Dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại được cho là cơ hội để nhiều nhà đầu tư săn, mua bất động sản giá rẻ. Tuy nhiên, những lời rao “hạ giá” có cánh có thể trở thành “cú lừa” nếu người mua không tỉnh táo.
Dịch Covid-19 bùng phát trở lại đã khiến thị trường bất động sản Việt Nam một lần nữa điêu đứng, các giao dịch gần như đóng băng. Để thay đổi tình trạng này, nhiều lời rao, quảng cáo như: “Cắt lỗ” căn hộ… vì dịch Covid-19, cần tiền bán gấp, giá rẻ chưa từng có… đã liên tục xuất hiện trên các trang rao vặt, mạng xã hội…
Hầu hết các tin đăng bán bất động sản này đều có một điểm chung là có giá bán rất rẻ, thấp hơn nhiều so với mặt bằng giá ở thời điểm trước đó. Theo các lời rao, nguyên nhân chính của việc “bán rẻ”, “bán gấp vì lỗ”” đều có liên quan đến đại dịch Covid-19. Từ làm ăn thua lỗ, cạn tiền để duy trì kinh doanh mùa dịch… những lý do bán bất động sản này dường như không thể nào hợp lý hơn.
Tuy nhiên, nhiều trường hợp đăng tin giá bán thấp, khi phóng viên gọi đến thì nói giá đó là 50% hoặc 1/3 giá trị của sản phẩm. Như trường hợp liên hệ với số điện thoại trên một trang web quảng cáo bán đất nền tại Gia Lâm chỉ có giá chỉ 109 triệu đồng/nền 100m2, nhưng nhân viên môi giới nói giá đó là 70%; nếu mua thì đặt cọc trước 20 triệu đồng/nền, thời gian bán sẽ thông báo cho người mua.
Nhiều lời rao, quảng cáo “cắt lỗ” căn hộ… vì dịch Covid-19”, “cần tiền bán gấp”, “giá rẻ chưa từng có” liên tục xuất hiện trên các trang rao vặt, mạng xã hội.
Tương tự, tại một website chuyên về bất động sản có rao bán một căn hộ chung cư 90 Nguyễn Tuân (Thanh Xuân, Hà Nội) có diện tích 96,5m2 (3 phòng ngủ) với giá 27,9 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, khi phóng viên liên hệ, hỏi lại thông tin thì chủ số điện thoại theo thông tin đăng tải lại khẳng định, không còn giá trên và tăng lên tới 30 – 34 triệu đồng/m2.
Không chỉ đăng thông tin, hình ảnh mang tính minh họa để câu khách, nhiều môi giới bất động sản khi rao bán sản phẩm trên các trang website rao vặt thường để ở mức giá thấp nhằm thu hút người mua. Khi khách gọi đến thì cho biết đã bán nhằm tạo sự khan hiếm hàng, sau đó thuyết phục khách mua lại của người khác cần bán với giá cao hơn hoặc giới thiệu dự án khác. Nếu thành công với chiêu mua lại của người khác giá cao hơn, môi giới có thể kiếm thêm tiền chênh lệch, ngoài tiền hoa hồng.
Một nhân viên chuyên kinh doanh bất động sản ở Hà Nội cho biết, khi xem tin quảng cáo trên mạng, việc phân biệt người môi giới và chính chủ không khó. Những tin rao bán nhà đất không ghi rõ địa chỉ chắc chắn là của môi giới đăng; có thể đánh số điện thoại của người đăng tin rao bán bất động sản lên Google, nếu kết quả là một loạt thông tin rao bán nhà đất khác thì người bán là môi giới. Nếu chịu khó tìm hiểu sẽ thấy hầu hết thông tin quảng cáo bất động sản đều sai sự thật, từ hình ảnh, đến khoảng cách địa lý, độ rộng của đường,…
Theo chia sẻ của nhân viên này, thời gian gần đây nhiều người mong muốn bán nhà nhanh hơn và xuất hiện một số khách hàng nhờ bán nhà với giá giảm hơn so với những sản phẩm trên thị trường. Tuy nhiên, dù gắn mác “cắt lỗ” nhưng giá chưa thực sự giảm nhiều so với hồi cuối năm 2019.
Còn những tin đăng tải thông tin “cắt lỗ” sâu với mức giảm lên tới hàng trăm triệu thì chắc chắn là chiêu trò câu khách chứ không phải giá bán thực. Hơn nữa, những căn nhà rao bán giá “sốc” thường đang gặp phải những vấn đề như chưa có sổ đỏ, đất dính tranh chấp, quy hoạch…
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn
Tại một buổi họp công bố báo cáo nửa đầu năm 2020, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết, mặc dù giao dịch giảm, lượng quan tâm giảm, thị trường chịu nhiều tác động lớn của đại dịch nhưng giá rao bán vẫn “ổn định”.
Trả lời câu hỏi về tình trạng bán tháo, bắt đáy bất động sản thời điểm này, ông Nguyễn Quốc Anh khẳng định: “Chúng tôi không nhìn thấy xu hướng “bán tháo”, cắt lỗ. Chúng tôi cũng không nghĩ chủ đầu tư sẽ giảm giá ở giai đoạn này”.
Về giá bất động sản, ông Quốc Anh dự báo không chỉ giữ giá trước “cơn bão” Covid-19, bất động sản có khả năng tăng nhẹ.
Nhận định trên được lãnh đạo Batdongsan.com.vn được đưa ra trên cơ sở dữ liệu của chính kênh này kết hợp với sự so sánh thị trường khá tương đồng với Việt Nam trong giai đoàn này là Hồng Kông. Tại thị trường này, trong giai đoạn khủng hoảng giao dịch sụt giảm nhưng phục hồi sau đó 1 – 2 quý sau nhưng giá thì giữ hoặc tăng.
Còn theo ông Trần Minh Hoàng, Phó Tổng thư ký Hội môi giới Bất động sản Việt Nam, hiện tại có hơn 160.000 cá nhân hành nghề môi giới bất động sản, tuy nhiên chỉ có gần 40.000 người có chứng chỉ hành nghề, chưa kể trong số đó có những chứng chỉ đã hết hạn thừa nhận.
Ông Hoàng cũng cho biết theo đánh giá thì hiện nay tin rao bất động sản đến 90% là không chính xác. Đó thường là những thông tin sai vị trí, sai giá cả… Để tìm được một tin chính xác, đúng giá tiền đăng bán và giao nhà đúng thời hạn thật sự rất khó.
Nguyên nhân của việc này, ông Hoàng cho rằng, lỗi là ở người môi giới và một phần ở việc quản lý người môi giới chưa tốt. Ở những nước ngoài, người môi giới bất động sản được kiểm soát rất chặt chẽ. Khi người môi giới đăng tải sản phẩm phải gắn kèm mã số hành nghề, nếu tin không chính xác thì người này phải chịu trách nhiệm.
Giới chuyên gia cũng cảnh báo để tránh rơi vào những chiếc bẫy của các đối tượng “bắt trend mùa dịch”, người mua phải hết sức tỉnh táo tìm hiểu kỹ thông tin, đặc biệt cần so sánh giá bán trước và sau khi xảy ra dịch Covid-19.
Tuệ An