Kết thúc quý 1/2021, Tập đoàn Yeah1 tiếp tục ghi nhận con số lỗ ròng trên 45 tỉ đồng. Đây là nỗi buồn kéo dài của cổ đông tập đoàn này trước thềm đại hội đồng cổ đông thường niên 2021. Nếu như xoá toàn bộ lỗ luỹ kế năm 2020, Công ty còn thặng dư vốn cổ phần 553,62 tỷ đồng.
Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã có quyết định về việc chuyển cổ phiếu YEG từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát từ ngày 12.04.2021 do lợi nhuận sau thuế của Yeah1 năm 2019 và năm 2020 lần lượt ghi nhận âm hơn 385 tỉ đồng và gần 182 tỉ đồng. Đồng thời, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31.12.2020 là âm hơn 219 tỉ đồng.
Thời gian qua, giá cổ phiếu YEG đã có rất nhiều phiên “nằm” sàn. Trong phiên sáng ngày 22.04, cổ phiếu YEG có mức giá là 23.400 đồng/cổ phiếu. Có thể thấy mức giá này giảm đến 49% kể từ đầu năm 2021 và chưa bằng 1/10 mức giá chào sàn hồi năm 2018 là 250.000 đồng/cổ phiếu. Cũng liên quan đến cổ phiếu YEG, mới đây ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn này đã bán thành công 250.000 cổ phiếu từ ngày 05-13.04.2021. Sau giao dịch, ông Tống giảm lượng cổ phiếu YEG đang sở hữu xuống còn hơn 7,7 triệu cổ phiếu tương ứng 24,72% vốn.
Kể từ đó, cổ phiếu YEG dò đáy quanh vùng 20.000 – 23.000 đồng/cp, bốc hơi 94% so với mức đỉnh 345.000 đồng/cp kể từ khi lên sàn.
Các thương vụ thoái vốn gần đây của Yeah1 nằm trong kế hoạch tinh gọn bộ máy quản trị và gia tăng hiệu quả hoạt động khi công ty này đã lỗ hai năm liên tiếp. Ngày 23/6, CTCP Giải trí Rồng, một công ty con của CTCP Yeah1 (Mã: YEG) đã ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại Công ty Yeah1 Network Pte.Ltd cho một doanh nghiệp được thành lập tại Singapore. Bên nhận chuyển nhượng không được tiết lộ. Theo đó, Yeah1 Network Pte.Ltd không còn là công ty con gián tiếp của Yeah1 và 5 công ty khác đang có phần vốn góp của Yeah1 Network Pte.Ltd cũng không còn là công ty con gián tiếp/công ty liên kết của Yeah1.
Hai tháng trước, Yeah1 đã công bố chủ trương chuyển nhượng toàn bộ 510.000 cổ phần tại CTCP Truyền thông ON+ với giá chuyển nhượng bằng giá vốn đầu tư ban đầu là 5,1 tỷ đồng. Vào tháng 5, Yeah1 cũng có kế hoạch chuyển nhượng vốn tại công ty con là CTCP Yeah1 eDigital dưới hình thức chào bán 1,25 triệu cổ phần lần đầu ra công chúng qua đại lý phân phối. Giá chào bán không được công bố. Các động thái thoái vốn liên tiếp của Yeah1 gần đây nằm trong kế hoạch tái cấu trúc của tập đoàn khi doanh nghiệp này đã lỗ liên tiếp hai năm. Lỗ lũy kế đến cuối năm 2020 là 219,3 tỷ đồng. Hồi tháng 4, cổ phiếu YEG đã chuyển từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát, chỉ được giao dịch phiên chiều của ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, tổ chức vào 27/4, Yeah1 sẽ xin ý kiến cổ đông về việc dùng thặng dư vốn cổ phần để xoá lỗ luỹ kế năm 2020. Được biết, tính tới 31/12/2020, doanh nghiệp có thặng dư vốn cổ phần là 772,9 tỷ đồng. Nếu như xoá toàn bộ lỗ luỹ kế năm 2020, Công ty còn thặng dư vốn cổ phần 553,62 tỷ đồng. Đây không phải lần đầu tiên Công ty thực hiện xoá lỗ luỹ kế bằng thặng dư vốn cổ phần. Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2020, Yeah1 đã thông qua việc sử dụng một phần nguồn thặng dư vốn cổ phần để xoá lỗ luỹ kế tới thời điểm 31/12/2019, với mức lỗ luỹ kế 305,4 tỷ đồng.
Cùng với việc thua lỗ nặng, các chỉ số tài chính của Công ty cũng xấu đi. Thời điểm lên niêm yết vào cuối năm 2018, Yeah1 có tổng số tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn lên tới 1.111,2 tỷ đồng, chiếm 56,6% tổng tài sản. Tuy nhiên, tới thời điểm cuối năm 2020, giá trị khoản mục này chỉ còn 59,2 tỷ đồng, chiếm 4,3% tổng tài sản. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh liên tục thâm hụt vốn kéo dài dẫn tới lượng tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn liên tục suy giảm. Được biết, số tiền 1.111,2 tỷ đồng năm 2018 chủ yếu là tiền thu từ phát hành cổ phiếu, nhận vốn góp của chủ sở hữu. Như vậy, doanh nghiệp về cơ bản đã sử dụng gần hết lượng tiền thu được từ đợt tăng vốn để bù đắp thâm hụt dòng tiền hoạt động kinh doanh chính.
Tính tới 31/12/2020, khoản phải thu ngắn hạn là 752,6 tỷ đồng, Công ty phải trích lập tới 293,2 tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý là khoản phải thu Công ty cổ phần World Trading Group 128,8 tỷ đồng, bao gồm trong số dư là khoản ứng trước 70 tỷ đồng để mua lại 25% tỷ lệ sở hữu tại ứng dụng Mega1 đã chuyển nhượng. Như vậy, việc chuyển nhượng Mega1 chủ yếu ghi nhận doanh thu mà chưa ghi nhận dòng tiền về Công ty. Ngoài ra, Yeah1 còn khoản phải thu từ thanh lý công ty con 278,7 tỷ đồng liên quan tới nhượng bán Công ty ScaleLab Pte, Ltd trong năm 2019, đã trích lập 100% dự phòng. Với khoản tồn kho 129,7 tỷ đồng hàng hóa, doanh nghiệp cũng phải trích lập dự phòng giảm giá tới 34,2 tỷ đồng.
Tổng trích lập dự phòng khoản phải thu và tồn kho lên tới 327,4 tỷ đồng, trong khi tài sản chỉ có 1.384,97 tỷ đồng, cho thấy việc quản trị của doanh nghiệp có vấn đề.
Tĩnh Kiên