Một khi nhu cầu ở quá lớn, dù giá cả leo thang nhưng nhiều đối tượng mong muốn có nhà để ở thì họ vẫn tìm mọi cách để có nhà. Khi không tìm được sản phẩm giá rẻ, trong khi nhu cầu nhà ở rất cần, thì họ vẫn phải chấp nhận mua giá cao, và BĐS cứ thế thiết lập mặt bằng giá mới.
Dự báo về giá căn hộ Tp.HCM trong thời gian tới, bà Trang Bùi, Giám đốc bộ phận thị trường JLL Việt Nam khẳng định, giá căn hộ Tp.HCM sẽ vẫn tiếp tục đà tăng trưởng trong thời gian tới. Lý do, các quỹ đất để phát triển dự án gần trung tâm Tp.HCM không còn nhiều. Thị trường đi qua giai đoạn sàng lọc, các CĐT không ồ ạt ra sản phẩm mà các sản phẩm ra được thị trường tập trung vào chất lượng, dịch vụ, quản lý.
“Theo đó, 6 tháng đầu năm 2021 giá căn hộ Tp.HCM nói chung, căn hộ cao cấp nói chung sẽ tiếp tục tăng, nhất là các dự án đang được trông chờ như khu vực Thủ Thiêm, hoặc khu vực hướng về phía Đông của TP do quỹ đất ở vị trí tốt thuận lợi không còn nhiều để NĐT lựa chọn”, bà Trang Bùi khẳng định.
Đâu là nguyên nhân?
Bên cạnh đó, tiến trình phát triển đô thị và đô thị hóa tại Tp.HCM đang theo diễn biến tăng trưởng nhanh hơn, bền vững hơn với những lực gia tốc mới như việc thành lập thành phố Thủ Đức thuộc Tp.HCM. Thời gian qua, giá BĐS tại khu vực này đã tăng mạnh do những thông tin đến từ việc thành lập Tp.Thủ Đức. Theo dự báo, giá BĐS khu vực này còn tiếp tục tăng trưởng khi các thông tin về Tp.Thủ Đức càng rõ nét. Bên cạnh đó, các khu vực giáp ranh “ăn theo” cũng sẽ có xu hướng tăng giá BĐS trong các năm tới nhờ thông tin này. Ngoài ra, việc chuyển đổi 4/5 huyện thành quận trong 10 năm tới; trong đó, huyện Cần Giờ dự kiến sẽ trở thành đô thị biển, đô thị sinh thái, đô thị môi trường cũng sẽ là tác nhân khiến giá BĐS dự báo trên đà tăng.
Tuy vậy, theo các chuyên gia, nếu cứ đà tăng giá thì sẽ để lại những hệ lụy cho thị trường BĐS, trong đó ước mơ an cư của người có thu nhập trung bình ngày càng trở nên xa với. Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, thời gian qua, với sự phát triển của TP.Thủ Đức, sân bay Long Thành… đã tạo ra nhiều điểm nhấn, có thêm nhiều dự án cho thị trường BĐS. Tuy nhiên, phân khúc nhà ở dành cho người thu nhập thấp để đáp ứng được mục tiêu có nhà ở vẫn còn thiếu rất nhiều.
Theo GS. TS Đặng Hùng Võ, việc nguồn cung nhà ở trong năm 2020 khan hiếm, và sẽ tiếp tục khan hiếm trong các năm tới, cộng thêm việc đầu cơ của các nhà đầu tư sẽ khiến giá nhà ở trong 3 năm tới sẽ còn tăng rất cao.
Vị chuyên gia này cho rằng, trong thời gian diễn ra dịch bệnh Covid-19, các ngành BĐS đều bị tác động khiến giá nhà tăng cao, có nơi tăng đến 30%. Bên cạnh đó, việc giá nhà tăng cao cũng do việc phê duyệt dự án gần như bị “đóng băng”. Năm 2019 – 2020, phê duyệt dự án chỉ bằng 10% các năm trước. “Nguồn cung bị giảm trong năm 2020 thì 3 năm sau, hàng hóa bất động sản sẽ rơi vào khan hiếm, cộng thêm việc đầu cơ, điều này sẽ khiến giá nhà tăng rất cao trong 3 năm tới”, ông Võ nói.
Mất cân đối cung – cầu, cung thấp nhưng cầu lại luôn ở mức cao. Những người làm BĐS hiểu rõ câu chuyện trên, họ biết rõ hiện tại và tương lai ra sao nên không có chuyện giảm giá nhà đất.
Còn nguyên nhân chính gây lệch pha cung – cầu vẫn là cơ chế pháp luật hiện đang chồng chéo nhau, chưa thể tháo gỡ trong ngày một ngày hai. Mặt khác, việc thực thi các Nghị định mới, điều luật sửa đổi cũng còn nhiều bất cập.
Một nguyên nhân khác là bảng giá đất hiện tại ở các địa phương vẫn thấp hơn 30 – 40% giá thị trường. Việc chênh lệch về giá đất mà các địa phương đưa ra luôn thấp hơn giá thị trường là một trong những nguyên nhân gây bất ổn.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cũng chỉ ra, trong Covid-19, đúng là thị trường chịu ảnh hưởng mạnh, nhưng cũng cần nhìn nhận khách quan rằng một số doanh nghiệp bất động sản nhỏ chịu ảnh hưởng lớn, còn một số khác không ảnh hưởng. Thế nhưng, giá BĐS vẫn tăng, nguyên nhân ngoài lệch pha cung – cầu, thì còn đến từ nhu cầu quá cấp thiết của các gia đình trẻ.
Theo số liệu mà DKRA thu thập được, tính từ đầu năm đến tháng 11/2020, nguồn cung căn hộ ở TP.HCM chỉ đạt 15.000 căn. Trong khi đó, nếu xét trong giai đoạn 2017 – 2018, nguồn cung tung ra thị trường đã vào khoảng 50.000 căn, hoặc năm ngoái cũng là 25.000 căn. Điều này cho thấy sự đứt gãy về nguồn cung là nguyên nhân chính gây tăng giá.
Giá nhà ở tăng còn do truyền thống đầu tư của người Việt Nam. Người Việt quan niệm rằng đầu tư nhà đất là truyền thống, là kênh đầu tư an toàn. Khi kinh tế biến động, nếu đầu tư cái khác chưa chắc an toàn, đây là lý do tại sao vàng đột biến, BĐS đột biến.