VNG vừa công bố báo cáo thường niên 2020, qua đó tiết lộ kết quả kinh doanh của các công ty con, công ty liên kết. Đáng chú ý, CTCP Zion, đơn vị vận hành ví điện tử ZaloPay lỗ 667 tỷ đồng, cao hơn 77% so với năm 2019. Số này có thể được dự báo được thông qua báo cáo tài chính 2020 của VNG đã công bố trước đó. VNG sở hữu gần 60% cổ phần Zion.
Hiện tại Momo và ZaloPay là 2 ví điện tử đang mạnh tay chi tiền nhất để thu hút người dùng mà không ngại lỗ lớn. Năm 2019, mức lỗ của Momo lên đến 854 tỷ đồng, hiện chúng tôi chưa có số liệu 2020 của đơn vị này. Bản thân nền tảng OTT Zalo có 62 triệu người dùng hàng tháng, trở thành phương tiện dịch vụ công của 55 trên 63 tỉnh thành. Trên thực tế, cuộc đua giữa các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam vẫn đang hết sức khốc liệt. Nhưng năm đại dịch lại là động lực quan trọng thúc đẩy mua bán trực tuyến phát triển mạnh hơn nữa.
Theo VNG, số lượng người dùng hoạt động hàng tháng của ZaloPay gấp 4 lần cùng kỳ năm trước. Số người gửi tiền ZaloPay trong Zalo chat hàng tháng tăng 10 lần trong 6 tháng cuối năm 2020. ZaloPay đã hợp tác cùng các đối tác chiến lược như Lazada, Baemin, Tiki, Sendo, Circle K, Big C ở nhiều mảng khác nhau (thương mại điện tử, mua sắm, sức khoẻ, làm đẹp…). Trong năm 2020, ví điện tử hợp tác cùng 269 đối tác mới, trong số đó có Google Play, GS 25, Sendo, Be.
Cuộc đua thua lỗ của ví điện tử
Không giống như Trung Quốc, thị trường ví điện tử gần như được định hình sẵn cho ông lớn WeChat và Alipay, thị trường ví điện tử của Việt Nam còn phân mảnh, người dùng sử dụng ví khi nào có nhiều khuyến mại cho họ hơn là sử dụng như một sản phẩm thay thế tiền mặt thông thường. Do đó, cuộc chiến đốt tiền để giành thị phần của các ví điện tử dường như không có hồi kết. Hiện nay đa phần các ví điện tử đều gắn với hệ sinh thái của những người khổng lồ. Ví dụ ZaloPay kết nối với hệ sinh thái Zalo của VNG, Airpay kết nối với hệ sinh thái Shopee và NOW, Moca nằm trong hệ sinh thái của Grab, chỉ có MoMo và Payoo là đơn thương độc mã.
MoMo mới đây công bố đã chạm mốc 20 triệu người dùng vào tháng 9/2020. Ví điện tử này chỉ cần 1 năm để có thể đạt được con số khách hàng mà họ đã phải “cày cuốc” trong cả thập kỷ vừa qua. MoMo bứt phá thần tốc sau khi nhận được khoản đầu tư của Warburg Pincus vào đầu năm 2019. Con số rót vốn không được tiết lộ nhưng đây là khoản đầu tư lớn nhất trong lĩnh vực fintech tại Việt Nam.
Trong 4 năm từ 2016-2019, tốc độ tăng trưởng doanh thu của MoMo là 100%/năm, tức là năm sau doanh thu gấp đôi năm trước. Số liệu của chúng tôi có được, năm 2019 doanh thu của MoMo đạt hơn 4.233 tỷ đồng, gần gấp đôi năm 2018 là 2.368 tỷ đồng, năm 2017 đạt 1.434 tỷ đồng và năm 2016 chỉ đạt 889 tỷ đồng. Nhưng cái giá phải trả cho ngôi vương của MoMo là không nhỏ. Mặc dù dẫn đầu doanh thu, nhưng MoMo cũng là quán quân lỗ mới mức lợi nhuận sau thuế năm 2019 âm 854 tỷ đồng, gấp đôi số lỗ 2018. Lỗ luỹ kế của MoMo tại thời điểm cuối năm 2019 là 1.860 tỷ.
Nhật Hạ