Đất nền và nhà phố vùng ven đang hút tiền, tính đến hết tháng 5/2022, đất nền khu vực lân cận TP.HCM tăng cả về giá lẫn nguồn cung.
Nhà liền thổ, cũng là loại hình bất động sản hưởng lợi từ quy hoạch hạ tầng hay nâng cấp địa giới hành chính, nhưng có pháp lý rõ ràng hơn đất nền nên được đa số nhà đầu tư lựa chọn.
Tại Hà Nội, việc Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tuyến đường Vành đai 4 vùng Thủ đô mang đến nhiều kỳ vọng cho các dự án bất động sản bám dự án. Đơn cử, tại huyện Hoài Đức, ghi nhận tại các xã Đức Thượng, Dương Liễu, Tiền Yên, Song Phương, giá đất tăng thêm từ 10-15 triệu đồng/m2 so với năm ngoái, phổ biến ở mức 40-50 triệu đồng/m2, thậm chí một số khu vực trung tâm các xã còn lên tới 130-150 triệu đồng/m2.
TS. Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho rằng, Vành đai 4 vùng Thủ đô sẽ làm tăng sức nóng thị trường bất động sản nơi tuyến đường đi qua. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cá nhân sẽ rất khó xác định mốc lộ giới, hành lang 2 bên tuyến đường cũng như ranh giới của những mảnh đất trong và ngoài quy hoạch, mốc giới nào là đất ở trong quy hoạch và đâu là khu được hay không được giao dịch.
“Dù mang đến nhiều cơ hội, nhưng việc bám sóng hạ tầng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro, đặc biệt khi chưa rõ ranh giới quy hoạch”, ông Cường nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, TS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đánh giá, quy hoạch hạ tầng giao thông sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản xung quanh khu vực quy hoạch, nhưng việc triển khai trong thực tế thường có độ trễ, nhất là với những dự án hạ tầng lớn, liên quan đến nhiều địa phương thì càng có nhiều vấn đề cần giải quyết trước khi triển khai. Đây là điều nhà đầu tư cần lưu tâm khi “bám sóng” hạ tầng.
Còn ông Neil MacGregor, Tổng giám đốc Savills Việt Nam lưu ý, nhu cầu nhà ở đang tăng rất nhanh ở các đô thị lớn và động lực tăng đến từ tốc độ đô thị hóa nhanh. Tuy nhiên, do quỹ đất phát triển dự án mới khu vực nội đô ngày một khan hiếm, vướng mắc thủ tục pháp lý chậm được tháo gỡ, việc huy động vốn để đầu tư, phát triển dự án bị kiểm soát chặt… khiến nguồn cung sụt giảm mạnh, dẫn đến tình trạng lệch pha cung – cầu.
Ghi nhận thực tế, ngay từ khi TP.HCM có định hướng xây dựng Hóc Môn và các huyện Nhà Bè, Củ Chi, Bình Chánh, Cần Giờ lên thành phố, giá bất động sản ở những khu vực này đã có nhiều lần biến động.
Dù không phải là diễn biến mới nhưng sau hơn 2 năm dịch bệnh, dòng tiền thông minh đã cho thấy những chuyển biến rõ rệt, khẩu vị nhà đầu tư thay đổi, sự an toàn trở thành yếu tố được đề cao. Các sản phẩm được đầu tư bài bản, pháp lý vững vàng trở thành lựa chọn số một của các nhà đầu tư. Cùng với đó là nhu cầu rất cao về không gian đủ rộng rãi, thoáng đạt để hưởng thụ cuộc sống .
Chính vì thế, đến thời điểm hiện tại, vùng ven đang giữ trọng trách là nguồn cung chủ lực duy trì sự ấm nóng cho thị trường bất động sản. Không khó để nhận thấy thị trường này đang có sự thay đổi lớn về chất. Đất nền nhiều loại hình từ đất nền trong dân, đất ruộng, đất rừng, đất tự phân lô đánh mất vai trò sản phẩm đầu tư chủ lực thay vào đó đất nền trong các dự án khu đô thị, sản phẩm biệt thự liền kề nghỉ dưỡng vùng ven ngày càng được quan tâm nhiều hơn.
Hạ tầng đang được xem là bệ phóng cho các dự án bất động sản ở vùng ven. Ở phía Bắc, các tuyến đường cao tốc mới đã khiến cho thị trường Hưng Yên, Hòa Bình, Bắc Ninh trở thành thỏi nam châm hút dòng vốn đầu tư. Bất động sản tại các tỉnh thành này vẫn tăng giá 20-50%.
Ở phía Nam, các tuyến đường cao tốc Hồ Chí Minh, Long Thành – Dầu Giây và gần đây là sự khởi động của sân bay quốc tế Long Thành, cùng một loạt tuyến đường kết nối đã đưa Long An, Đồng Nai, Bà Rịa -Vũng Tàu và Bình Thuận trở thành những thị trường làn sóng mua bán bất động sản sôi động, nhất là loại hình đất dự án và đất thổ cư tự do.
Tổng Hợp