Chiến lược Biển của Việt Nam ra đời năm 2007 và chúng ta quen dẫn với cụm từ “biển đảo”, “tiến ra biển Đông”,… nhưng khó có thể nhận ra một Chiến lược biển thật rõ ràng và cụ thể cho các đô thị Biển.
Lãnh thổ biển Việt Nam và vùng duyên hải kéo dài của Việt Nam có vai trò rất quan trọng và đã hình thành những khu vực định cư biển nổi tiếng trong lịch sử với các đặc trưng sinh thái riêng biệt như: Hạ Long, Vân Đồn, Đồ Sơn, Bến Thủy, Ba Đồn, Hội An, Cần Giờ…
Trong bối cảnh thế giới tiến mạnh ra biển ở thế kỷ 21 với các chiến lược biển (và đại dương) đầy tham vọng, đặc biệt đối với các “cường quốc biển” như Mỹ, Anh, Canada, Trung Quốc,… thì việc nhận diện một “Việt Nam biển” và vị trí của nó đối với chiến lược phát triển đất nước không phải là quá sớm. Bởi lẽ Việt Nam đang có quá nhiều tiềm năng, cơ hội phát triển kinh tế biển, kinh tế đô thị biển, đô thị đảo.
Hơn nữa, dựa vào biển, tiến ra biển để làm cho đất nước mạnh giàu từ biển không chỉ là ý chí “biển cả” của dân tộc ta từ xưa tới nay, mà còn là mục tiêu chiến lược của Đảng và Chính phủ. Yếu tố biển phải được đưa vào vị trí xứng đáng trong phát triển đô thị đảo thay vì cách nhìn phát triển thuần túy dựa vào phần “đất liền” khiêm tốn trên đảo như vừa qua đã thấy ở một số đảo.
Việt Nam đang có quá nhiều tiềm năng, cơ hội phát triển kinh tế biển, kinh tế đô thị biển, đô thị đảo.
Nhưng thực tế là trong hơn 10 năm trở lại đây, dọc dải đường biển của Việt Nam chỉ thấy nổi bật là những căn biệt thự triệu đô, những khu nghỉ dưỡng sang trọng và đẳng cấp, nằm trên những bờ biển “đẹp nhất hành tinh”,… Tất cả đã kéo theo một trào lưu khai thác đất ven biển một cách ào ạt và lãng phí khi hoàn toàn không xét đến các tiềm năng lâu dài và to lớn khác, không phân vùng phát triển và quy hoạch, không xem xét đến tổ chức đa dạng không gian và chức năng mà ở đó lại là sự cạnh tranh nội địa trực tiếp khi mô hình, các dự án đều giống nhau. Câu hỏi đặt ra là liệu đó có phải là chiến lược Biển để biến một quốc gia như Việt Nam trở thành một cường quốc biển?
Theo giới chuyên gia, đầu tư cho phát triển biển nói chung, kinh tế biển nói riêng đòi hỏi nguồn vốn lớn và đồng bộ nhưng lợi ích đem lại rất lâu dài. Phải chăng vì thế mà làm đô thị biển phải có bản lĩnh quyết đoán và tính toán tổng thể. Bởi nếu chỉ đầu tư hoặc có cái nhìn ngắn hạn đối với phát triển biển và kinh tế biển thì sẽ không bao giờ thành công.
Phát biểu tại Tọa đàm “Tiềm năng bất động sản nghỉ dưỡng ở khu vực kinh tế đặc biệt trong tương lai hậu Covid-19” do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức gần đây, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế đã nhấn mạnh lợi thế lớn nhất của Việt Nam là “mặt tiền” Biển Đông. Khai thác hiệu quả “mặt tiền” Biển Đông quan trọng nhất vẫn là du lịch, nghỉ dưỡng. Điều đó cho thấy, du lịch, nghỉ dưỡng ven biển trong tương lai có triển vọng rất lớn.
PGS. TS. Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam.
PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cũng khẳng định rằng: “Khu vực ven biển luôn được hiểu là bàn đạp để “tiến ra” biển, còn con người rất nhỏ bé khi hiện diện trong không gian biển rộng lớn. Hệ thống quần đảo và đảo của Việt Nam phân bố rộng từ Bắc vào Nam hình thành một thế trận kinh tế – quốc phòng trên biển rất hữu dụng.
Tuy vậy, đến nay, liên kết phát triển vùng giữa vùng ven biển, các hệ thống đảo/cụm đảo và các vùng biển còn rất hạn chế. Do đó, việc đầu tiên cần nghiên cứu, xem xét là tái cơ cấu chuỗi đô thị ven biển, định hướng phát triển chuỗi đô thị đảo và đánh giá tiềm năng xây dựng đô thị trên biển đặt trong khuôn khổ tổ chức lại không gian kinh tế biển”.
Trong quá trình đầu tư và định hướng quy hoạch vùng, có nhiều giải pháp đã đặt ra nhằm tạo nhiều không gian đô thị biển gần gũi với thiên nhiên, đảm bảo môi trường sinh thái sạch và đẹp. Tiêu biểu như các đô thị nghỉ mát Đồ Sơn, Sầm Sơn, Cửa Lò, Cửa Đại, Đồng Hới, Nha Trang, Phan Thiết, Vùng Tàu và Hà Tiên…
Phổ biến nhất là các khu sinh thái ven biển có những bãi cát đẹp, phong cảnh hữu tình và có quỹ đất phát triển, thuận lợi kết nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Nhiều khu du lịch nằm trên đất thuộc xã, huyện có khoảng cách không xa thành phố, nhưng được đầu tư cao cấp. Cùng với đó, một số đô thị như Hải Phòng, Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang, Rạch Giá… và gần đây là Cần Giờ đã có định hướng phát triển nhiều khu du lịch lấn biển.
Du lịch sinh thái phát triển sẽ kéo theo sự phát triển của đô thị ven biển.
Bằng phương pháp nhân tạo, những địa phương này đang đầu tư tạo dựng nên một hệ sinh thái đô thị mới. Khu du lịch sinh thái biển, đảo Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang là một minh chứng rõ nhất về quy hoạch đồng bộ, đầy đủ cơ sở hạ tầng như sân bay, cảng biển và nhiều khu nghỉ sinh thái đặc biệt trên đảo. Tương tự, Khu du lịch Côn Đảo vừa bảo tồn di tích cách mạng, bảo tồn hệ sinh thái hoang sơ, vừa phát huy giá trị khai thác du lịch sinh thái biển, đảo.
Đã từ lâu giới kiến trúc, quy hoạch kỳ vọng, du lịch sinh thái phát triển sẽ kéo theo sự phát triển của đô thị ven biển, đồng thời, diện mạo kiến trúc đô thị biển sẽ tạo dựng đặc trưng của mỗi đô thị, mỗi vùng đất. Mỗi dự án sẽ thu hút sự chiêm ngưỡng của du khách khi nhìn từ biển vào bờ và từ thành phố hướng ra biển.
PGS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhận định: “Hướng biển là xu thế tất yếu trong phát triển mạng lưới đô thị Việt Nam trong quá khứ và tương lai. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển đô thị du lịch biển vẫn chưa chú trọng nội dung sinh thái đô thị trong nghiên cứu và triển khai xây dựng, chưa giải quyết các mối quan hệ giữa khu vực ven biển với các chức năng đô thị khác, mối quan hệ về không gian giữa khách du lịch và dân cư địa phương.
Chính vì vậy, xu thế phát triển đô thị du lịch biển cần theo hướng sinh thái: Chức năng của đô thị phải được hài hòa với tự nhiên, dựa vào tự nhiên và được tự nhiên chấp nhận như là thành phần hữu cơ của tổng thể; đạt được sự cân bằng của hệ sinh thái đô thị giữa dân cư địa phương và của khách du lịch”.
PGS.TS. KTS Nguyễn Quốc Thông, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
Khu đô thị du lịch sinh thái hướng biển tương lai sẽ trở thành những “điểm đến” hấp dẫn, góp phần tạo nên thương hiệu cho ngành du lịch Việt Nam cũng như khai thác được thế mạnh kinh tế biển đảo to lớn của Việt Nam. Mới đây, Khu đô thị sinh thái lấn biển Cần Giờ được Chính phủ phê duyệt được kỳ vọng sẽ là một đô thị biển đúng nghĩa, khởi đầu cho chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế biển đảo.
Xoay quanh những nghi ngại của dự án này, trả lời báo chí, KTS. Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM cho rằng phát triển kinh tế, xã hội của Cần Giờ là chủ trương đúng. So với Hà Nội thì TP.HCM có lợi thế là thành phố có biển nhưng dường như thế mạnh của biển đối với kinh tế, xã hội chưa được khai thác hết. Cần Giờ có vai trò rất quan trọng đối với thành phố nhưng kinh tế chưa phát triển, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. TP.HCM cần phát triển đồng bộ, không thể bỏ quên một địa phương hoặc một lãnh vực nào. Ngoài vai trò với địa phương Cần Giờ, việc phát triển Cần Giờ có thể còn tạo ra động lực tác dụng tích cực đối với kinh tế, xã hội thành phố.
Vị chuyên gia này cũng cho biết thêm, khu dự trữ sinh quyển ngập mặn Cần Giờ là buồng phổi cho thành phố và cả khu vực. Vì vậy việc làm khu đô thị lấn biển Cần Giờ ảnh hưởng đến môi trường như thế nào cần phải được đánh giá tổng hợp, trên nhiều phương diện và phải chính xác, chặt chẽ.
Đa số giới chuyên gia, nhà khoa học cũng đã khẳng định bảo tồn thiên nhiên rừng, biển, đảo là cần thiết cho cả hiện tại và mai sau, nhưng nếu mãi giữ khư khư vẻ đẹp mà không phát triển thì sẽ rất lãng phí. Hơn nữa, không phải cứ nói làm sản phẩm du lịch ở biển, đảo hay trên núi là chặt cây, chặt rừng là phá hoại thiên nhiên, phá hoại tự nhiên. Do đó, cần đặt trong tổng thể lợi ích phát triển để có cái nhìn công tâm về một dự án khi được phê duyệt triển khai.
Nói như PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi: “Đầu tư cho phát triển biển nói chung, kinh tế biển nói riêng đòi hỏi nguồn vốn lớn và đồng bộ nhưng lợi ích đem lại rất lâu dài. Phải chăng vì thế mà làm khai thác tài nguyên biển phải có bản lĩnh quyết đoán và tính mạo hiểm? Nếu chỉ đầu tư hoặc có cái nhìn ngắn hạn đối với phát triển biển và kinh tế biển thì sẽ không bao giờ thành công”.
An An