ trợ có thể đến hết năm 2020 hoặc lâu hơn nữa tùy theo diễn biến và ảnh hưởng của dịch bệnh.
Thống đốc NHNN cũng đã có chỉ đạo đầu mối chuyên trách khẩn trương ban hành thông tư mới nói trên. Và tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 vừa qua, Thủ tướng cũng đã nhắc nhở về tiến độ của chính sách này.
Cân nhắc nhiều yếu tố trước thực tế khó lường
Thực tế cho thấy, việc NHNN cân đo đong đếm kỹ lưỡng trước khi quyết định đưa ra Thông tư sửa đổi là hoàn toàn hợp lý, vì nhiều lý do.
Trước hết, việc cơ cấu nợ mà không phải chuyển nhóm càng mở rộng quy mô, càng kéo dài thời gian sẽ càng làm “biến dạng” sổ sách của các TCTD và đẩy rủi ro, khó khăn khó lường về tương lai. Đây cũng là một điểm mà Thủ tướng Chính phủ lưu ý tại phiên họp thường kỳ vừa qua.
Càng mở rộng quy mô và kéo dài thời gian, các TCTD có thể sẽ thụ động hơn trong kiểm soát được các khoản nợ xấu, không kịp thời trích lập dự phòng rủi ro, từ đó ảnh hưởng tới chất lượng tài sản, nợ xấu tiềm ẩn và tạo lợi nhuận ảo.
Trong một báo cáo mới công bố, dựa trên kịch bản cơ sở rằng Covid-19 sẽ được kiểm soát vào giữa năm 2021, SSI Research cho rằng, thời gian tái cơ cấu nợ có thể kéo dài hết nửa đầu năm 2021. Do đó, nợ xấu tiềm ẩn sẽ bắt đầu nổi lên mạnh mẽ hơn trong nửa cuối năm 2021 và chi phí dự phòng cho các khoản nợ xấu này sẽ tăng dần cho cả năm 2021 và 2022.
Song song với kịch bản trên, chuyên gia cũng cảnh báo, những thách thức về vốn vẫn tồn tại. Các khoản nợ xấu mới từ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid sẽ đặt ra những thách thức hơn nữa về vốn cho các ngân hàng.
Thứ hai, có thể dự tính NHNN đã và đang cân nhắc kỹ hơn trước một thực tế dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 01 xây dựng và dự kiến ban hành sau khi Việt Nam đã kiểm soát thành công làn sóng thứ nhất của Covid-19. Nhưng, từ 25/7 vừa qua, dịch bệnh này quay trở lại và lan ra nhiều địa phương, ảnh hưởng lại mở rộng và kéo dài. Theo đó, nhà hoạch định cần theo dõi lường tính tính khả thi, sát thực của chính sách khi ban hành để hợp lý hơn.
Có một điểm cụ thể nhất, NHNN xây dựng chính sách này dựa trên báo cáo của các TCTD về thực trạng khách hàng đang và dự báo sẽ gặp khó khăn bởi Covid-19, cũng như từ các cuộc đối thoại trực tiếp với cộng đồng doanh nghiệp tại nhiều tỉnh thành. Những cơ sở này chưa bao gồm diễn biến mới từ làn sóng thứ hai vừa qua.
Và có một thực tế khác, kỳ vọng được đặt ra. Sau khi kiểm soát thành công làn sóng thứ nhất, tiếp tục kiểm soát tốt Covid-19 cho đến nay, nền kinh tế và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có triển vọng hồi phục và giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực. Theo đó, mức độ hỗ trợ của thông tư dự kiến sửa đổi, bổ sung Thông tư 01 kỳ vọng sẽ thu hẹp phạm vi trên thực tế, hay các TCTD trượt bớt kế hoạch phải cơ cấu lại nợ.
Như cập nhật mới đây, tại TP.HCM, ngành ngân hàng đã tiếp nhận 725 trường hợp doanh nghiệp bị ảnh hưởng thiệt hại do dịch bệnh Covid-19; tuy nhiên, có tới 108 trường hợp sau khi xem xét thì chưa có hoặc không còn nhu cầu hỗ trợ.
TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ – Ảnh: BizLIVE
“Trong tình hình đặc biệt thì cần có biện pháp đặc thù”
Về Thông tư 01 và dự thảo sửa đổi, bổ sung nói trên, trao đổi với PV mới đây, TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng cần phải nhìn vào điểm xuất phát của chính sách.
Covid-19 xảy ra, không chỉ Việt Nam mà cả thế giới. Nó tạo nên tình hình đặc biệt và cần có biện pháp đặc thù.
Vị chuyên gia nêu tình huống, gặp một người bị tai nạn trên đường, cần cứu ngay thay vì cứ đề nằm im chảy máu mà ghi nhận hiện trường, xét đúng sai rồi mới cứu.
“Vậy nên, trước mắt là cứu doanh nghiệp đã. Cứu được doanh nghiệp là đảm bảo được ổn định kinh tế. Chúng ta phải hiểu đây không phải là lỗi của doanh nghiệp”, TS. Nguyễn Đức Kiên nói.
Theo ông, Thông tư 01 cũng như thông tư sửa đổi, bổ sung tới đây chính là sự đồng cam chia sẻ rủi ro giữa doanh nghiệp kinh doanh tiền tệ với các doanh nghiệp khác, nhưng trên cơ sở vẫn đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.
“Cũng không thể áp Basel II một cách đầy đủ và hoàn toàn trong tình hình đặc biệt này. Mỹ và nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang phải làm như vậy, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp và cứu nền kinh tế”, TS. Nguyễn Đức Kiên nói.
Theo Trần Thúy/Bizlive