WB cho biết việc không thể đảo ngược xu hướng giảm tốc tăng trưởng toàn cầu sẽ tác động sâu sắc đến khả năng giải quyết các vấn đề như giảm đói nghèo, chênh lệch thu nhập….
WB cho biết, để thay đổi, các nhà hoạch định chính sách cần ưu tiên kiềm chế lạm phát, đảm bảo sự ổn định của khu vực tài chính và giảm nợ, đồng thời thúc đẩy các khoản đầu tư thân thiện với môi trường.
Báo cáo của WB nêu bật các chính sách cấp quốc gia cụ thể có thể tạo ra sự khác biệt quan trọng trong việc thúc đẩy triển vọng tăng trưởng dài hạn như sau:
Điều chỉnh các khuôn khổ tiền tệ, tài khóa và tài chính: Các khuôn khổ chính sách tài chính và kinh tế vĩ mô mạnh mẽ có thể điều tiết những thăng trầm của chu kỳ kinh doanh. Các nhà hoạch định chính sách nên ưu tiên kiềm chế lạm phát và đảm bảo sự ổn định của khu vực tài chính. Những chính sách này có thể giúp các quốc gia thu hút vốn bằng cách củng cố niềm tin của nhà đầu tư.
Tăng cường đầu tư: Theo WB, đối với những lĩnh vực như giao thông và năng lượng, sản xuất và nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu, cũng như hệ thống đất và nước, các khoản đầu tư hợp lý phù hợp với mục tiêu chính về khí hậu có thể nâng cao tiềm năng tăng trưởng lên tới 0,3 điểm phần trăm mỗi năm cũng như tăng cường khả năng đối phó với thiên tai trong tương lai.
Cắt giảm chi phí thương mại: Chi phí thương mại – chủ yếu liên quan đến vận chuyển, logistics và các quy định, là yếu tố góp phần làm tăng gấp đôi chi phí hàng hóa giao dịch quốc tế hiện nay. Các quốc gia có chi phí vận chuyển và logistics cao nhất có thể cắt giảm một nửa chi phí thương mại bằng cách tham khảo và áp dụng các biện pháp mà những quốc gia có chi phí vận chuyển và logistics thấp nhất.
Hơn nữa, chi phí thương mại có thể được giảm theo cách loại bỏ xu hướng hiện tại đối với hàng hóa tác động xấu tới môi trường và loại bỏ hạn chế đối với việc tiếp cận hàng hóa, dịch vụ thân thiện với môi trường.
Đầu tư vào dịch vụ: Khu vực dịch vụ có thể trở thành động lực mới của tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Xuất khẩu các dịch vụ chuyên nghiệp được cung cấp kỹ thuật số liên quan đến công nghệ thông tin và truyền thông đã tăng lên hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ vào năm 2021. Con số này tăng từ mức 40% vào năm 2019.
Tăng cường sự tham gia của lực lượng lao động: Khoảng một nửa tốc độ tăng trưởng GDP tiềm năng chậm lại dự kiến cho đến năm 2030 sẽ là do thay đổi nhân khẩu học, bao gồm dân số trong độ tuổi lao động giảm và tỷ lệ tham gia lực lượng lao động giảm.
Tăng tỷ lệ tham gia lực lượng lao động tổng thể bằng mức tăng kỷ lục trong 10 năm qua có thể giúp tăng tỷ lệ tăng trưởng kinh tế tiềm năng trên toàn cầu lên tới 0,2 điểm phần trăm mỗi năm vào năm 2030.
Ở một số khu vực, chẳng hạn như Nam Á, Trung Đông và Bắc Phi, việc tăng tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ lên mức trung bình cho tất cả các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi có thể đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng GDP tiềm năng lên 1,2 điểm phần trăm mỗi năm trong giai đoạn 2022-2030.
Theo WB, những nỗ lực phối hợp để thúc đẩy đầu tư vào các lĩnh vực bền vững, cắt giảm chi phí thương mại, thúc đẩy tăng trưởng trong lĩnh vực dịch vụ và mở rộng sự tham gia của lực lượng lao động có thể thúc đẩy tăng trưởng GDP tiềm năng lên mức 2,9%.
Bên cạnh đó, báo cáo của WB cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường hợp tác toàn cầu. Hội nhập kinh tế quốc tế đã giúp thúc đẩy sự thịnh vượng toàn cầu trong hơn hai thập kỷ kể từ năm 1990 nhưng đã chững lại. Khôi phục điều này là việc cần thiết để xúc tác thương mại, thúc đẩy hành động vì môi trường cũng như huy động các khoản đầu tư cần thiết để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Tổng Hợp