Do tác động của COVID-19, hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, hộ sản xuất và cá nhân bị đình trệ, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu, vận tải, kinh doanh thương mại, dịch vụ… kéo theo nợ xấu của các ngân hàng gia tăng.
Phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại nhà nước lớn chia sẻ với tác giả bài viết về một số kết qủa kinh doanh của ngân hàng sau khi công bố Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh riêng giữa niên độ (cho kỳ hoạt động từ 6 tháng kết thúc ngày 30/6/2020) vào ngày 21/8.
Theo vị Phó tổng giám đốc, trong 6 tháng đầu năm, nợ xấu tăng tại 121/171 chi nhánh kéo theo tổng nợ xấu phát sinh thêm 16.877 tỷ đồng. Điều đáng nói, nợ xấu tập trung chủ yếu tại khu vực Hà Nội và TP.HCM, tập trung chính trong lĩnh vực thương mại dịch vụ (10.021 tỷ đồng, chiếm 45%), lĩnh vực nông lâm, thuỷ hải sản (3.425 tỷ đồng, chiếm 15%), lĩnh vực tiêu dùng (3.134 tỷ đồng, chiếm 14%) và một số lĩnh vực khác như công nghiệp chế biến, xây dựng.
Vị Phó tổng giám đốc cũng cho biết, do tác động tiêu cực của COVID-19, không còn cách nào khác, lãnh đạo ngân hàng đành triển khai biện pháp tiết giảm chi phí hoạt động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay, đồng thời vẫn phải duy trì năng lực tài chính, đảm bảo kế hoạch lợi nhuận được giao theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN.
Theo vị Phó tổng giám đốc, dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2020 sẽ rất khó khăn do tác động của COVID-19. Nền kinh tế ảm đạm khiến nợ xấu cao và không thể cho vay. “Đây là nút thắt lớn, trong khi nếu hạ lãi suất tiền gửi thì sẽ ảnh hưởng đến người gửi tiền. Do đó, không còn cách nào khác, ngân hàng đành phải chủ động điều chỉnh cân đối vốn, giảm mạnh nguồn tiền gửi có kỳ hạn của KBNN, chủ động điều chỉnh giảm lãi suất huy động, duy trì mức lãi suất tương đương các NHTM khác trong nhóm Big4 để đảm bảo cân đối vốn phù hợp”, vị Phó tổng chia sẻ.
Vị Phó tổng cũng khẳng định rằng, hiện doanh nghiệp đang “trong tình trạng ngủ đông” do COVID-19. Việc các ngân hàng muốn chia lửa với các doanh nghiệp cũng khó vì bản chất các ngân hàng cũng đang khó khăn bủa vây. Trong khi đó, có muốn kích cầu cũng khó vì nền kinh tế đang giãn cách do COVID-19. “Cách tốt nhất cho doanh nghiệp lúc này là Chính phủ có giải pháp để nhanh chóng chặn được COVID-19”, vị Phó tổng nói.
Thực tế, đến thời điểm này, hầu hết các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý II với mức lợi nhuận tương đối khả quan so với các nhóm ngành khác. Có tới 2/3 ngân hàng có lợi nhuận tăng trưởng so với cùng kỳ, dù tốc độ tăng trưởng có thể bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và các yếu tố kèm theo. Tuy nhiên, báo cáo nửa đầu năm cũng ghi nhận nợ xấu tăng 2 chữ số so với đầu năm, chủ yếu tại nợ có khả năng mất vốn.
Một loạt ngân hàng có nợ xấu tăng như Kienlongbank, tính đến hết tháng 6, nợ xấu tăng 5,5 lần, tương đương tăng hơn 500% lên 2.249 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu nâng từ 1,02% lên 6,59%. Theo lý giải của ngân hàng này, nợ nhóm 5 có gần 1.900 tỷ đồng các khoản vay của một nhóm khách hàng với tài sản đảm bảo là cổ phiếu Sacombank (mã STB) được phân loại theo quyết định của NHNN. Từ đầu năm, Kienlongbank đã rao bán số cổ phiếu này tới 4 lần nhưng vẫn chưa thành công. Mức giá giao bán gấp đôi giá STB đang giao dịch trên thị trường.
LienVietPostBank có nợ xấu tăng 24% lên 2.506 tỷ đồng. Riêng nợ có khả năng mất vốn tăng 22%, quanh 1.738 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tăng 21 điểm cơ bản lên 1,65%. Một số ngân hàng như Sacombank, Vietcombank hay VIB đều ghi nhận nợ xấu tăng 11 – 29%. Việc nợ xấu tăng là điều tất yếu xảy ra của nền kinh tế cũng như hệ thống tài chính trước dịch bệnh.
Qua theo dõi của tác giả bài viết, không có nhiều ngân hàng giảm tỷ lệ nợ xấu trong nửa đầu năm. Số ít này có VPBank, ngân hàng ghi nhận nợ xấu giảm từ 3,42% xuống 3,18%. Hay như, SeABank báo giảm 4% nợ xấu, xuống 2.190 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu cũng hạ từ 2,3% còn 2,23%.
Áp lực nợ xấu có thể nhìn thấy rõ bằng việc tăng cường xử lý nợ xấu qua làn sóng phát mãi tài sản tại các ngân hàng. Nhìn ở góc độ tích cực thì động thái trên là tín hiệu tốt. Do đó, mới đây hàng loạt ngân hàng, tổ chức tín dụng ồ ạt thanh lý các dự án bất động sản là tài sản đảm bảo để thu hồi nợ xấu.
Rõ ràng tác động của COVID-19 lên toàn bộ hệ thống ngân hàng là rất lớn, buộc các ngân hàng phải tái cơ cấu và tìm phương án để xử lý nợ xấu. Trong điều kiện khó khăn chung, cả nước đang đối mặt với dịch bệnh COVID-19, các ngân hàng không còn cách nào khác là phải thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế trong “trạng thái bình thường mới”.
Có lẽ các tháng cuối năm sẽ là giai đoạn “nước rút” quan trọng để các ngân hàng thực hiện mục tiêu kinh doanh của cả năm. Để giữ vững vị thế và “trở lại đường đua của những người xuất sắc”, việc xử lý nợ xấu có lẽ sẽ là ưu tiên hàng đầu đối với các ngân hàng lúc này.