Kim loại quý thế giới không giảm mạnh như nhiều dự báo trước đó, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản lần thứ 3 liên tiếp hôm 22/9 vừa rồi. Yếu tố nào cản đà giảm của vàng?
Giá vàng thậm chí có thời điểm tăng trong bối cảnh tình hình địa chính trị thế giới trở nên căng thẳng. Nga đã điều động thêm quân số, tăng cường phương tiện chiến đấu cho quân đội. Từ đó, giới đầu tư tài chính tăng nhu cầu trú ẩn vốn vào vàng vì lo ngại rủi ro có thể đến từ xung đột giữa Nga – Ukraine. Giá vàng thế giới có lúc tăng thêm 30 USD/ounce, từ 1.655 USD vọt lên 1.685 USD/ounce lúc 21 giờ ngày 22/9 (giờ Việt Nam).
Dù vậy, giá vàng quốc tế giằng co giữa lo ngại về căng thẳng quốc tế chứ không xác lập đà tăng. Đó là chưa kể đến sự vươn lên mạnh mẽ của đồng bạc xanh cùng lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ. Theo đó, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm hiện tăng lên 3,51%/năm. Còn lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm cũng ở vùng cao nhất 15 năm trở lại đây, đạt 4,02%/năm.
Quy đổi theo tỷ giá bán USD tại Vietcombank chưa thuế phí, vàng SJC đang đắt hơn vàng quốc tế 18,6 triệu đồng/lượng. Sau tín hiệu từ Fed, giá USD vẫn neo ở mức cao, sau khi công phá mức đỉnh 20 năm từng thiết lập. Tính đến 6h30 ngày 23/9 (giờ Việt Nam), USD-Index giao dịch trên vùng 111,07 điểm, tăng 19,58% so với một năm trước.
Việc sức mạnh đồng USD tăng cao khiến tỷ giá quy đổi đồng bạc xanh so với hầu hết đồng tiền tệ khác trên thế giới đều tăng. Trong đó, đồng Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng.
Kết thúc 22/9, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.316, tăng 15 đồng so với thời điểm kết phiên hôm qua và cao hơn 44 đồng so với một tuần trước. Nếu so với đầu năm, tỷ giá trung tâm đã tăng hơn 0,7%.
Với biên độ 3%, các nhà băng hiện được phép yết giá đôla ở mức sàn 22.616 đồng và giá trần là 24.015 đồng.
Tỷ giá tăng mạnh cùng với nhịp tăng của USD-Index, sau khi Fed tăng lãi suất.
Tại các Sở giao dịch của NHNN, nhà điều hành vẫn duy trì giá bán ngoại tệ này ở mức 23.700 đồng/USD và bỏ trống cột giá mua.
TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính – ngân hàng độc lập – cho biết, thị trường vàng, tiền tệ, chứng khoán chịu tác động từ việc Fed tăng lãi suất, tác động tới tỷ giá USD/VND. Theo ông Hiếu, khi tỷ giá tăng lên, giá trị hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam sẽ bị tác động. Giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam tính theo VND bị tăng lên do tác động kép của tăng tỷ giá và lạm phát trên thế giới. Bằng chứng là lạm phát nhiều quốc gia tăng cao, tiêu biểu như lạm phát của Mỹ trên 8% so với cùng kỳ 2021.
“Không chỉ tác động tới giá hàng hoá nhập khẩu, việc Fed tăng lãi suất có thể tác động tới thị trường tài chính, làm thị trường chứng khoán Mỹ giảm xuống. Ngày 21/9 (theo giờ Mỹ), chỉ số Dow Jones tăng kiểu đón đầu thông tin. Tuy nhiên, khi Fed tuyên bố tăng lãi suất có thể tác động tiêu cực tới thị trường chứng khoán Mỹ và có thể tác động tương tự tại thị trường chứng khoán Việt Nam, khiến chỉ số VN-Index giảm xuống”, ông Hiếu dự báo.
Ông Hiếu cho rằng, đối với thị trường vàng, khi Fed tăng lãi suất, giá trị đồng USD tăng khiến giá vàng thế giới tiếp tục giảm sâu, đồng thời kéo giá vàng Việt Nam giảm theo, điều này khiến vàng trở thành tài sản đầu tư kém hấp dẫn.
Tổng Hợp