Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến cuối tháng 2/2023, mặt bằng lãi suất trên thị trường đã ổn định và có xu hướng giảm. Lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới đã giảm khoảng 0,43%/năm (so với cuối năm 2022) và đã có 22 ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay bình quân.
Thực tế, trong thời gian qua, vấn đề lãi suất tăng cao đã gây ra nhiều khó khăn cho thị trường bất động sản như thanh khoản sụt giảm, áp lực tài chính đến với cả nhà đầu tư nhỏ lẻ và chủ đầu tư. Việc lãi suất cho vay hạ là tin vui cho thị trường.
Bên cạnh đó, hiện nay giá của một số phân khúc bất động sản tại nhiều khu vực đã giảm phổ biến từ 20 – 30% so với thời điểm đỉnh của “cơn sốt”. Đây được đánh giá là cơ hội cho những nhà đầu tư có tiềm lực.
Sang tháng 3/2023, xu hướng giảm lãi suất vẫn đang tiếp tục được duy trì. Đơn cử như Hong Leong Bank. So với tháng trước thì lãi suất cho vay của nhà băng này đã giảm 1%, từ 11,7%/năm xuống 10,7%/năm. Đây là mức lãi suất ưu đãi nhưng đã cao trên 10%/năm và cũng chỉ cố định trong vòng 1 năm đầu tiên.
Trong khi đó, Shinhan Bank cũng giảm tới 2,81 điểm %, từ 10,8%/năm xuống còn 7,99%/năm. Tuy nhiên, mức lãi suất ưu đãi này chỉ áp dụng cố định trong 6 tháng đầu, các tháng tiếp theo lãi suất sẽ ở ngưỡng 10,5%/năm.
Ngân hàng BIDV đưa ra gói tín dụng 100.000 tỷ đồng dành cho các khách hàng vay phục vụ nhu cầu đời sống và sản xuất kinh doanh, bao gồm cả vay mua nhà ở với lãi suất từ 10,3%/năm trong 12 tháng đầu tiên kể từ thời điểm giải ngân lần đầu; hay từ 10,9%/năm trong 18 tháng đầu tiên kể từ thời điểm giải ngân lần đầu.
Bên cạnh đó, một số ngân hàng thương mại cổ phần như Techcombank, Sacombank, SeABank, Bản Việt,… cũng đưa ra các gói tín dụng với mức lãi suất ưu đãi giảm 1 – 2% so với lãi suất thông thường.
Theo TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), lãi suất hạ là tín hiệu tốt cho thị trường bất động sản, giải quyết được vấn đề về thanh khoản. Trong thời gian qua, lãi suất tăng cao khiến tâm lý người mua e ngại xuống tiền, từ đó kéo sụt giảm thanh khoản.
“Nếu lạc quan, thị trường bất động sản sẽ bắt đầu sôi động từ cuối quý II đầu quý III năm nay. Khi đó, giá bất động sản cũng sẽ dễ chịu hơn, đặc biệt là ở phân khúc đất nền, người mua cảm thấy hợp lý sẽ xuống tiền kích hoạt thanh khoản trở lại”, vị này dự báo.
Với việc các ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất trong thời gian gần đây, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – tiền tệ Quốc gia cho rằng, đây là điều tích cực cho thị trường bất động sản, bởi khi lãi suất vay vốn giảm sẽ có ba tác động tích cực cho cả bên bán và bên mua.
Theo đó, áp lực chi phí vốn đối với chủ đầu tư sẽ giảm bớt do tiếp cận được nguồn vốn vay với mức lãi suất hợp lý hơn; từ đó có thể đưa ra chính sách bán hàng hấp dẫn hơn, góp phần thúc đẩy thanh khoản trên thị trường bất động sản. Đồng thời, chủ đầu tư có thêm nguồn lực để hoàn thiện các dự án dang dở, cũng như triển khai các dự án mới; kết quả là nguồn cung mới sẽ được bổ sung cho thị trường.
Tiếp theo, nhu cầu mua bất động sản của khách hàng khởi sắc hơn. “Trước đây, lãi suất cho vay ở mức cao là một trong những rào cản lớn đối với việc khách hàng ra quyết định mua bất động sản. Do vậy, khi lãi suất vay vốn giảm sẽ thúc đẩy nhu cầu mua bất động sản của khách hàng”, ông Lực cho biết.
Ngoài ra, việc ngân hàng hạ lãi suất sẽ tạo tâm lý tích cực hơn cho thị trường bất động sản. Bởi khách hàng có tâm lý “chờ đợi giá bất động sản giảm tiếp”, làm thanh khoản thị trường trầm lắng.
Theo đánh giá, việc hệ thống ngân hàng giữ mức lãi suất điều hành và lãi suất huy động cao trong thời gian qua về mặt vĩ mô là để kiểm soát tình trạng lạm phát nhưng ngược lại sẽ làm mất đi sự cân bằng trong quá trình phân bổ vốn đầu tư vào thị trường.
Bởi lãi suất cao DN sẽ không đảm bảo được tỷ suất lợi nhuận so với chi phí vốn nên sẽ hạn chế hoặc tạm dừng vay vốn đầu tư. Còn người dân sẽ tìm kênh “trú ẩn” an toàn cho dòng tiền thông qua gửi tiết kiệm, lãi suất cũng không thua kém nhiều so với các kênh đầu tư khác nên DN không thể huy động được vốn đầu tư.
“Việc điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để thực hiện mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Nhìn nhận một cách khách quan, nếu lãi suất điều hành và lãi suất huy động ở mức cao trong thời gian gần đây kéo dài sẽ tác động xấu đến nền kinh tế nên về bản chất việc ngân hàng giảm lãi suất nằm trong tình thế bắt buộc, chỉ là nhanh hoặc chậm.
Nhưng có thể thấy động thái này của ngành ngân hàng được xem là một tín hiệu tích cực, kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích cho ngành BĐS nói riêng và toàn nền kinh tế. Với việc điều chỉnh lần này, được kỳ vọng lãi suất cho vay đối với DN dao động từ 12 – 13%, phù hợp để DN phục hồi sản xuất, kinh doanh.
“Trong năm 2023, nhu cầu vốn của DN tiếp tục tăng cao, trong khi nguồn tiền rất hạn hẹp vì khó huy động được vốn từ phát hành trái phiếu, thậm chí còn phải mua trái phiếu trước hạn.
Tổng Hợp
(Kinh Tế Đô Thị, NSTT)