Đó là thông tin được Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023 diễn ra chiều 4/7.
Ông Chi cho biết, theo Nghị quyết của Quốc hội đã ban hành, Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ triển khai một cách nghiêm túc và hiệu quả chỉ đạo của Quốc hội, sẽ có kế hoạch triển khai thanh tra toàn diện bảo hiểm nhân thọ, trong đó có tập trung vào loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư.
Việc này không phải khi có Nghị quyết của Quốc hội Bộ Tài chính mới làm, mà đây là chức năng và nhiệm vụ. Trong thời gian vừa qua, thông qua giám sát và thông tin phản ánh từ thị trường, từ các cơ quan báo chí, Bộ Tài chính đã triển khai công tác thanh tra.
Ngày 30/6 vừa rồi, Bộ Tài chính đã công bố kết quả thanh tra đối với 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã triển khai hoạt động thông qua liên kết với ngân hàng để kinh doanh bảo hiểm nhân thọ. Có rất nhiều thông tin chi tiết đã được Bộ Tài chính công bố công khai.
“Chúng tôi cũng đang triển khai thông qua quy trình thanh tra, sau một thời gian ngắn nữa sẽ xử lý nghiêm vi phạm của những công ty này và tiếp tục công bố”, Thứ trưởng Chi cho biết.
Kế hoạch của Bộ Tài chính từ đầu năm 2023 sẽ thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp bảo hiểm. Tới hết năm 2023, theo kế hoạch, sẽ tiến hành thanh tra 10 doanh nghiệp bảo hiểm, trong đó có cả doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ và doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ.
Bộ tập trung vào liên kết trong hoạt động kinh doanh giữa các doanh nghiệp này với các tổ chức tín dụng, các ngân hàng thương mại và hướng các nội dung thanh tra theo chỉ đạo của Chính phủ và Nghị quyết của Quốc hội đã thông qua.
Bộ Tài chính đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trong thanh kiểm tra, chỉ đạo kiểm tra, giám sát, để thị trường bảo hiểm hoạt động đúng quy định của pháp luật, bảo đảm quyền lợi chính đáng, hợp pháp của các cá nhân, tổ chức tham gia bảo hiểm cũng như các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm.
“Trong 6 tháng cuối năm, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai xây dựng kế hoạch thanh tra các doanh nghiệp bảo hiểm trong năm 2024”, ông Chi cho biết.
Sau khi chỉ ra sai phạm, Bộ Tài chính đề nghị Tổng giám đốc của 4 Công ty bảo hiểm nhân thọ Prudential, MB Ageas, BIDV Metlife và Sunlife rà soát, tăng cường quản lý việc bán sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng. Doanh nghiệp bảo hiểm kiểm soát tình trạng hủy hợp đồng bảo hiểm, nhằm đảm bảo quyền lợi của người mua bảo hiểm, an toàn tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm.
“Doanh nghiệp cần có quy trình, quy chế ngăn ngừa, phát hiện sớm vi phạm của đại lý bảo hiểm. Các quy trình, quy chế phải phân cấp, ủy quyền rõ ràng, minh bạch về nhiệm vụ, quyền hạn của từng cá nhân, bộ phận. Khi tiếp nhận, xử lý thông tin, kiến nghị, phản ánh của khách hàng tham gia bảo hiểm, nếu phát hiện vi phạm có dấu hiệu tội phạm, doanh nghiệp chuyển hồ sơ, tài liệu đến cơ quan điều tra hoặc viện kiểm sát nhân dân có thẩm quyền để xử lý”, Bộ Tài chính yêu cầu.
Trao đổi với PV Tiền Phong, Luật sư Nguyễn Thành Trung (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, vi phạm của đại lý bảo hiểm như trong thông báo kết luận thanh tra của Bộ Tài chính vi phạm khoản 3 Điều 22, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022. Trường hợp DNBH cố ý không thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm có quyền hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm, yêu cầu hoàn lại phí bảo hiểm đã đóng. DNBH phải bồi thường thiệt hại phát sinh cho bên mua bảo hiểm (nếu có).
“Người bán bảo hiểm, chuyên viên tư vấn bán bảo hiểm luôn phải chạy theo doanh số cùng với việc thưởng tiền dựa trên số hợp đồng ký kết thành công với khách hàng. Phải chăng vì khoản thưởng béo bở, với mong muốn thu lợi bất chính, đại lý bảo hiểm có dấu hiệu lừa dối khách hàng. Chúng ta không hình sự hoá quan hệ kinh tế, dân sự nhưng doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm, bồi thường cho khách hàng”, Luật sư Trung nhấn mạnh.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, sau khi có kết luận thanh tra của Bộ Tài chính, cơ quan chức năng phải xử lý theo mức độ vi phạm. “Cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm minh vi phạm. Tùy theo mức độ vi phạm, cơ quan chức năng áp dụng khung hình phạt để xử lý cụ thể, cảnh tỉnh, răn đe đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp sai phạm. Từ đó, giúp bảo vệ quyền lợi cho khách hàng mua bảo hiểm, lấy lại niềm tin của họ với thị trường bảo hiểm”, ông Long nói.
Ông Long cũng kiến nghị, thời gian tới, để không xảy ra tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”, cơ quan nhà nước cần giám sát, theo dõi hoạt động của DNBH nhằm sớm phát hiện hành vi sai phạm và ngăn chặn. “Thời gian tới, Bộ Tài chính cần đôn đốc, sát sao hơn trong việc giảm sát bảo hiểm”, ông Long nói.
Tổng Hợp
(ĐTCK, Tiền Phong)