Một thành phố nhỏ trong thành phố lớn là đề xuất đã được Chính phủ thông qua. Đây chính là dự án chiến lược của TP.HCM và buộc phải có những bước chuyển mình về cơ chế, hành chính, quản lý…
Sự xuất hiện của mô hình thành phố trong thành phố không còn xa lạ với các quốc gia trên thế giới. Minh chứng điển hình là các khu Gangnam, Incheon của Hàn Quốc. Phía Nam sông Hàn từng là vùng đất nông nghiệp trồng bắp cải và lê, rất ít người sinh sống vào thập niên 1960. Sau nhiều năm phát triển, Gangnam được coi là biểu tượng của sự giàu sang, thượng lưu tại Hàn Quốc. Sự thành công của Gangnam cho thấy chiến lược đúng đắn của Hàn Quốc nói chung, Seoul nói riêng trong việc tạo ra kỳ tích thành phố bên sông Hàn.
Còn nhắc tới Incheon, người dân Hàn Quốc vẫn tự hào ca ngợi đây là “thành phố quốc dân” – biểu tượng cho sự phát triển của đất nước. Từ vùng đất cảng nghèo nàn, chịu sự tàn phá nặng nề của chiến tranh, Incheon đã hoàn thành giấc mộng đổi đời, trở thành trung tâm phát triển lĩnh vực logistics, kinh doanh dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng và giải trí của cả vùng Đông Bắc Á.
Hay như Phố Đông của Thượng Hải nhờ sự năng động sáng tạo và quyết tâm của chính quyền, nơi đây từ một vùng đất nghèo và lạc hậu nằm bên con sông Hoàng Phố, Phố Đông trở thành trung tâm tài chính, thương mại, chuyển giao công nghệ, thu hút nhân tài… của khu vực và thế giới.
Từ những cảm hứng đó, câu chuyện về ý tưởng thành lập Thành phố phía Đông đã được TP.HCM ấp ủ nhiều năm. Ý tưởng này được nhiều chuyên gia, nhà khoa học nhận định là mới mẻ mang tính đột phá, đồng thời về chủ trương đã được Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành ủng hộ.
Vậy nếu như chủ trương được thông qua, để hiện thực hóa dự án chiến lược này, TP.HCM thực sự có rất nhiều việc cần phải bàn, đặc biệt là câu chuyện hành lang pháp lý liên quan đến tổ chức chính quyền địa phương, thách thức về thể chế, quản trị, cơ chế chính sách…
Cà phê cuối tuần ghi nhận quan điểm của các chuyên gia: GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, chuyên gia kinh tế, giảng viên trường Chính sách công và Quản lý Fulbright; Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM.
KHẮC KHOẢI TÌM KIẾM MÔ HÌNH PHÙ HỢP VỀ CHÍNH QUYỀN ĐÔ THỊ
GS. Đặng Hùng Võ: Đã lâu rồi, phải đến 15 năm nay, vấn đề quản lý đô thị đang đối mặt với nhiều bất cập, nhất là khi vấn đề phát triển đô thị xanh, thông minh được đặt ra. Từ đó, câu chuyện đổi mới chính quyền đô thị được đặt vào trung tâm trong giải quyết vấn đề chất lượng đô thị hóa.
Các đô thị ở Việt Nam đang phát triển mạnh do nhu cầu đô thị hóa rất cao, nhưng khung pháp luật như chiếc áo cũ quá chật hẹp, làm cho đô thị hóa chậm, kém chất lượng và chi phí cao. Nhiều thành phố lớn đã nhận thức được việc đổi mới chính quyền đô thị là chìa khóa của đô thị hóa.
TP.HCM là một trong hai thành phố lớn nhất Việt Nam, cũng đang khắc khoải trong việc tìm kiếm mô hình phù hợp về chính quyền đô thị. Nhiều cuộc hội thảo, thảo luận đã được mở và hướng tới mô hình thành phố trong thành phố.
Tuy nhiên, chúng ta đều biết khung pháp lý về quản lý đô thị ở nước ta như một tấm áo cũ quá chật hẹp, không đủ chứa đựng những yếu tố mới thực sự cần thiết cho phát triển hiện đại về đô thị xanh và thông minh.
Hiến pháp năm 2013 được xây dựng khá công phu, tốn kém, nhưng vẫn thiếu tầm nhìn dài hạn cho phát triển đô thị hóa theo yêu cầu hiện đại hóa. Nhược điểm chủ yếu của quản lý đô thị theo Hiến pháp và khung pháp luật hiện hành là không phù hợp với yêu cầu đô thị hóa chất lượng cao và hiệu suất cao. Như vậy, cần phải đổi mới tích cực hơn nữa về chính quyền đô thị.
Nhiều thành phố trên thế giới đã sử dụng cách quản lý đô thị như quản lý một doanh nghiệp. Cư dân tại thành phố bầu trực tiếp ra thị trưởng làm nhiệm vụ điều hành giống như giám đốc của doanh nghiệp và họ cũng bầu ra Hội đồng thành phố giống như Hội đồng thành viên của doanh nghiệp.
Thị trưởng chịu trách nhiệm vận hành hoạt động của đô thị như đề án tranh cử chức thị trưởng của mình. Thị trưởng phải báo cáo định kỳ và xin phép quyết định đối với những trường hợp vượt thẩm quyền lên Hội đồng thành phố.
Thành phố nhỏ và vừa có thể chỉ cần một cấp quản lý. Thành phố lớn có thể tổ chức bên trong nhiều thành phố cấp hai. Mối quan hệ giữa thành phố cấp một và thành phố cấp hai được xác định như mối quan hệ công ty mẹ và công ty con, độc lập về tài chính và về hạch toán, nhưng có xác định rõ ràng về mối quan hệ đầu tư tài chính của “mẹ” đối với “con”, cũng như đóng góp tài chính của “con” đối với “mẹ”. Thành phố cấp một chịu trách nhiệm đóng góp với quốc gia theo quy định của pháp luật.
Đề xuất mô hình thành phố (cấp hai) trong thành phố (cấp một) của TP.HCM là phù hợp với kinh nghiệm và thực tiễn quốc tế tốt về quản lý đô thị. Bên cạnh đó, còn nhiều ý tưởng khác nữa để đổi mới cách thức quản lý một thành phố như: Không có Hội đồng nhân dân cấp quận và phường, tiến tới xóa bỏ 2 cấp này khi thành phố cấp hai được vận hành…
Đề xuất mô hình thành phố (cấp hai) trong thành phố (cấp một) của TP.HCM là phù hợp với kinh nghiệm và thực tiễn quốc tế tốt về quản lý đô thị
Đổi mới quản lý đô thị còn rất nhiều việc phải làm. Khó khăn lớn nhất lúc này là cần thay đổi tư duy quản lý đô thị, sau đó là sửa đổi Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015. Khi chưa nới rộng được “chiếc áo” pháp luật hiện hành đã quá chật hẹp thì Quốc hội cần xem xét kỹ vấn đề chính quyền đô thị để ban hành một nghị quyết, cho phép thí điểm tại một số thành phố, kết hợp với yêu cầu đô thị xanh và đô thị thông minh.
Hy vọng lộ trình đổi mới chính quyền đô thị đáp ứng được yêu cầu đô thị hóa tại Việt Nam. Tiết kiệm được chi phí quản lý và cư dân đô thị được thụ hưởng nhiều hơn, tức là đô thị hóa hiệu quả hơn.
PHÂN QUYỀN CHO THÀNH PHỐ PHÍA ĐÔNG NHIỀU HƠN
LS. Trần Đức Phượng: Thành phố phía Đông sẽ là một đơn vị hành chính cấp quận của TP.HCM nên mọi vấn đề hành chính đều áp dụng như quản lý giữa mối quan hệ thành phố và quận hiện nay. Vấn đề ảnh hưởng nhiều nhất là việc người dân giao tiếp, làm việc với cấp quận sẽ xa hơn nhưng với nhiều giải pháp như cấp phường có thể sẽ nhận, trả kết quả hoặc các giao dịch trực tuyến,… thì không còn trở ngại. Mặt khác, việc hoạt động hiệu quả của chính quyền tại Thành phố phía Đông sẽ giúp người dân tiến hành các thủ tục hành chính được nhanh, gọn hơn.
Việc phân cấp, giao thêm quyền cho Thành phố phía Đông được xác định trong các văn bản ban hành riêng nên hoàn toàn không xảy ra việc mâu thuẫn hay xung đột trong hệ thống pháp luật. Thời gian qua, cùng cấp (xã/phường hay quận/huyện) nhưng các quy định cụ thể, quy định có tính chất đặc thù của các vùng như nội đô, ngoài đô thị, vùng miền núi, hải đảo,… đã thực hiện nhiều năm và không có vấn đề xung đột pháp luật nào.
Trong mối quan hệ Thành phố phía Đông và TP.HCM cũng giống các quận, huyện khác. Điều khác là việc phân quyền từ TP.HCM cho Thành phố phía Đông nhiều hơn. Mặt khác, với một diện tích địa bàn lớn và đặc điểm vùng còn nhiều nguồn lực về đất đai thì việc quy hoạch, đưa ra các định hướng không gian, định hướng phát triển cho Thành phố phía Đông sẽ thuận lợi hơn rất nhiều, mang lại hiệu quả hơn.
Có ý kiến cho rằng, nên tạo ra một luật như “Luật Đặc khu” cho Thành phố phía Đông, tuy nhiên, mô hình đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, mà hay gọi là “đặc khu” thì trong dự thảo không được Quốc hội thông qua.
Theo dự thảo này, Luật Đặc khu dư kiến được xây dựng cho ba vùng đặc biệt: Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc với những đặc điểm riêng. Do đó, việc ban hành một văn bản Luật cho Thành phố phía Đông là không cần thiết và cũng không phù hợp vì mô hình và đặc điểm của “đặc khu” khác rất nhiều về: Đặc điểm vị trí, địa lý, hướng phát triển,… Trong khi Thành phố phía Đông có đặc điểm hoàn toàn khác, mục tiêu và định hướng phát triển khác nên việc đưa lên thành Luật và chờ Luật là mất thời gian, phức tạp và đưa ra một khung pháp lý quá lớn.
Tôi cho rằng, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là xây dựng đề án Thành phố phía Đông để đưa ra định hướng, nguồn lực và vấn đề phân quyền mở rộng thêm để phát triển và đảm bảo thực hiện đúng mục tiêu.
Trong vấn đề pháp lý, hệ thống pháp luật phải đồng bộ và thống nhất, do đó mô hình Thành phố phía Đông là đơn vị hành chính quận (tên gọi là thành phố) thì việc ban hành văn bản để vận hành và hoạt động ngay cũng chỉ cần thời gian khoảng 4 – 6 tháng để có thể thực hiện xong về thủ tục nhập ba quận của thành Thành phố phía Đông.
Tuy nhiên, việc xây dựng đề án để làm định hướng là quan trọng nhất, có tính quyết định hiệu quả của mô hình này nên cần phải xem xét đánh giá về nội dung, không thể đưa ra ước lượng theo thời gian.
LƯỜNG TRƯỚC ĐỂ HÓA GIẢI NHỮNG RÀO CẢN, ĐIỂM NGHẼN
TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn: Bất kỳ ý tưởng mới nào ở giai đoạn đầu cũng sẽ hết sức khó khăn. Lường trước để hành động, có phương án giải quyết và dự phòng cho những tình huống có thể xảy ra là điều hết sức cần thiết. Theo đó, sẽ có không ít thách thức và rào cản có thể cản trở việc cụ thể hóa tầm nhìn và mục tiêu của ý tưởng Thành phố phía Đông.
Về phương diện thể chế chính sách: Đây là mô hình chưa có tiền lệ nên thiếu vắng rất nhiều thể chế để có thể cụ thể hóa. Việc học tập mô hình và thể chế các nước là cần thiết nhưng để có thể áp dụng hiệu quả lại là câu chuyện rất khác ở Việt Nam, vì thể chế đó có thể hay nhưng nó không tương thích được với hệ thống thể chế của Việt Nam. Do đó sẽ khó tránh khỏi chuyện “dò đá qua sông”. Ví dụ như một rủi ro rất lớn là tiềm năng xung đột thể chế, đó là sự xung đột giữa cái cũ và cái mới, giữa cái đặc thù và cái thông thường, giữa ngắn hạn với dài hạn,…
Điều quan trọng là cả hệ thống chính quyền, cả Trung ương lẫn chính quyền thành phố phải nỗ lực xắn tay áo vào để cùng giải quyết, bởi, nếu không có sự cam kết đó, các trở ngại sẽ không được xử lý kịp thời, tiến trình thực hiện ý tưởng sẽ bị vỡ kế hoạch hoặc thậm chí phá sản.
Thiết nghĩ, TP.HCM cần đề xuất Bộ Chính trị có Nghị quyết đề ra mục tiêu và phương hướng gắn với tầm nhìn cần đạt được, Quốc hội cũng có thể phải cần ban hành Nghị quyết đặc biệt, và Chính phủ cũng cần hướng dẫn các hành lang pháp lý để giúp thành phố giải quyết các vấn đề nảy sinh.
Về phương diện quản trị công: TP.HCM đang thiếu mô hình quản trị chính quyền đô thị. Quản trị công mới như thế đối với đô thị sáng tạo thông minh không thể áp dụng hệ thống cũ sang hệ thống mới được vì như vậy sẽ không tương thích, cũng chỉ là bình mới rượu cũ. Hiện tại, Việt Nam đã có mô hình thành phố trong tỉnh trực thuộc Trung ương nhưng chưa có mô hình thành phố trong thành phố trực thuộc Trung ương. Hai mô hình này có bản chất khác nhau nên không thể tư duy quản trị theo kiểu truyền thống.
Nói chung, trên phương diện quản trị, cần phải xác lập được mối quan hệ giữa chính quyền thành phố con với thành phố mẹ, thành phố con với các cơ quan Trung ương; định nghĩa thế nào về vai trò của chính quyền, trách nhiệm của các cơ quan dân cử, giả sử như trong trường hợp bỏ HĐND thì ý kiến người dân sẽ được chuyển tải như thế nào, trách nhiệm giải trình trong một tổ chức chính quyền không thông qua HĐND sẽ ra sao; vai trò và sự tham gia của các bên liên quan sẽ được đảm bảo như thế nào…
Về con người: Con người là trung tâm, quyết định sự thành bại của mô hình. Việc vận hành Thành phố phía Đông cần được chuẩn bị ngay từ bây giờ với sự chọn lựa những người có tố chất đáp ứng yêu cầu, tiến hành đào tạo lại, chuẩn bị cho họ đủ năng lực và kỹ năng để làm việc trong môi trường mới. Không thể sử dụng con người với tư duy cũ, cách làm cũ, thói quen cũ, nếp nghĩ cũ để vận hành một đô thị mới.
Nói đến yếu tố con người thì nhà lãnh đạo là vô cùng quan trọng. Nếu có được một thế hệ lãnh đạo có tinh thần doanh nhân công (public entrepreneurship), dám nghĩ dám làm với 3 chữ Q (quyết tâm, quyết liệt và quyết đoán) sẽ là nhân tố quyết định lớn đến sự thành công. Các lãnh đạo từ trung ương đến chính quyền thành phố, lãnh đạo qua các thế hệ kế cận khác nhau phải có sự đồng thuận, cùng nhìn về một hướng, cùng chung một ưu tiên xuyên suốt. Bởi như chúng ta biết việc xây dựng đề án này không thể hoàn tất ngay trong một năm hay một nhiệm kỳ. Do đó, nếu không có sự cam kết nhất quán trong ưu tiên chính sách và nguồn lực thì sẽ không thành công.
Về vấn đề quy hoạch và chiến lược thực thi: Xây dựng một thành phố mới như đề xuất của TP.HCM không đơn thuần chỉ là việc sáp nhập 3 quận để tạo ra không gian địa giới lớn mà còn rất nhiều vấn đề liên quan như: Quy hoạch lại không gian đô thị gắn với một tầm nhìn dài hạn và nhất quán; vấn đề đầu tư cơ sở hạ tầng, cả hạ tầng cứng lẫn hạ tầng mềm; vấn đề thu hút đầu tư vào các ngành kinh tế thâm dụng công nghệ nhưng không thoát ly các lợi thế cạnh tranh của thành phố; vấn đề phát triển xã hội, nâng cao chất lượng dân số và môi trường sống,… Khâu chuẩn bị càng kỹ thì khả năng thành công càng cao, giảm thiểu thất bại.
Xây dựng một thành phố mới như đề xuất của TP.HCM không đơn thuần chỉ là việc sáp nhập 3 quận để tạo ra không gian địa giới lớn mà còn rất nhiều vấn đề liên quan
Về nguồn lực tài chính và những vấn đề liên quan: Một trong những câu hỏi lớn đặt ra là nguồn lực để xây dựng thành phố sẽ được huy động thế nào? Để trả lời câu hỏi này cần một loạt các cơ chế và chính sách, liên quan đến cả việc phân bổ, sử dụng nguồn lực công lẫn huy động nguồn lực tư nhân, sự tham gia của các đối tác nước ngoài. Hiện nay có rất nhiều nút thắt liên quan đến vấn đề huy động và phân bổ nguồn lực công của TP.HCM, chẳng hạn như vấn đề điều tiết ngân sách, vấn đề huy động nguồn tài chính từ đất đai… mà nếu không được giải quyết sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự thành công của mô hình thành phố mới.
Ngoài ra, còn rất nhiều thách thức khác nữa có thể xảy ra trong quá trình biến một ý tưởng đột phá thành một đề án và triển khai, trong đó có cả những rủi ro và nhiều mối lo ngại, chẳng hạn như vấn đề chia sẻ lợi ích phát triển, vai trò của người dân và trách nhiệm của chính quyền…
Tuy nhiên, vượt lên hết, động lực của ý tưởng với sự khơi dậy tinh thần tiên phong dám nghĩ dám làm, dám đột phá của TP.HCM, vốn đã được thắp lên trong những thập niên trước thềm đổi mới và cả những thập niên sau đó, là rất nghiêm túc. TP.HCM có nhiều điều kiện để ý tưởng có thể thành công hơn bất kỳ nơi nào khác ở Việt Nam. Thành phố đột phá cũng chính là đất nước đột phá. Nếu thực hiện được, thành phố mới sẽ đóng góp có ý nghĩa vào tăng trưởng của không chỉ TP.HCM mà còn với cả nước.
Vạn sự khởi đầu nan, TP.HCM có thể có một phố Đông không thua kém phố Đông Thượng Hải và có thể cạnh tranh với các thành phố trong khu vực hay không phụ thuộc vào tầm nhìn, quyết tâm chính trị, sự thống nhất và đồng thuận của các cấp lãnh đạo, vì tầm nhìn phát triển kinh tế Việt Nam tương lai.
KTS. Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch: Với kinh nghiệm làm quy hoạch phố Đông và phố Tây Thượng Hải, tôi đề xuất thành phố tham khảo cơ chế hành chính “Thành phố phó tỉnh”.
Cơ chế này có đặc điểm là cấp hành chính tuy thấp hơn cấp tỉnh thành, nhưng lại cao hơn cấp quận. Nói cho dễ hiểu, thì Chủ tịch UBND Thành phố phía Đông ngang cấp với Phó Chủ tịch UBND TP.HCM. Ở cấp đó, người đứng đầu Thành phố phía Đông mới điều hành được sự phối hợp giữa các giám đốc cấp sở, các chủ tịch UBND quận thành viên, để cùng nhau hợp tác trong việc hình thành, phát triển, và quản lý hiệu quả, cũng như chỉ đạo được các công việc cần sự phối hợp đa ngành cho Thành phố phía Đông.
Đặc biệt, cấp hành chính phó tỉnh sẽ cần phải đi kèm một số ưu đãi về mặt chính sách, được Trung ương ưu tiên rót ngân sách trực tiếp để kích cầu phát triển, và có nhiều quyền quyết định tự chủ đặc biệt hơn, để có thể chủ động thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài cho phát triển, không phụ thuộc nhiều vào ngân sách công.
Nói chung, mô hình hành chính này sẽ có cơ chế đặc thù, như đặc khu, do đó đã từng là một trong những tiền đề quan trọng để Thượng Hải có thể xây dựng được Phố Đông chỉ trong vòng hai thập niên từ một khu đất giải tỏa trắng, cho nên rất đáng để tham khảo cho dự án Thành phố phía Đông của ta.
An An * Thiết kế: Thảo – Quyên