Những màn rót vốn của Shark Thuỷ tại Shark Tank đang được netizen quan tâm trở lại.
Soya Garden
Năm 2017, CEO Soya Garden Hoàng Anh Tuấn (SN 1988) xuất hiện tại Shark Tank Việt Nam. Startup này được Shark Thủy đầu tư 4 tỷ đồng cho 45% cổ phần và 11 tỷ đồng dưới dạng trái phiếu doanh nghiệp với lộ trình hoàn vốn 3 năm.
Tháng 3/2018, Soya Garden tăng vốn điều lệ từ 30 triệu đồng lên 20 tỷ đồng. Trong đó 82% cổ phần thuộc về CTCP Tập đoàn Ozen (là công ty của Shark Thủy), còn lại của chị em Hoàng Anh Tuấn – 2 nhà đồng sáng lập.
Tháng 3/2019, vốn điều lệ của Soya Garden tăng gấp 5 lên 100 tỷ đồng, nguồn vốn này phần lớn đến từ tập đoàn Egroup của Shark Thủy. Soya Garden nhanh chóng mở rộng quy mô lên mức 50 cửa hàng tại nhiều tỉnh – thành phố lớn trên cả nước.
Tuy nhiên đến tháng 7/2021, hệ thống này chỉ còn 10 điểm (giảm 80%), trong đó tại TP.HCM đã đóng toàn bộ và tại Hà Nội còn 6 cửa hàng.
Và đến hiện tại (tháng 1/2022), theo thông tin trên website con số chỉ còn vỏn vẹn 4 cửa hàng tại Hà Nội, giảm 92% so với thời điểm có quy mô cao nhất.
Hiện tại ông Hoàng Anh Tuấn không còn là người đại diện pháp luật và CEO của Soya Garden theo đăng ký kinh doanh.
We Escape
Năm 2015, We Escape – trò chơi nhập vai thực tế thoát khỏi phòng kín được ra đời. Năm 2018, startup này được biết đến nhiều hơn khi CEO Nhân Vương gọi vốn thành công 5 tỷ đồng đổi lấy 36% cổ phần từ Shark Thủy tại Shark Tank. Sau đó Shark Thủy đã thực rót vào We Escape gấp 6 lần con số cam kết, tức là 30 tỷ đồng.
Với sự hỗ trợ này We Escape trở thành một dự án giải trí trong hệ thống Egroup. Đến năm 2021, startup này có đến 8 cơ sở, chính thức thành hệ thống Escape Game lớn nhất Việt Nam.
Tuy nhiên ngay trong những ngày đầu năm 2022, trên fanpage We Escape đã đăng tâm thư của CEO Nhân Vương, thông báo đóng cửa toàn bộ hệ thống do Covid-19. Ngoài ra CEO Nhân Vương cũng cho biết sau hơn 2 năm gồng gánh, We Escape đã làm hết những gì có thể, sản phẩm mới nào phải thử cũng đã thử, nhưng kết quả không được như mong muốn.
công ty của Shark Thuỷ bị tố nợ tiền thuê mặt bằng từ tháng 6/2021
CTCP Thương mại Dịch vụ Tổng hợp Hai Bà Trưng (gọi tắt là công ty Hai Bà Trưng) là chủ đầu tư và trực tiếp quản lý vận hành Toà nhà thương mại và văn phòng cho thuê – CDC Building tại số 25-27 Lê Đại Hành vừa có đơn trình báo Công an phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội về việc đối tác chậm nghĩa vụ thanh toán.
Cụ thể, theo đơn trình báo, CTCP Anh ngữ Apax (Apax English) là khách thuê tại Toà nhà CDC Building từ năm 2016 với tổng diện tích thuê là 655m2 tại khu A,B tầng 6 và khu C tầng 7. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, Apax nhiều lần chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán nhưng theo chia sẻ của công ty Hai Bà Trưng, công ty vẫn tạo điều kiện hỗ trợ cho khách thuê diện tích lớn của toà nhà.
ngày 28/12/2021, Apax English đã gửi cho công ty Hai Bà Trưng Công văn đề nghị chấm dứt Hợp đồng cho thuê văn phòng tại toà nhà CDC từ ngày 1/1/2022. Công ty Hai Bà Trưng cho biết đã tạo điều kiện đồng ý cho Apax chấm dứt Hợp đồng trước hạn theo thời gian đề xuất, sớm hơn 60 ngày theo quy định của hợp đồng, đồng thời yêu cầu Apax hoàn thành toàn bộ các nghĩa vụ của Hợp đồng để hai bên tiến hành thanh lý hợp đồng.
“Đến thời điểm này, Apax vẫn chưa thực hiện các trách nhiệm theo quy định của Hợp đồng, bao gồm nghĩa vụ thanh toán công nợ tạm tính đến hết ngày 31/12/2021 là 2.379.321.617 đồng, quá hạn từ tháng 6/2021. Việc này gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của công ty chúng tôi trong thời điểm dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp. Việc Apax chưa hoàn trả mặt bằng đưa công ty chúng tôi vào tình thế bị động khi triển khai tìm khách thuê mới”, đơn trình báo của công ty Hai Bà Trưng nêu rõ.
Công ty Hai Bà Trưng cho biết đã nhiều lần gửi văn bản đến ông Nguyễn Ngọc Thuỷ (Shark Thuỷ) – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Anh ngữ Apax nhưng chưa nhận được hồi đáp. Một đại diện của Apax English cho biết do phía đối tác ban đầu đồng ý giảm 30% phí thuê mặt bằng, nhưng ở thời điểm hiện tại công ty không “gồng” được nữa nên trả lại mặt bằng tại CDC Lê Đại Thành, tuy nhiên khi Apax trả mặt bằng trước hạn thì công ty Hai Bà Trưng không giảm phí nữa. Tính đến thời điểm hiện tại Apax có 132 cơ sở trên cả nước, trong giai đoạn Covid vừa qua 2 năm hệ thống này không mở cửa dạy học offline, tuy nhiên công ty vẫn cố gắng giữ mặt bằng vì các mặt bằng này đa phần ở các vị trí đắc địa, diện tích rộng và tiền thuê đắt. Phía Apax English đã gửi đề nghị đến CDC Lê Đại Hành xin giãn nợ thêm 6 tháng và chia đều khoản tiền nợ để trả hàng tháng nhưng không nhận được sự hợp tác từ phía đối tác.
Tổng Hợp