Dịch bệnh là lúc nhiều nhà đầu tư homestay phải trả lại căn hộ đang thuê do không có khách. Nhưng đây cũng chính là cơ hội của không ít người nếu biết cách duy trì qua mùa dịch.
Khi chưa có dịch, mô hình homestay của chị Đào Quý Phương (Đường Thành, Hà Nội) luôn duy trì trong khoảng 20 – 30 phòng. Doanh thu mỗi tháng vào khoảng trên 200 triệu đồng.
Nhưng khi dịch bệnh bùng phát ở Việt Nam, lượng khách nước ngoài bị sụt giảm nghiêm trọng, khách du lịch trong nước cũng giảm mạnh, khiến cho homestay của chị Phương thiệt hại nặng nề.
Do ảnh hưởng của dịch, nên nhu cầu trải nghiệm homestay của người trẻ bị hạn chế.
“Tôi đã phải trả một nửa số căn hộ đang thuê. Một phần do không đủ khả năng thanh toán 3 tháng tiền nhà, hai là các chủ căn hộ này cũng không có hỗ trợ nhiều”, chị Phương nói và cho biết, cũng may do yếu tố bất khả kháng là dịch bệnh nên không bị phạt hợp đồng.
Hiện tại, bà chủ chuỗi homestay này chỉ đang duy trì khoảng trên 10 căn homestay. Theo chị Phương, đây đều là những căn hộ chủ nhà rất tạo điều kiện. Họ giảm 30% tiền nhà và đồng ý cho thanh toán từng tháng một.
Kết hợp với việc cho khách thuê dài hạn, thay vì thuê ngắn hạn như trước đây. Các homestay của chị Phương vẫn sống tốt trong mùa dịch, thậm chí có một phần lãi để duy trì qua khó khăn.
Nhiều căn hộ chỉ cần trả tiền nhà là đã có thể hưởng trang trí cơ bản
Theo đó, chị Phương chia sẻ, doanh thu mỗi tháng hiện nay chỉ khoảng trên 50 triệu đồng. Nhưng do khách đã ở dài hạn nên họ tự dọn dẹp, chị không phải thuê lao công và cũng không mất tiền thuê người tư vấn như khi cho thuê ngắn hạn. Số tiền hơn 15 triệu đồng/tháng còn lại là tiền lãi.
Cũng kinh doanh homestay như chị Phương, anh Nguyễn Ngọc Huy (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng phải chuyển sang mô hình thuê dài hạn để “sống sót” qua mùa dịch. Tuy nhiên, may mắn hơn chị Phương, anh Huy lại tìm được nhà đầu tư để cùng phát triển thêm ngay trong lúc khó khăn.
Theo đó, anh Huy chia sẻ, một vài người bạn cùng ý tưởng đã góp vốn với vào hệ thống để tăng số lượng phòng. Đầu tư giữa mùa dịch, bởi cả nhóm chúng tôi đều nhận thấy, thời điểm hiện tại đang là đáy của loại hình kinh doanh homestay.
Chuyển sang cho thuê dài hạn đang là “chiếc phao” vượt dịch
“Nếu nhanh nhạy gom lại được những căn hộ của các mô hình đã phá sản khác và duy trì bằng cách cho thuê dài hạn. Thì sau mùa dịch, chúng tôi sẽ có một lượng phòng rất khá”, anh Huy nói và cho biết thêm, hiện nay, nhiều mô hình homestay được đầu tư rất nhiều, lên tới 300 triệu đồng/phòng, nhưng mua lại chỉ khoảng 50 triệu đồng. Thậm chí, nhiều căn chỉ cần trả tiền thuê nhà đã có thể hưởng trang trí cơ bản của chủ trước.
Hơn nữa, theo chủ chuỗi homestay này, nhiều chủ nhà cũng sẽ hỗ trợ khách thuê giữa mùa dịch bằng cách giảm 30-50% giá nhà. Do đó, đầu tư thêm 1 chút đồ đạc cơ bản đã có thể cho khách thuê dài hạn.
Nhiều homestay được đầu tư khủng nhưng hiện đang rao bán lại với giá chỉ bằng 25% so với chi phí đầu tư ban đầu.
Anh Huy tin rằng, ngay cả khi dịch bệnh, cách làm của anh vẫn đem lại một chút lợi nhuận, thì sau một thời gian nữa, việc phục hồi trở lại là không quá khó khăn. Tuy nhiên, cần phải có các nhà đầu tư tham gia vào với các homestay đang hoạt động, thì mới duy trì được qua mùa dịch bệnh.
Thế Hưng