Yeah1 (YEG) lại “bán con” để thoát lỗ, Thoát án hủy niêm yết, song tương lai của Yeah1 vẫn mịt mờ.
Giữa năm 2018, Yeah1 lên sàn HOSE với tham vọng trở thành doanh nghiệp kỳ lân, vốn hoá chạm mức tỷ USD. Cổ phiếu này từng thu hút sự chú ý của nhà đầu tư khi mới lên sàn với thị giá ngất ngưởng, trên 300.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm niêm yết, tính tới ngày 21/2/2022, thị giá YEG chỉ còn 23.400 đồng/cổ phiếu, tương đương vốn hoá của Công ty hơn 700 tỷ đồng. Đà giảm mạnh của giá cổ phiếu diễn ra cùng với việc đổ bể trong quan hệ với đối tác Youtube và tình trạng đi xuống liên tục của sức khỏe tài chính doanh nghiệp.
Lượng tiền mặt của Công ty liên tục suy giảm từ 1.111 tỷ đồng (năm 2018) về chỉ còn 9 tỷ đồng (năm 2021), tương ứng giảm 1.102 tỷ đồng. Nguyên nhân chính do Công ty kinh doanh thua lỗ kéo dài, dòng tiền kinh doanh liên tục thâm hụt, doanh nghiệp phải dùng quỹ tiền đang sở hữu để bù đắp. Thực tế, 1.111 tỷ đồng tiền mặt này chủ yếu do cổ đông góp vào Công ty trong năm 2018 khi Yeah1 thực hiện phát hành riêng lẻ 3,91 triệu cổ phiếu với giá 300.000 đồng/cổ phiếu.
Thặng dư vốn cổ phần cũng giảm từ 1.132 tỷ đồng (năm 2018) về còn 551 tỷ đồng (năm 2021), tương ứng giảm 581 tỷ đồng, do trong năm 2020 và 2021, Công ty dùng thặng dư vốn cổ phần để xoá lỗ luỹ kế. Việc xóa lỗ lũy kế bằng bằng thặng dư vốn cổ phần, hay thanh lý công ty con giúp Yeah1 đạt được mục tiêu ngắn hạn là không phải rời sàn. Nhưng nếu tình hình kinh doanh chính không sớm được cải thiện, “của để dành” cạn dần, Yeah1 sẽ “vịn” vào đâu để đi tiếp?
Yeah1 vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2021, với doanh thu hợp nhất trong kỳ đạt 247,75 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 328,7 tỷ đồng, đột biến so với số lỗ gần 196,1 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái.
Xét riêng lợi nhuận của hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp trừ đi chi phí tài chính và chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp), trong quý cuối năm 2021, Yeah1 vẫn lỗ 5,11 tỷ đồng. Tuy vậy, nhờ ghi nhận doanh thu tài chính đột biến 360,4 tỷ đồng mà Công ty ghi nhận khoản lãi như trên. Yeah1 cũng có giải trình khoản doanh thu tài chính này đến từ việc thoái vốn tại các công ty con.
Trong quý IV/2021, Yeah1 liên tục công bố thông tin thoái vốn tại công ty con. Cụ thể, ngày 27/12, Công ty thực hiện chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại Công ty Netlink Online Corporation và Công ty TNHH Truyền thông công nghệ Netlink Việt Nam với tổng giá trị chuyển nhượng không thấp hơn 270 tỷ đồng, ghi nhận khoản lãi tài chính 210 tỷ đồng. Ngày 31/12/2021, Yeah1 tiếp tục chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại Công ty cổ phần Yeah1 Edigital với giá trị 298 tỷ đồng, ghi nhận lãi 147 tỷ đồng…
Mới chỉ kỳ kế toán trước đó (quý III/2021), Công ty ghi nhận lỗ của cổ đông công ty mẹ là 258,9 tỷ đồng và tổng lỗ luỹ kế đến thời điểm 30/9/2021 là 246,1 tỷ đồng. Chính nhờ việc bán công ty con mà Yeah1 ghi nhận lợi nhuận sau thuế hợp nhất cả năm 2021 là 281,3 tỷ đồng; trong đó, lợi nhuận cổ đông công ty mẹ quý IV là 275,6 tỷ đồng và lũy kế cả năm là 16,7 tỷ đồng.
Với kết quả này, Yeah1 đã thoát khỏi nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc (nếu lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là số âm trong ba năm liên tục), vì hai năm trước đó, 2019 và 2020 đều thua lỗ. Đáng chú ý, khi xem xét báo cáo lưu chuyển tiền tệ quý IV/2021 của Yeah 1, có thể thấy, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Công ty trong năm qua âm 64,57 tỷ đồng, dòng tiền đầu tư dương 22,5 tỷ đồng và dòng tiền tài chính chỉ dương 10 tỷ đồng. Riêng đối với dòng tiền đầu tư, Công ty ghi nhận tiền thu hồi đầu tư góp vốn vào đơn vị khác là 35,1 tỷ đồng so với cùng kỳ không ghi nhận.
Trong khi đó, tại thời điểm cuối năm 2021, Công ty ghi nhận khoản phải thu ngắn hạn khác là 753,2 tỷ đồng, tăng thêm 575,22 tỷ đồng so với cuối quý III. Công ty thuyết minh, chiếm chủ yếu trong số đó (518,22 tỷ đồng) là khoản phải thu thanh lý công ty con. Như vậy, mặc dù ghi nhận doanh thu tài chính đột biến trong năm 2021 nhưng Yeah1 không xuất hiện dòng tiền và tăng khoản phải thu. Điều này cho thấy Công ty tiếp tục bán chịu công ty con cho đối tác để ghi nhận doanh thu tài chính đột biến.
Thực ra, việc bán công ty con của Yeah1 để tránh biến động báo cáo tài chính không phải là chuyện diễn ra lần đầu. Năm 2019, sau khi YouTube thông báo ngừng thoả thuận lưu trữ nội dung với SpringMe (công ty có trụ sở tại Thái Lan mà Yeah1 nắm 16,5% vốn điều lệ) cùng với các công ty khác thuộc sở hữu của Yeah1 như ScaleLab…, thay vì ghi nhận lỗ vào kỳ báo cáo khi xuất hiện dấu hiệu không chắc chắn về khả năng thu hồi, Yeah1 đã thực hiện chuyển nhượng toàn bộ 100% cổ phần ScaleLab cho Brener Pass Investment Corporation để ghi nhận lãi 8 tỷ đồng và thực hiện trích lập dự phòng 278,3 tỷ đồng khoản phải thu từ thoái vốn công ty con này.
Kể từ thời điểm xảy ra biến cố với YouTube, Yeah1 đã trải qua 3 năm liên tiếp hiệu quả của hoạt động kinh doanh cốt lõi suy giảm, với việc lỗ 385 tỷ đồng trong năm 2019 và lỗ 251 tỷ đồng trong năm 2020 và lỗ 258 tỷ đồng trong năm 2021. Biên lợi nhuận gộp của Công ty từ mức 34% trong năm 2018 đã suy giảm về 4,9% trong năm 2021.
Tổng Hợp