Ngày 14/3/2023, Câu lạc bộ Tài chính Tiêu dùng (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) tổ chức hội nghị công tác thu hồi nợ. Chia sẽ của nhiều Công ty tài chính không dám cho vay mới vì khách hàng “chây ì” trả nợ ngày một nhiều, xuất hiện loạt hội nhóm chia sẻ cách “bùng nợ”
Tại hội nghị, ông Lê Quốc Ninh – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tài chính tiêu dùng cho biết, trong thời gian vừa qua, Bộ Công an đã phối hợp với công an một số tỉnh, thành làm rõ hành vi thu hồi nợ của Công ty luật TNHH Pháp Việt, khởi tố, bắt giữ nhiều đối tượng thu hồi nợ theo kiểu “cưỡng đoạt tài sản”. Cơ quan công an cũng kiểm tra, khám xét Công ty F88 liên quan tới hoạt động cho vay và thu hồi nợ.
Ông Ninh cho rằng, hoạt động đòi nợ trái pháp luật gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội. Việc các đơn vị cầm đồ hoạt động “núp bóng” công ty tài chính cũng khiến dư luận nhầm lẫn, đánh đồng với công ty tài chính tiêu dùng hợp pháp (được Ngân hàng Nhà nước cấp phép). Điều này không chỉ gây ảnh hưởng tới hình ảnh các công ty tài chính tiêu dùng mà sẽ nảy sinh một số nguy cơ tiềm ẩn đến hành vi trả nợ của khách hàng, gây khó khăn cho công tác thu hồi nợ. Thậm chí còn gây tâm lý hoang mang với các nhân sự thực hiện công tác thu hồi nợ của công ty tài chính tiêu dùng.
Đại diện Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (FE Credit) cho biết, trong thời gian gần đây, công tác thu hồi nợ của đơn vị ngày càng bài bản, chặt chẽ, tình trạng khiếu nại liên quan tới việc đòi nợ gần như không còn. FE Credit không chấp nhận hành vi đòi nợ bất hợp pháp. Tuy nhiên, FE Credit cũng đề nghị các cơ quan, ban ngành cần có chế tài với người đi vay, phải thực hiện nghiêm các nghĩa vụ, tuân thủ các quy định trả nợ để hình thành một thói quen “vay văn minh, trả văn minh”. Ngoài ra, không chỉ FE Credit mà các thành viên khác cũng cần xây dựng một bộ quy tắc ứng xử cho nhân viên, nhất là nhân viên đòi nợ, sales…
Đồng quan điểm trên, đại diện Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu điện (PTF) cho biết, gần đây nhiều khách hàng đã không chấp hành nghĩa vụ trả nợ và tỷ lệ khách hàng “chây ì” trả nợ ngày một nhiều. Chính vì thế, 3 tháng qua đơn vị đã tạm thời ngừng cho vay mới mà tập trung vào nhóm khách hàng có điểm tín nhiệm tốt. Điều này sẽ ảnh hưởng tới cơ hội tiếp cận tài chính đối với nhóm khách hàng dưới chuẩn, nhất là người lao động, công nhân ở các khu công nghiệp. Đại diện PTF đề nghị cần truyền thông rộng rãi, chính thống tới người dân về nghĩa vụ trả nợ, những rủi ro khi vay không trả đúng hạn. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong công tác thu hồi nợ để đạt hiệu quả tốt nhất.
Tại hội nghị, các công ty tài chính tiêu dùng cho biết, một số cá nhân lợi dụng mạng xã hội đã tung thông tin không đúng bản chất sự việc khiến cho hình ảnh thu hồi nợ của các công ty tài chính tiêu dùng bị méo mó, xuyên tạc, ảnh hưởng đến ý thức và trách nhiệm trả nợ của người dân. Nghiêm trọng hơn trên mạng xã hội Facebook còn xuất hiện nhiều hội, nhóm được lập ra với mục đích chia sẻ cách vay tiền của công ty tài chính tiêu dùng rồi trốn nợ, bùng nợ.
Đại diện Công ty Tài chính TNHH HD SAISON (HD SAISON) cho rằng để làm tốt công tác truyền thông thì cần có sự đồng thuận giữa các thành viên câu lạc bộ dựa trên đặc thù mỗi đơn vị. Các thành viên cần rà soát lại công tác cho vay, thu hồi nợ để thực hiện đúng quy định của pháp luật. Theo đại diện HD SAISON, các thành viên phải làm tốt mới có thể truyền thông bởi lâu nay các công ty tài chính đang bị xã hội nhìn sai, hiểu chưa đúng và chưa đặt trách nhiệm đối với người đi vay.
Hiện tượng các hội nhóm “bùng” app vay tiền mọc lên tràn lan trên mạng xã hội là một thực trạng đáng buồn của xã hội. Nguy hiểm hơn là đã và đang có rất nhiều người tham gia các hội nhóm này để tìm hiểu, dò hỏi kinh nghiệm “bùng” nợ nhằm chiếm đoạt tài sản của các tổ chức tín dụng. Chỉ cần lên mạng gõ cụm từ “cách bùng tiền qua app” sẽ cho một loạt những hội nhóm kín, mở với hàng chục nghìn thành viên hướng dẫn cách “bùng” tiền vay qua ứng dụng.
Theo đó, trong những hội nhóm này như làm CMND/CCCD giả, nhận “cày” ứng dụng vay tiền online, bán tài khoản Facebook ảo, bán danh bạ giả, nhận gọi điện trấn an người thân… Với CMND giả và danh bạ mới, người vay dễ dàng vay tiền mà không sợ bị ảnh hưởng đến gia đình, người thân.
Cũng từ đó, ngày càng nhiều con nợ có ý định vay tiền qua app rồi “bùng” mà bất chấp những hệ lụy về sau như người thân, bạn bè bị làm phiền, đe dọa. Mặt khác, bên trong các hội nhóm bày cách “bùng” nợ app cũng tiềm ẩn những chiêu trò để lừa bịp người nhẹ dạ. Đã có trường hợp do quá túng quẫn, nghe theo những lời… rồi mất tiền vì trả phí cho “dịch vụ tư vấn bùng app” mà không vay được đồng nào.
Dưới góc độ pháp lý, theo luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn luật sư TP Hà Nội, trong quy định hiện nay có quy định về thời hạn đòi nợ. Đến với nhau bằng quan hệ vay dân sự thì phải có trách nhiệm trả nợ, đây là trách nhiệm vay dân sự của người đi vay, khi đã vay thì phải trả hết.
Mặt khác, chuyên gia luật cũng cho biết, hiện nay, nhiều công ty sẵn sàng rao bán khoản nợ sang công ty thu hồi nợ để được thực hiện hợp pháp theo quy định của pháp luật. Nên khi các app không đòi, chủ nợ có thể bán khoản nợ hoặc khởi kiện để đảm bảo con nợ khi vay sẽ phải trả theo đúng nguyên tắc của pháp luật.
“Mặc dù chưa có văn bản pháp luật điều chỉnh trực tiếp đối với các công ty tài chính, nhưng ở đây có thể điều chỉnh theo nguyên tắc của luật dân sự, các hoạt động vay, cho vay đã thực hiện đúng quy định. Không vay nặng lãi, người vay vẫn phải thực hiện trả đầy đủ. Do đó, tôi cho rằng sẽ rất khó để “bùng” nợ nếu tổ chức tài chính thực hiện hoạt động cho vay đúng quy định”, luật sư Thái nhận định.
Không chỉ đối diện với nguy cơ tiền mất tật mang, những con nợ còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Cụ thể, luật sư Thái đưa ra hai trường hợp. Thứ nhất, nếu ngay từ ban đầu khi đi vay, người vay đã xác định làm giả giấy tờ, cung cấp số điện thoại, thông tin cá nhân sai để app không liên hệ được thì đây được xác định là hành vi “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” được quy định tại BLHS. Thứ hai, nếu đã cung cấp đầy đủ nhưng vẫn bùng, trốn trách nhiệm trả nợ. Con nợ sẽ bị xử lý theo Điều 175, BLHS với tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Nếu CQĐT có đầy đủ căn cứ sẽ bị khởi tố hình sự.
Đặc biệt, những người kích động, xúi giục, chỉ cách lừa đảo, hoặc cung cấp giấy tờ cần thiết cho người thực hiện hành vi lừa đảo nêu trên, có thể bị xử lý hình sự với vai trò đồng phạm.
Từ những phân tích trên, luật sư Thái đánh giá, trường hợp người vay tiền có khả năng, điều kiện để trả nợ nhưng cố tình không trả hoặc bỏ trốn để nhằm mục đích chiếm đoạt khoản tiền đã vay thì có thể bị xử lý theo Điều 175, BLHS về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Trường hợp người đó đi vay nợ nhưng không có ý định vay tiền mà nảy sinh ý định chiếm đoạt khoản tiền này ngay từ ban đầu (trước khi đi vay tiền), hoặc sử dụng các thông tin giả mạo, gian dối để nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì có thể bị xử lý theo Điều 174, BLHS về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Khung hình phạt của 2 tội này cao nhất từ 12 năm lên đến 20 năm tù hoặc tù chung thân.
Để hạn chế việc các hội nhóm “bùng” nợ phát triển tràn lan trên mạng xã hội, chuyên gia luật kiến nghị, các cơ quan chức năng cần tích cực rà soát, xử phạt đối với những cá nhân, tổ chức giữ vai trò quản lý, điều hành các trang page, hội nhóm nêu trên.
Người dân cần thực sự tỉnh táo, không để kẻ gian lợi dụng tâm lý nhẹ dạ cả tin để nhằm lôi kéo tham gia các hoạt động vay nợ thông qua các app bất hợp pháp; Sử dụng dịch vụ “bùng” nợ do các cá nhân trong các hội nhóm này cung cấp. Hãy thực sự cảnh giác với các nhóm, hội lập được lập ra trên mạng xã hội ra vì đằng sau đó có khi lại chính là tín dụng đen.
Tổng Hợp
(Pháp Luật và xã hội, Nhịp Sống Thị Trường)